12:34 16/06/2021

Gói hỗ trợ lần 2: Kỳ vọng “đúng đối tượng, giảm thủ tục”

Phúc Minh

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu, đề xuất Chính phủ xem xét tiếp tục có chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Coivd-19...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát nghiêm trọng vào cuối tháng 4, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng chính sách hỗ trợ cần sớm được triển khai, song phải đúng đối tượng và rút gọn tối đa các thủ tục thụ hưởng.

TỶ LỆ ĐƯỢC HỖ TRỢ Ở GÓI LẦN 1 THẤP SO VỚI DỰ KIẾN

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có báo cáo kết quả triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó Bộ cho biết, theo dự kiến nguồn lực ban đầu khi đề xuất gói hỗ trợ là gần 62.000 tỷ đồng.

 

Trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt khoảng 35.880 tỷ đồng; cho vay tái cấp vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội 16.200 tỷ đồng; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất khoảng 6.500 tỷ đồng.  Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp khoảng 3.000 tỷ đồng.

Đến nay, về hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, thông qua các chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 42 và chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ cho trên 14,4 triệu đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với tổng kinh phí trên 32.694 tỷ đồng.

Nhóm này bao gồm: 11,9 triệu người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; trên 1,316 triệu lao động có giao kết hợp đồng lao động; trên 1 triệu lao động không có giao kết hợp đồng lao động và trên 37.300 hộ kinh doanh.

Về hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội, đến ngày 31/1/2021 (thời điểm dừng cho vay theo quy định), đã cho 245 người sử dụng lao động vay 41,82 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho 11.276 lao động.

Cùng đó, đã giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với 1.846 đơn vị/doanh nghiệp cho 192.503 lao động với tổng số tiền tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trên 786 tỷ đồng.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cơ bản đảm bảo nguyên tắc “hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu”.

 

Bên cạnh các đối tượng hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP quy định, tại các địa phương cũng đã thông qua Nghị quyết để hỗ trợ cho trên 200.000 đối tượng khác bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với tổng kinh phí khoảng 200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Bộ cũng thừa nhận một số địa phương chậm triển khai việc hỗ trợ đối với nhóm lao động, nhất là lao động không có giao kết hợp đồng lao động, tỷ lệ được hỗ trợ thấp hơn so với dự kiến. Việc triển khai tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất còn chậm đến với doanh nghiệp.

Đợt bùng phát dịch thứ 4 tác động đến nhiều lao động trong các khu công nghiệp. Ảnh - Đức Duy. 
Đợt bùng phát dịch thứ 4 tác động đến nhiều lao động trong các khu công nghiệp. Ảnh - Đức Duy. 

XÁC ĐỊNH ĐÚNG ĐỐI TƯỢNG, GIẢM THỦ TỤC

Lý giải về kết quả triển khai chưa cao như dự kiến, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, tại thời điểm đề xuất chính sách hỗ trợ, tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, chưa được kiểm soát nên dự báo số đối tượng bị ảnh hưởng tương đối lớn và thời gian hỗ trợ tương đối dài.

Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam đã sớm kiểm soát được dịch bệnh vào cuối tháng 5/2020, việc giãn cách xã hội sớm kết thúc trong tháng 4/2020, hoạt động sản xuất, kinh đoanh được mở cửa trở lại nên hầu hết các nhóm lao động, hộ kinh doanh chỉ được hỗ trợ trong tháng 4/2020.

Mặt khác, mức hỗ trợ thấp nên nhiều hộ kinh doanh không đề nghị, do đó số lượng thấp hơn nhiều so với dự kiến ban đầu. Bên cạnh đó, do điều kiện hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc cho người lao động chặt chẽ trong khi mức vay thấp nên nhiều người sử dụng lao động không thực sự quan tâm.

 

Ở gói hỗ trợ lần 1, đa phần doanh nghiệp không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện như: số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của doanh nghiệp.

ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội

Trên cơ sở tình hình tác động của đại dịch Covid-19, đặc biệt là đợt bùng phát dịch nghiêm trọng vào cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu, đề xuất Chính phủ xem xét tiếp tục có chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Coivd-19.

Bộ cho rằng các chính sách hỗ trợ lần này cần phù hợp cho các đối tượng cụ thể; ưu tiên hỗ trợ những địa phương còn khó khăn, những đối tượng yếu thế, chưa được bao phủ bởi các lưới an sinh xã hội để tránh trùng lặp, bỏ sót đối tượng...

Chia sẻ với VnEconomy, TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học – Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đánh giá, các chính sách ở gói hỗ trợ lần 1 là tương đối tốt. Ví dụ như giảm thuế, giãn đóng bảo hiểm xã hội, hỗ trợ cho doanh nghiệp vay để trả lương ngừng việc cho công nhân…

“Rút kinh nghiệm từ gói lần 1, các chính sách hỗ trợ sắp tới quan trọng nhất là giảm bớt các điều kiện, thủ tục không cần thiết, nhất là minh bạch hơn để các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận đầy đủ”, bà Hương nhấn mạnh.

Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, ở gói hỗ trợ lần 1, đa phần doanh nghiệp không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện như: số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của doanh nghiệp. 

Trong khi đó, các văn bản sửa đổi và hướng dẫn chỉ mở rộng đối tượng chứ không thay đổi điều kiện bảo đảm để nhận được hỗ trợ. Đây là một trong những lý do khiến chính sách chưa phù hợp với thực tế, chưa đi vào cuộc sống.

Vì vậy, theo ông Mạc Quốc Anh, ở gói hỗ trợ lần 2 doanh nghiệp kỳ vọng phải triển khai càng nhanh càng tốt. Đồng thời, phải cải tiến quy trình, thủ tục hành chính nhanh gọn hơn, thông tin minh bạch và đầy đủ để các khoản hỗ trợ sớm đến được tay các doanh nghiệp.

“Các khoản hỗ trợ này cần phải xác định đúng đối tượng thụ hưởng với những tiêu chí xác đáng và cụ thể, có sự giám sát chặt việc sử dụng nguồn hỗ trợ để bảo đảm hiệu quả của chính sách”, ông Mạc Quốc Anh cho biết.