08:36 17/04/2017

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố chiến thắng trưng cầu dân ý

Thăng Điệp

Kết quả này sẽ trao cho ông Erdogan quyền lực áp đảo trong cuộc cải tổ lớn nhất của nền chính trị Thổ Nhĩ Kỳ thời hiện đại

Người ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan ăn mừng chiến thắng bên cạnh một tấm ảnh lớn của ông ở Istanbul ngày 16/4 sau khi có kết quả trưng cầu dân ý - Ảnh: Reuters.<br>
Người ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan ăn mừng chiến thắng bên cạnh một tấm ảnh lớn của ông ở Istanbul ngày 16/4 sau khi có kết quả trưng cầu dân ý - Ảnh: Reuters.<br>
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày Chủ nhật, một kết quả sẽ trao cho ông quyền lực áp đảo trong cuộc cải tổ lớn nhất của nền chính trị Thổ Nhĩ Kỳ thời hiện đại. Tuy nhiên, phe đối lập cho rằng cuộc bỏ phiếu có sự vi phạm quy chế và tuyên bố sẽ khiến kết quả phải thay đổi.

Theo tin từ Reuters, ông Erdogan nói 25 triệu người đã bỏ phiếu ủng hộ đề xuất trao toàn bộ quyền lực cho Tổng thống, thay vì chia sẻ quyền lực giữa Tổng thống và Quốc hội như hiện nay, đồng nghĩa với với tỷ lệ phiếu thuận 51,5%.

Kết quả này chưa phải là một chiến thắng áp đảo như ông Erdogan và Đảng AK cầm quyền mong muốn. Tuy nhiên, hàng nghìn người ủng hộ ông Erdogan đã xuống đường ở Ankara vẫy cờ ăn mừng chiến thắng.

“Lần đầu tiên trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ, chúng ta đã thay đổi được hệ thống lãnh đạo của mình thông qua chính trị dân sự”, ông Erdogan nói, chỉ những cuộc đảo chính quân sự thường xuyên xảy ra ở nước này trong những thập kỷ qua. “Đó là lý do vì sao điều này rất quan trọng”.

Bản thân ông Erdogan đã vượt qua một cuộc đảo chính quân sự vào tháng 7 năm ngoái. Cuộc trấn áp hậu đảo chính đã khiến 47.000 người bị bắt và 120.000 công chức bị đuổi việc hoặc đình chỉ công tác.

Ông Kemal Kilicdaroglu, thủ lĩnh Đảng Cộng hòa Nhân dân (CHP), đảng đối lập chính của Thổ Nhĩ Kỳ, tỏ ra nghi ngờ về tính chân thực của kết quả trưng cầu dân ý. Ông Kilicdaroglu cũng cáo buộc ông Erdogan đang tìm cách thiết lập “chính thể một người”, cho rằng những thay đổi được đề xuất sẽ đặt Thổ Nhĩ Kỳ vào tình thế nguy hiểm.

Tại một số khu vực “nhà giàu” của Istanbul, người phản đối Erdogan đã đổ ra đường biểu tình sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố. Giao thông ở nhiều nơi trong thành phố bị tắc nghẽn.

Tuy nhiên, đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng giá lên mức 3,65 Lira đổi 1 USD trong đầu giờ phiên sáng nay tại châu Á, từ mức 3,72 Lira/USD vào hôm thứ Sáu.

Các chính trị gia châu Âu lên tiếng bày tỏ lo ngại về kết quả cuộc trưng cầu dân ý của Thổ Nhĩ Kỳ. Ủy ban châu Âu (EC) nói kết quả sít sao cho thấy Ankara nên tìm kiếm “sự đồng thuận toàn quốc cao hơn” khi thực thi cải cách chính trị.

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với châu Âu đã giảm sâu trong chiến dịch vận động trưng cầu dân ý mà Chính phủ của ông Erdogan thực hiện trong cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ ở các quốc gia châu Âu. Một loạt nước trong khu vực, gồm Đức và Hà Lan, đã cấm các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các cuộc vận động tranh cử nhằm kêu gọi sự ủng hộ dành cho ông Erdogan.

Ông Erdogan gọi những động thái này là “hành động phát xít” và tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “xét lại” quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) sau nhiều năm tìm cách gia nhập khối này.

Sau cuộc trưng cầu dân ý, ông Erdogan một lần nữa nói về dự định xem xét lại việc dừng án tử hình ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ đưa án tử hình áp dụng trở lại, thì động thái này gần như chắc chắn sẽ chấm dứt quy trình xin gia nhập EU của nước này.

Mối quan hệ xấu đi giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể phá hỏng thỏa thuận đạt được vào năm ngoái mà theo đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngăn dòng người di cư, chủ yếu là người tị nạn từ Syria và Iraq, vào châu Âu.

Cuộc trưng cầu dân ý đã đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào tình trạng chia rẽ sâu sắc. Ông Erdogan và những người ủng hộ ông nói việc thay đổi là cần thiết để thay đổi hiến pháp hiện tại - bản hiến pháp được các tướng lĩnh soạn thảo sau một cuộc đảo chính vào năm 1980, để giải quyết các thách thức an ninh và chính trị mà Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt bao gồm cuộc nội chiến ở Syria và Iraq cũng như nguy cơ từ nhóm khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), và để tránh lặp lại những chính phủ liên minh mong manh như trước kia.

Người ủng hộ nói kết quả cuộc trưng cầu dân ý sẽ chấm dứt hệ thống hiện nay mà trong đó cả Tổng thống và Quốc hội đều được bầu trực tiếp - một hệ thống mà họ cho là dễ dẫn tới tình trạng bế tắc.

Ngược lại, những người phản đối cho rằng cuộc trưng cầu dân ý là một bước tiến tới sự độc đoán và chuyên chế lớn hơn.

Gói cải cách đề xuất bao gồm 18 điểm sẽ giải tán Văn phòng Thủ tướng và trao cho Tổng thống quyền soạn thảo ngân sách, công bố tình trạng khẩn cấp, và ban hành sắc lệnh về giám sát các bộ mà không cần có sự thông qua của Quốc hội.