Cuộc trấn áp hàng loạt tại Thổ Nhĩ Kỳ sau đảo chính
Khoảng 50 nghìn người bao gồm binh lính, cảnh sát, luật sư, công chức đã bị bắt giữ
Sau cuộc đảo chính bất thành vào cuối tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỹ, ông Tayyip Erdogan, liên tiếp đưa ra nhiều biện pháp rất cứng rắn để trấn áp lực lượng đối lập, theo tin từ Reuters.
Trong hai ngày đầu tuần, chính quyền của ông Erdogan đã gửi một lực lượng quân đội lớn đến hàng loạt các trường đại học, trường phổ thông, các cơ sở tôn giáo để rà soát tìm kiếm những người được cho là thuộc phe đảo chính.
Tính từ sau khi âm mưu đảo chính được chặn đứng vào ngày thứ Bảy tuần trước, khoảng 50 nghìn người bao gồm binh lính, cảnh sát, luật sư, công chức đã bị bắt giữ. Khắp Thổ Nhĩ Kỳ là một bầu không khí vô cùng căng thẳng.
Từ trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã không yên ổn bởi cuộc khủng hoảng di cư tại Syria và còn bởi nước này là một đồng minh quan trọng của phương Tây trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự phong (IS).
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Binali Yidirim, tuyên bố: “Các tổ chức khủng bố sẽ không thể còn chỗ tồn tại trong Thổ Nhĩ Kỳ”. Theo phát ngôn viên của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, rất nhiều năm nay nước này lo ngại về sự tồn tại của tổ chức chính trị lớn được cho là dưới sự điều khiển từ nước ngoài của ông Fethullah Gulen.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức gửi yêu cầu đề nghị Mỹ cho phép dẫn độ ông Fethullah Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ để phục vụ cho quá trình điều tra kẻ chủ mưu phía sau cuộc đảo chính tuần trước đã khiến 232 người thiệt mạng.
Trong ngày thứ Ba, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan về số phận của Fethullah Gulen. Ông khẩn thiết kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ hãy tạm thời kiềm chế, không nóng vội trừng phạt những người gây ra đảo chính.
Ông Fethullah Gulen là một người Thổ Nhĩ Kỳ năm nay đã 65 tuổi, hiện sống lưu vong tại Pennsylvania, Mỹ. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc ông có một mạng lưới rất lớn những người ủng hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ và đã góp phần quan trọng vào âm mưu đảo chính vừa qua.
Tuy nhiên Gulen đã bác bỏ mọi cáo buộc, và tuyên bố những điều này chỉ là cớ cho các cuộc trấn áp phe đảo chính.
Trong ngày thứ Ba, Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa tất cả các cơ quan truyền thông được cho là có liên hệ mật thiết với ông Fethullah Gulen, sa thải 15 nghìn người khỏi Bộ Giáo dục, 492 người từ một số cơ quan tôn giáo và khoảng 100 nhân viên tình báo của chính phủ. Hàng loạt hiệu trưởng các trường đại học buộc phải từ chức.
Một số lãnh đạo các nước phương Tây từng tuyên bố ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thì nay đang lo ngại ông tranh thủ cơ hội này để củng cố quyền lực và dẹp bỏ những tiếng nói phản đối.