10:31 06/12/2023

TP.HCM: Đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ Tết, sẵn sàng tăng sản lượng trong trường hợp cần thiết

Phạm Vinh

Các doanh nghiệp bình ổn thị trường TP.HCM đã chuẩn bị hơn 22.000 tỉ đồng phục vụ 2 tháng Tết Giáp Thìn, trong đó hơn 8.500 tỉ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường…

Nhiều chương trình khuyến mãi tại siêu thị Emart Phan Huy Ích sẽ khai trương ngày 7/12.
Nhiều chương trình khuyến mãi tại siêu thị Emart Phan Huy Ích sẽ khai trương ngày 7/12.

Sở Công thương TP.HCM vừa có báo cáo về công tác triển khai chương trình bình ổn thị trường và chuẩn bị hàng hóa Tết Giáp Thìn 2024 trên địa bàn Thành phố.

KHÔNG ĐỂ TÌNH HUỐNG KHAN HÀNG, ĐẦU CƠ GIÁ

Theo báo cáo, từ nay đến Tết Nguyên đán, tình hình thị trường xăng dầu, tỉ giá, giá cả nguyên vật liệu cơ bản… tiếp tục biến động phức tạp. Đây là áp lực lớn đối với hoạt động sản xuất trong nước, nhất là đối với hoạt động sản xuất các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu những tháng cuối năm và giáp Tết Nguyên đán.

Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương, cho biết năm 2023 là năm đầu tiên Thành phố triển khai chương trình bình ổn thị trường theo quy chế. Doanh nghiệp tham gia trên cơ sở đồng thuận, đồng hành và tuân thủ nghiêm các quy định của chương trình; góp phần ổn định giá cả, không để xảy ra bất kỳ tình huống khan hàng, đầu cơ giá.

Do đó, các doanh nghiệp bình ổn thị trường TP.HCM đã chuẩn bị hơn 22.000 tỉ đồng phục vụ 2 tháng Tết Giáp Thìn, trong đó hơn 8.500 tỉ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường. Cụ thể, bình quân mỗi tháng, các doanh nghiệp bình ổn thị trường dự kiến cung ứng 7.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thủy hải sản…

Ngoài ra, các doanh nghiệp sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết, tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ (nếu có)… Kiên quyết không để xảy ra thiếu hàng, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống.

Năm 2023, thành phố đẩy mạnh liên kết vùng và hợp tác phát triển kinh tế xã hội với 38 tỉnh, thành trên cả nước. Riêng lĩnh vực thương mại, kết nối cung - cầu, hỗ trợ tiêu thụ đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP, thành phố không chỉ hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm, mà còn bổ sung nguồn hàng bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng thành phố, đưa đặc sản vùng miền đến gần với người tiêu dùng thành phố, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Riêng với mặt hàng gạo, Sở Công thương đã vận động, mời gọi thêm nhiều doanh nghiệp tham gia nhằm tăng nguồn lực bình ổn thị trường gạo. Các doanh nghiệp cam kết cung cấp đủ gạo trong mọi tình huống, giá cả hợp lý, gạo không chất bảo quản, chất lượng an toàn, bảo đảm cân đối cung cầu cho thị trường TP.HCM.

TẬP TRUNG MẶT HÀNG THIẾT YẾU, TĂNG KHUYẾN MÃI DỊP TẾT

Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là đến Tết Giáp Thìn năm 2024, trước tình hình kinh tế như hiện nay, giới kinh doanh dự báo những mặt hàng thiết yếu sẽ được ưu tiên mua sắm trong mùa Tết.

Ngoài ra, theo nhiều cuộc khảo sát đã được các công ty nghiên cứu thị trường thực hiện thì xu hướng tìm kiếm sản phẩm ở phân khúc tầm trung hoặc nhiều khuyến mại hơn sẽ chiếm ưu thế so với xu hướng cao cấp hóa.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành hoạt động Co.opmart kiêm giám đốc Marketing Saigon Co.op, dự đoán người dân sẽ bắt đầu mua sắm trong khoảng từ 3 – 4 tuần trước Tết Nguyên Đán. Saigon Co.op kỳ vọng sức mua và lượt khách tăng khoảng 20 – 30% so với tháng kinh doanh bình thường, tăng 50% so với ngày thường. Sức mua sẽ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết (bánh mứt kẹo, bánh chưng bánh tét, giỏ chả, dưa hành củ kiệu, trái cây trưng bày mâm ngũ quả …), các mặt hàng đồ dùng, may mặc dự đoán tăng nhẹ.

Còn ông Bùi Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dầu thực vật Tường An, nhận định: Người tiêu dùng năm nay sẽ có xu hướng mua sắm thông minh, tập trung vào các nhu cầu cơ bản, thiết yếu cho cuộc sống. Các doanh nghiệp tặng quà Tết cho nhân viên có xu hướng chọn nhóm sản phẩm thiết yếu. Đối với các hộ gia đình cũng sẽ ưu tiên những sản phẩm uy tín, chất lượng để chăm chút cho mùa Tết cho cả gia đình. Vì vậy, những thương hiệu uy tín, lâu năm trên thị trường với mức giá ổn định, mang đến nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trong thị trường Tết 2024.

Công ty Cổ phần Dầu thực vật Tường An, cho biết đã sớm dự báo và chủ động trong việc sản xuất, điều phối nguồn nguyên liệu nhằm đảm bảo cung cấp hàng hóa cho người dân, đặc biệt trong giai đoạn bán hàng phục vụ thị trường Tết. Đồng thời, tiến hành loạt đổi mới, cải tiến trong bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm, ra phiên bản mới, đồng thời ra mắt sản phẩm dầu thực vật tự nhiên… để đáp ứng đa nhu cầu của người tiêu dùng.

Siêu thị Emart Phan Huy Ích sẽ khai trương ngày 7/12 tại Trung tâm thương mại Thiso Mall Trường Chinh - Phan Huy Ích quận Gò Vấp TP.HCM. Đây là đại siêu thị Emart thứ ba tại TP.HCM, đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của Emart kể từ sự kiện hợp tác giữa THISO Retail (Tổng công ty thuộc Tập đoàn thành viên THISO) và Emart Hàn Quốc.

Với diện tích hơn 10.500m2, Emart Phan Huy Ích tiếp tục phát huy những đặc trưng nổi bật và các thế mạnh sẵn có từ Emart Phan Văn Trị và Sala, như: Thiết kế và trưng bày quầy kệ theo hướng tiện dụng, bắt mắt với lượng hàng hoá dồi dào tại mọi thời điểm trong ngày; kiểm soát chất lượng và nguồn gốc xuất xứ của các mặt hàng; ưu tiên phát triển hàng hoá Việt Nam kết hợp với các chương trình khuyến mãi diễn ra liên tục trong năm.

Đại diện THISO Retail cho biết việc đưa vào hoạt động đại siêu thị Emart Phan Huy Ích nằm trong chiến lược mở rộng hoạt động bán lẻ ra toàn quốc. Dịp này, hệ thống siêu thị Emart đưa ra nhiều đợt khuyến mãi lớn nhất trong năm mua sắm Tết.

Năm nay, Emart tập trung trợ giá hàng tiêu dùng thiết yếu, đồng hành tiết kiệm chi tiêu cùng người tiêu dùng, hạn chế mặt hàng cao cấp, hàng nhập khẩu. Mục tiêu tăng trưởng khoảng 15% so với năm 2022.