13:00 03/09/2021

TP.HCM: Cơ hội mua nhà phố đắt đỏ tại quận trung tâm trong mùa dịch

Ban Mai

Có những bất động sản bình thường không giảm hoặc không bán, chẳng hạn như nhà phố. Dịch Covid-19 đã khiến tình trạng này thay đổi…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Giá nhà phố (nhà mặt tiền) tại các quận trung tâm TP.HCM rất đắt đỏ. Tuy nhiên, có thời điểm có những tuyến đường không có giao dịch về nhà phố, thể hiện người có nhà không bán.

LOẠN THÔNG TIN RAO BÁN NHÀ MẶT TIỀN QUẬN 1

Cách đây 05 năm, anh Trần Phương, chủ một công ty đã thuê căn nhà 1 trệt 1 lầu (2 tầng) tại đường Nguyễn Công Trứ (quận 1, TP.HCM), để làm văn phòng giao dịch. Diện tích sàn khoảng 120m2. Giá thuê lúc đó là 280 triệu đồng/tháng. Với vị trí đắc địa và thuận tiện cho giao dịch, anh Trần Phương muốn mua luôn căn nhà đó để xây làm trụ sở công ty.

Tuy nhiên, chủ nhà không bán vì cho rằng bán đi thì được nhiều tiền thật, nhưng để mua lại một căn nhà tương đương trên các tuyến đường sầm uất tại quận 1 là không thể, không ai muốn bán. Họ để cho thuê lấy tiền nếu không kinh doanh.

Theo dữ liệu thống kê của Propzy cho thấy giá nhà phố trên các tuyến đường tại khu “lõi” trung tâm quận 1, như: đường Hàm Nghi có mức giá nhà phố bình quân lên tới 1,3 tỷ đồng/m2; đường Nguyễn An Ninh giá 1,1 tỷ đồng/m2; đường Bùi Viện giá 1,4 tỷ đồng/m2; đường Lê Lợi có thời điểm lên tới 1,9 tỷ đồng/m2; đường Nguyễn Trãi giá 1,4 tỷ đồng/m2; đường Lê Lai giá 1,2 tỷ đồng/m2…

Tuy nhiên, gần 02 năm trở lại đây, dịch Covid-19 bùng phát cùng với việc giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh lây lan đã khiến nhiều doanh nghiệp, người dân lao đao, nhất là những người có nợ vay. Dòng tiền đứt quãng do các khoản thu nhập giảm hoặc không có, nhưng các khoản chi trả, nợ vay ngân hàng hầu như vẫn giữ nguyên khiến nhiều người trở thành “chúa chổm”.

Anh Nguyễn Hoàng Quân, chủ một khách sạn nhỏ nằm trên đường Lý Tự Trọng (quận 1), cho biết anh mua khách sạn này từ năm 2019, phải lên xuống nhiều lần với chủ cũ vì cạnh tranh với nhiều mối. Anh vay tiền ngân hàng để mua và sửa sang, mở rộng thêm để kinh doanh.

Đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài gần 02 năm nay khiến doanh thu của khách sạn về không (0). Trong khi đó tiền vay ngân hàng đến kỳ phải trả nhưng anh Quân không lấy đâu bù vào được, vì nguồn thu chủ yếu từ việc cho thuê phòng khách sạn hiện không có. Anh đang rao bán nhưng chưa có kết quả.

Trên thị trường, cùng với các môi giới, các trang website mua bán nhà đất đều đăng hàng loạt thông tin rao bán nhà mặt tiền tại quận 1.

Cụ thể, căn nhà mặt tiền trên đường Lê Lai có diện tích 110m2 đang được rao bán giá 130 tỷ đồng; nhà mặt tiền đường Lý Tự Trọng diện tích 71m2, rao giá 75 tỷ đồng; nhà mặt tiền đường Hồ Tùng Mậu diện tích 149m2 (đối diện toà tháp Bitexco), rao giá 105 tỷ đồng; nhà mặt tiền đường Bùi Thị Xuân diện tích 160m2 , rao giá 90 tỷ đồng; khách sạn mặt tiền tại  đường Nguyễn An Ninh  (gần chợ Bến Thành) diện tích 88m2, rao giá 90 tỷ đồng…

CƠ HỘI CHO NGƯỜI CÓ TIỀN

Các nhà đầu tư cá nhân mua bất động sản lớn, ví dụ như khách sạn hoặc nhà phố lớn, số tiền họ trả hàng tháng - một phần bằng thu nhập của họ và một phần bằng việc cho thuê của bất động sản đó. Các nguồn thu này cũng đang gặp khó khăn và họ có thể đối mặt với nguy cơ không trả được nợ ngân hàng. 

Theo ông Đinh Thế Hiển, Viện trưởng, Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế Ứng dụng, hiện tại, ngoài việc mua vì nhu cầu thông thường, nhiều người còn mua vì cơ hội. Bởi khó khăn của người này là cơ hội của người khác. Tình hình chung khiến cho nhiều người đang ôm bất động sản gặp khó khăn và phải bán, đó là cơ hội cho người mua. 

Sản phẩm nào giảm sâu hơn thì có thể mạnh dạn mua. Đặc biệt là với những bất động sản chỉ có cơ hội này mới giảm, chứ bình thường không giảm hoặc không bán, chẳng hạn như nhà phố.

Bởi vì loại hình này ít nhất 7-8 tỷ đồng/căn trở lên mà số tiền đó không phải ai cũng có. Nhà phố đang bị khủng hoảng cho thuê, khiến người ta muốn giảm giá để bán.

Trong giai đoạn bình thường, bạn thích căn nhà phố đó cũng không mua được, đó là sản phẩm người ta không mua để bán mà để dành lâu dài. Chỉ có cơ hội này, họ mới bán mà còn giảm giá.

"Nếu nhà đầu tư muốn mua một khách sạn mini, nhà phố hoặc miếng đất và đã "phục kích" lâu rồi, giờ đây thấy cơ hội tốt (khi người bán chấp nhận giảm giá 5%-10% mà sau này chưa chắc mua được) thì cân nhắc xuống tiền", ông Hiển nói.