TP.HCM: Doanh nghiệp linh hoạt tận dụng cơ hội, nỗ lực vượt thách thức
Doanh nghiệp TP.HCM cần thích ứng linh hoạt bằng cách tái cấu trúc, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; quản lý rủi ro tài chính, minh bạch dòng tiền trong các hoạt động kinh doanh, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư… để có thể vượt qua thách thức cũng như tận dụng cơ hội trong năm 2023…
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng năm 2022 vẫn là năm xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng khá tốt. Các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc… vẫn là những nước có đóng góp quan trọng trong kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Cụ thể, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ với kim ngạch đạt 109,1 tỷ USD, chiếm 29,3 thị phần. Trong khi đó kim ngạch nhập khẩu ở mức 14,6 tỷ USD, chiếm khoảng 4% thị phần, thặng dư thương mại tạo ra cho thấy Mỹ vẫn là luôn là đối tác thương mại hàng đầu của nước ta. Ngoài ra thị trường Trung Quốc chiếm thế mạnh lớn trong kim ngạch nhập khẩu, ở mức 119,3 tỷ USD, chiếm khoảng 33% thị phần.
CƠ HỘI ĐAN XEN THÁCH THỨC
Chia sẻ tại buổi cà phê doanh nhân lần thứ 67 do Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức mới đây tại TP.HCM, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, cho biết, kinh tế thế giới giảm mạnh đà hồi phục trong năm 2022 do nhiều yếu tố tác động như: Lạm phát và lãi suất tăng và ở mức cao, các rủi ro về an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh chuỗi cung ứng… Điều này đã tác động tới Việt Nam.
Dự báo về ngành bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, theo các chuyên gia ngành này sẽ có nhiều cơ hội nhưng đi kèm cùng những thách thức vô cùng lớn trong năm 2023. Kim ngạch của ngành có thể đạt 5.900 - 6.200 tỷ USD, tăng khoảng 8 - 10%.
Xuất nhập khẩu cũng được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng từ 6 - 8% trong năm 2023. Dù xuất khẩu của Việt Nam năm 2022 tăng trưởng rất tốt, tuy nhiên hạn chế vẫn nằm ở thị trường Trung Quốc. Tỷ lệ xuất khẩu sang quốc gia này tương đối thấp do chính sách đóng cửa Zero COVID. Bước sang năm 2023, động lực chính mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam là việc Trung Quốc mở cửa trở lại từ ngày 08/01. Nhiều đơn hàng từ thị trường này bắt đầu gia tăng số lượng sau khi mở cửa trở lại.
"Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng cần chuẩn bị tâm thế để sẵn sàng trở thành những “con mèo khôn ngoan” để có thể linh hoạt vượt qua khó khăn và thách thức trong năm 2023”.
TS. Cấn Văn Lực
Cùng với đó, việc đẩy mạnh đầu tư công giai đoạn 2022-2023 cũng mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước. Thực tế cho thấy, ngay trong tháng 1/2023, chỉ số PMI đã bắt đầu phục hồi dần so với tháng trước, nhiều hiệp hội ngành hàng cho biết, các doanh nghiệp trong ngành như dệt may, điện tử, gỗ đã có đơn hàng cho quý III/2023. Hiện các doanh nghiệp đã bắt tay vào sản xuất để kịp theo tiến độ cam kết.
Bên cạnh những cơ hội nói trên, trong năm 2023, kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt với những thách thức như: Mặt bằng lãi suất còn cao, tỉ giá còn chịu sức ép tăng (dù đã dịu bớt); chương trình phục hồi và giải ngân đầu tư công chưa có đột phá; doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như nguồn vốn, nhân sự; rủi ro về trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp bất động sản, cần thời gian xử lý, lành mạnh hóa.
LINH HOẠT THÍCH ỨNG KHÓ KHĂN, VƯỢT KHÓ
Về phía các doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực cho rằng doanh nghiệp TP.HCM cần thích ứng linh hoạt bằng cách tái cấu trúc, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; quản lý rủi ro tài chính, minh bạch dòng tiền trong các hoạt động kinh doanh, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Đồng thời, các doanh nghiệp ngành bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cần có những hành động quyết liệt vì đây là ngành đặt biệt quan trọng trong kim ngạch và sự phát triển của quốc gia.
Chia sẻ về xu hướng tiêu dùng trong thời gian tới, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho biết, sau đại dịch COVID-19, xu thế tiêu dùng của khách hàng có sự thay đổi. Theo đó, người tiêu dùng chú trọng hơn tới hàng hóa thiết yếu, các hàng hóa được sản xuất theo hướng " xanh" với tiêu chuẩn cao. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam không thể "bỏ qua" xu hướng này.
Cũng theo ông Đức, mặc dù năm 2022 tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng 20%, tuy nhiên cấu trúc việc tiêu thụ hàng hóa đang dần thay đổi theo chiều hướng tập trung vào những hàng hóa thiết yếu. Có sự dịch chuyển kênh phân phối từ hiện đại sang truyền thống, thị phần bán lẻ hiện đại từ mức 24% trong dịch COVID-19 đã giảm còn 18% trong năm 2022. Điều này đang đi ngược lại với xu hướng của thế giới. Quốc gia láng giềng Thái Lan có tốc độ tăng trưởng này lên đến 60%.
Ngoài ra, hiện có rất nhiều doanh nghiệp, nhãn hàng lớn nước ngoài đang quan tâm tới thị trường 100 triệu dân tại Việt Nam. Điều này dẫn đến áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nội địa ngày càng tăng. “Thực tế này buộc doanh nghiệp trong nước phải cân nhắc kênh bán hàng tối ưu, tập trung vào lĩnh vực thế mạnh để gia tăng hiệu quả hoạt động trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cạnh tranh thị trường gay gắt hơn. Ngoài ra, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu mà doanh nghiệp cần phải chuẩn bị”, ông Đức nhấn mạnh.
Với vai trò là trung tâm kinh tế của khu vực phía Nam, sự phục hồi và phát triển của TP.HCM trong thời gian tới đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển chung của cả nước. “Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng cần chuẩn bị tâm thế để sẵn sàng trở thành những “con mèo khôn ngoan” để có thể linh hoạt vượt qua khó khăn và thách thức trong năm 2023”, ông Lực nhấn mạnh.
Trong năm 2023, TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 7,5-8%, gấp 1,3-1,5 lần so với mức bình quân của cả nước. Để làm được điều này, TP.HCM cần đẩy mạnh và thúc đẩy các chương trình hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, rà soát giãn, hoãn thuế cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm của Thành phố.
Bên cạnh đó, tăng cường các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản như: Tiếp tục cải cách hành chính, giảm thiếu thời gian, quy trình đầu tư xây dựng các dự án nhà ở trên địa bàn; nhanh chóng rà soát và tháo gỡ cho các dự án chậm tiến độ do vướng mắc về pháp lý, thủ tục đầu tư; phát triển nhà ở xã hội…