11:39 31/03/2011

Tổng giám đốc SJC: Nên cho phép “vàng tài khoản”

Kim Oanh

Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) nhìn nhận về định hướng quản lý thị trường vàng thời gian tới

Ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC).
Ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC).
“Theo tôi, tốt nhất là khi hạn chế “vàng vật chất” thì nên cho phép “vàng tài khoản”, ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) nói với VnEconomy, trong cuộc trao đổi xung quanh định hướng quản lý thị trường vàng thời gian tới.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây, một lần nữa, Chính phủ đã nhấn mạnh định hướng “dứt khoát thực hiện lộ trình xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do”. Đại diện cho đơn vị kinh doanh vàng miếng lớn nhất, ông nghĩ gì về vấn đề này?

Theo tôi, có thể thấy rõ nét quan điểm Chính phủ là quyền sở hữu vàng miếng của người dân vẫn được pháp luật thừa nhận, và mục tiêu của Nhà nước là đưa vàng miếng vào thị trường có tổ chức. Cho nên, điều tôi quan tâm hiện nay là lộ trình thực hiện và hình thái thị trường có tổ chức của kinh doanh vàng miếng trong thời gian sắp tới.

Thời gian qua, tại Việt Nam, chức năng tiền tệ của vàng miếng đã giảm nhiều, chỉ còn chức năng bảo đảm tài sản và thực tế tại các nước khác trên thế giới, khi kinh tế ổn định thì người dân không giữ vàng miếng.

Việc chuyển đổi cần có lộ trình, tốt nhất là nên từ 1-2 năm, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người sở hữu vàng miếng. Những ngày gần đây, trước thông tin chấm dứt kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do, nhiều người dân lo lắng vội bán vàng miếng để mua lại vàng vàng trang sức. Mặt hàng này đang bán chạy ở nhiều địa phương.

Tuy nhiên, vàng trang sức khó đảm bảo chất lượng do được sản xuất theo phương pháp thủ công, không rõ thương hiệu và trách nhiệm người sản xuất. Hạn chế mặt hàng này là mua ở đâu phải bán ở đó, đem đến nơi khác là bị đánh thấp tuổi để ép giá mua vào.

Vì vậy, mong rằng người tiêu dùng hãy bình tĩnh, không nên vội vã đổi ngay vàng miếng lấy vàng trang sức, sẽ chịu những thiệt hại không đáng có.

Tôi chắc chắn Nhà nước sẽ có lộ trình và phương án đảm bảo lợi ích cho người dân. Riêng SJC luôn có trách nhiệm đến cùng về sản phẩm vàng miếng của mình. Chúng tôi sẽ có giải pháp phù hợp sau khi Nhà nước có chủ trương cụ thể hơn.

Với cương vị là Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, ông có thể cho biết Hiệp hội sẽ có những kiến nghị gì về vấn đề này?

Trong tình hình kinh tế hiện nay, những giải pháp lớn đặt ra trong Nghị quyết 11/NQ-CP là rất cần thiết và phải quyết tâm thực hiện. Về quản lý kinh doanh vàng miếng của Nhà nước, Hiệp hội sẽ có văn bản đề xuất ý kiến theo hướng làm sao đảm bảo quyền lợi người dân. Đồng thời, kiến nghị việc nhập khẩu vàng nên gom lại một đầu mối do Ngân hàng Nhà nước tổ chức.

Song song đó, cần hình thành quỹ vàng từ hai nguồn là vàng nhập khẩu và vàng mua trong dân hoặc tiết kiệm… và có thể điều tiết quỹ này, khi cần và khi giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng quốc tế thì xuất khẩu để thu ngoại tệ về. Quỹ vàng này có thể dùng như quỹ phụ trợ cho quỹ dự trữ ngoại tệ quốc gia.

Để đưa vàng miếng vào thị trường có tổ chức, về đầu ra, Hiệp hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sử dụng mạng lưới các ngân hàng có kinh doanh vàng, các doanh nghiệp vàng có uy tín và những doanh nghiệp này sẽ tổ chức các đại lý của mình.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề xuất thành lập sở giao dịch vàng. Bởi theo tôi, tốt nhất là khi hạn chế “vàng vật chất” thì nên cho phép “vàng tài khoản”, có sự quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, thành viên tham gia sở giao dịch vàng là các công ty, các ngân hàng và cho ký quỹ với tỉ lệ cao để tránh rủi ro.

Rút kinh nghiệm sàn vàng trước đây, sở giao dịch vàng cần có quy chế quản lý và được pháp luật hóa rõ ràng...

Vàng miếng SJC hiện chiếm 90% thị phần cả nước. Việc tiến tới xoá bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do ảnh hưởng thế nào đến SJC, và các ông đã lên kế hoạch chuyển đổi như thế nào?

Đến nay, qua 22 năm, SJC đã sản xuất khoảng 700 tấn vàng miếng, tương đương 20 triệu lượng. Đây là mảng hoạt động chủ lực của công ty nên nếu có thay đổi chính sách, chắc chắn SJC bị ảnh hưởng, nhưng chúng tôi sẵn sàng chấp hành, vì lợi ích quốc gia là trên hết.

SJC sẽ chuyển hướng vào thị trường vàng có tổ chức, và đẩy mạnh nhanh hơn mức vào sản xuất kinh doanh vàng nữ trang. Ngày 23/3 vừa qua, chúng tôi đã khởi công xây dựng xí nghiệp nữ trang SJC với quy mô khá lớn tại khu chế xuất Tân Thuận.