TP.HCM: Chi trả nhanh gói hỗ trợ lần 2, không để lợi dụng chính sách
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Võ Văn Hoan khẳng định hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phải nhanh chóng, đúng đối tượng, không để lợi dụng chính sách…
Tại cuộc họp báo về triển khai gói hỗ trợ lần 2 của TP.HCM đối với người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19 vào ngày 5/7, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Võ Văn Hoan, nhấn mạnh quan điểm của TP.HCM khi xây dựng chính sách hỗ trợ này thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của chính quyền thành phố trước những khó khăn của người dân yếu thế bị ảnh hưởng bởi Covid-19; cùng nhau góp công, góp sức chung tay vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Đây là một trong nhiều giải pháp hỗ trợ người dân để thực hiện với mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển hinh tế.
CHI TRẢ NHANH, HOÀN TẤT TRONG THÁNG 8
Theo ông Võ Văn Hoan, chính sách có nhưng không kịp thời đưa vào thực tiễn thì chính sách không hiệu quả. Phải làm nhanh và không gây phiền hà cho người lao động. “Đó là lý do mà đợt thực hiện gói hỗ trợ lần 2 này, Ủy ban nhân dân TP.HCM yêu cầu, đề cao trách nhiệm của người sử dụng lao động, chính quyền Ủy ban nhân dân địa phương là phường/xã, còn người lao động không phải làm thủ tục nào (trừ những người lao động tự do phải tự làm đơn xác nhận tại địa phương)”, ông Hoan nêu.
Đối với lao động tự do, lao động mất việc, có thể lấy mẫu đơn điền nội dung vào trong mẫu, gửi theo đăng ký tạm trú, chứng nhận mất việc,… gửi về chính quyền địa phương để được hưởng trợ cấp.
Ngoài ra, ông Hoan yêu cầu các sở ngành, Ủy ban nhân dân thành phố, quận, huyện, phường xã phải phối hợp đồng bộ, thống nhất. Phải làm kịp thời, chủ động làm, trong quá trình làm phải linh hoạt xử lý, vượt thẩm quyền thì có báo cáo Ủy ban nhân dân TP.HCM; xử lý nhanh, kết thúc sớm trong tháng 8 với nội dung chi hỗ trợ 1 lần.
Về cách làm, thủ tục phải đơn giản, phê duyệt nhanh chóng, tiếp nhận hồ sơ chỉ trong 7 ngày phải trả kết quả và chi trả trong 3 ngày. Chi trả trực tiếp cho người lao động (thông qua tài khoản hoặc mời lên nhận trực tiếp nếu không có tài khoản) và hỗ trợ một lần, không chi trả gián tiếp qua chính quyền địa phương.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM đề nghị chính quyền địa phương cấp sơ sở, người sử dụng lao động phải làm việc “kịp thời, công khai, đúng đối tượng hỗ trợ, không để xảy ra lợi dụng chính sách”.
SẼ TÍNH TOÁN KHI CÓ PHÁT SINH VƯỢT GÓI
Liên quan đến câu hỏi “nếu duyệt chi vượt gói hỗ trợ” trong quá trình triển khai gói hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 lần 2 này, thành phố sẽ giải quyết ra sao.
Theo Nghị quyết 09/2021 của Hội đồng nhân dân TP.HCM, tổng nguồn kinh phí để thực hiện gói hỗ trợ lần 2 đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là 886 triệu đồng, chi từ nguồn ngân sách TP.HCM.
Ông Võ Văn Hoan cho biết kinh phí gói hỗ trợ theo Nghị quyết 09/2021 chỉ là ước tính, cơ bản và thực tế có thể phát sinh. Khi phát sinh, TP.HCM sẽ tính thêm, không làm ảnh hưởng đến số tiền mà người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được nhận theo gói.
Trả lời thắc mắc về đối tượng xe ôm có được hỗ trợ hay không, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM cho biết: "Xe ôm sẽ xếp vào nhóm lao động làm việc tại nhà để phân biệt với xe công nghệ. Sẽ có chỉ đạo về địa phương để nắm rõ và triển khai”.
Trong gói hỗ trợ lần 2, đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), mức tiền hỗ trợ, không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người/lần, hoặc không thấp hơn 50.000 đồng/người/ngày.
Ông Hoan cho biết, các địa phương sẽ quyết định đối tượng này bởi chỉ có địa phương mới xác định được cụ thể những nhóm lao động tự do trên địa bàn như người lái xe ba gác, người bốc vác, người bán vé số, xe ôm…