14:00 12/07/2023

Tổng cục Thuế thông tin về chính sách thuế tối thiểu toàn cầu

Trâm Anh

Thông tin tại Hội nghị lần thứ 15 của diễn đàn IF do OECD tổ chức tại Pháp mới đây, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, dự kiến Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trong tháng 10/2023, hiệu lực vào năm tới...

Dự thảo chính sách sẽ sớm lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp và các bộ, ngành có liên quan.
Dự thảo chính sách sẽ sớm lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp và các bộ, ngành có liên quan.

Từ ngày 10 - 12/7, đoàn công tác của Tổng cục Thuế do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh làm trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị lần thứ 15 của Diễn đàn hợp tác về Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), gọi tắt là diễn đàn IF được tổ chức tại Paris, Cộng hòa Pháp.

Hội nghị lần thứ 15 của diễn đàn IF thảo luận về các nội dung liên quan đến giải pháp hai trụ cột cải cách thuế toàn cầu để ứng phó với các thách thức phát sinh từ nền kinh tế kỹ thuật số.

Tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh tham gia tham luận về việc triển khai Trụ cột 2 về thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. Phó Tổng cục Trưởng cho biết, với sự hỗ trợ của Ban Thư ký OECD thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, phiên họp dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, Bộ Tài chính Việt Nam có báo cáo Chính phủ vào tháng 6 về việc áp dụng quy định về chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (GloBE) tại Việt Nam.

 

Theo đó, Chính phủ Việt Nam dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu vào tháng 10 năm 2023 và dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024.

"Quốc hội Việt Nam sẽ ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó dự kiến bao gồm quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) và thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT)", Tổng cục Thuế thông tin.

Các quy định này được Việt Nam nội luật hóa đảm bảo tuân thủ quy định mẫu và các hướng dẫn theo chương trình Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận toàn cầu.

Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật sẽ lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp và các bộ, ngành có liên quan trong mùa hè này trước khi Quốc hội chính thức xem xét thông qua dự kiến vào tháng 10 năm nay.

Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh tham luận về việc triển khai Trụ cột 2 về thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam tại diễn đàn IF.
Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh tham luận về việc triển khai Trụ cột 2 về thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam tại diễn đàn IF.

Thông tin về những điểm nhấn nổi bật diễn ra tại Hội nghị lần thứ 15 của diễn đàn IF, theo Tổng cục Thuế, hội nghị dự kiến thông qua văn bản tuyên bố kết quả hai trụ cột, bao gồm dự thảo Hiệp định đa phương về Khoản A (Phần thu nhập của doanh nghiệp đa quốc gia có doanh thu trên 20 tỷ USD và vượt tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu 10%) của Trụ cột 1 liên quan đến Hiệp định đa phương về việc phân chia quyền đánh thuế đối với thu nhập phát sinh từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và dịch vụ kinh tế kỹ thuật số (Hiệp định MLC); Khoản B (thu nhập tiếp thị và phân phối theo giá thị trường) của Trụ cột 1.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng dự kiến thông qua văn bản tuyên bố Quy tắc quyền đánh thuế của nước nguồn (STTR) trong Trụ cột 2 và chương trình hỗ trợ triển khai thực hiện.

Giải pháp hai trụ cột dựa trên sự đồng thuận có vai trò quan trọng đảm bảo sự công bằng và bình đẳng trong hệ thống thuế và củng cố khuôn khổ thuế quốc tế trước các mô hình kinh doanh mới và đang thay đổi.

Cũng theo Tổng cục Thuế, diễn đàn IF đang hoàn thiện công việc theo Trụ cột 1 và Quy tắc về quyền đánh thuế của nước nguồn (STTR) và khuôn khổ thực hiện. Khoản A của Trụ cột 1 sẽ thiết lập quyền đánh thuế cho các nước thị trường đối với phần lợi nhuận thặng dư xác định của các công ty đa quốc gia lớn nhất và có lợi nhuận cao hoạt động trên thị trường các nước, ngăn chặn việc phổ biến các loại thuế đối với dịch vụ kỹ thuật số và các biện pháp tương tự có liên quan khác, tránh đánh thuế hai lần và tránh gánh nặng tuân thủ quá mức, đồng thời tăng cường sự ổn định và chắc chắn trong hệ thống thuế quốc tế.

Thuế tối thiểu toàn cầu theo Trụ cột 2 thiết lập một môi trường đầu tư bình đẳng toàn cầu về thuế thu nhập doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp đa quốc gia (MNE) phải chịu thuế ở mỗi nước với mức thuế suất tối thiểu thực tế là 15% bất kể doanh nghiệp đó hoạt động ở đâu.

"Chương trình thuế tối thiểu toàn cầu theo Trụ cột 2 đã trở thành hiện thực, với hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đang từng bước tổ chức thực hiện", Tổng cục Thuế thông tin.

 

Kết quả rà soát về số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, Tổng cục Thuế cho biết, có khoảng 120 tập đoàn nước ngoài FDI đầu tư vào Việt Nam (với khoảng trên 1.000 doanh nghiệp) chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu, nếu áp dụng từ năm 2024, sau khi loại trừ các trường hợp không phải áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Theo đó, nếu các quốc gia khác đều áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu từ năm 2024, các quốc gia có công ty mẹ sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng trên 14.000 tỷ đồng, tương ứng số tiền khiến ngân sách Việt Nam bị hụt thu nếu chậm chân ứng phó.