08:50 26/02/2023

TP.HCM đầu tư 8.200 tỷ đồng cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên

Xuân Nghi

Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên (giai đoạn 2), kết nối tỉnh Long An, Bình Dương và Đồng Nai có tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng, vừa được TP.HCM khởi công...

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trên bến dưới thuyền, sau hơn 10 năm được cải tạo từ một "dòng kênh chết"...
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trên bến dưới thuyền, sau hơn 10 năm được cải tạo từ một "dòng kênh chết"...

Dự án đi qua bảy quận, huyện của TP.HCM, kết nối với tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai qua sông Sài Gòn có tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng, gồm ngân sách trung ương 4.000 tỷ đồng và ngân sách thành phố 4.200 tỷ đồng.

20 NĂM HỒI SINH MỘT DÒNG KÊNH XANH

Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên (sau đây gọi tắt là dự án kênh Tham Lương) là dự án trọng điểm thuộc Đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2045 kết hợp cùng các dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương – Bến Cát.

Cùng với đó, lưu vực Tây Sài Gòn dự kiến triển khai sẽ giúp hoàn thiện hạ tầng thoát nước cho khu vực phía Tây và phía Bắc thành phố. Dự án kênh Tham Lương có mục tiêu giải quyết thoát nước, chống ngập và ô nhiễm môi trường, kết nối hạ tầng giao thông và là dự án hạ tầng mang tính chất phục vụ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đồng thời làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM.

Dự án là trục tiêu thoát nước, chống ngập úng cho diện tích 14.900 ha của khu vực và các khu vực khác có liên quan; đồng thời dự án cũng góp phần chỉnh trang đô thị và cải thiện môi trường, tăng cường năng lực giao thông cho trục Bắc Nam, góp phần cùng các dự án khác bảo đảm giao thông thủy theo Tiêu chuẩn đường thủy nội địa cấp V.

Dự án bao gồm 9 gói thầu với tổng chiều dài công trình hơn 63 km, sẽ thực hiện nạo vét trên toàn tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên với chiều dài 31,46 km; kè bờ toàn tuyến với tổng chiều dài 63,11 km. Song song, xây dựng tuyến đường giao thông hai bên bờ kênh với chiều dài 63,41 km. Đồng thời hoàn thiện hạ tầng thoát nước, công viên, cây xanh, chiếu sáng và 12 bến thuyền. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Dự án thuộc Chương trình phát triển hạ tầng là một trong 3 chương trình đột phá của TP.HCM (Chương trình đột phá đổi mới quản lý, Chương trình đột phá phát triển hạ tầng và Chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: "Bảo đảm hiệu quả đầu tư, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí!".
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: "Bảo đảm hiệu quả đầu tư, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí!".

Phát biểu tại lễ khởi công dự án hạ tầng quan trọng này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị các sở ngành của Thành phố tập trung phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện dự án; Ủy ban nhân dân các quận, huyện dự án tiếp tục tập trung vận động, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân trong triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và thực hiện dự án.

KỲ VỌNG THAY ĐỔI DIỆN MẠO ĐÔ THỊ

Dự án kênh Tham Lương (giai đoạn 1) được khởi động từ năm 2002. Lúc bấy giờ, chính quyền Thành phố thông báo cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên do bị ô nhiễm bởi quá trình đô thị hóa và hàng loạt khu công nghiệp mọc lên.

Giai đoạn 1 đã dừng lại ở công tác giải phóng mặt bằng, nạo vét kênh thông tuyến dòng chảy, đắp đất hai bên bờ kênh, xây dựng nhiều cửa thoát nước tại một số rạch nhánh. Sau đóngưng trệ gần như hoàn toàn cho đến nay.

Để công tác thi công giai đoạn 2 đạt được các tiêu chí lớn gồm giảm ngập nước, giải quyết ô nhiễm môi trường và kết nối hạ tầng giao thông, người đứng đầu chính quyền Thành phố yêu cầu các chủ đầu tư phải tập trung chỉ đạo các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng; huy động nhân lực, thiết bị thi công, vật tư, vật liệu và có kế hoạch thi công chi tiết, phối hợp chặt chẽ với các sở ngành.

“Các địa phương để đảm bảo hoàn thành dự án theo kế hoạch, bảo đảm chất lượng công trình, mỹ quan đô thị và an toàn lao động, an toàn vệ sinh môi trường, bảo đảm hiệu quả đầu tư, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Dự án kênh Tham Lương kỳ vọng sẽ hình thành tuyến giao thông đường thủy kết nối các quận, huyện của TP.HCM, cũng như kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Tây Nam Bộ qua ngõ Long An và đi các tỉnh miền Đông như Bình Dương, Đồng Nai theo hướng từ cửa sông Chợ Đệm đến sông Sài Gòn, góp phần hình thành trục giao thông thủy xuyên suốt toàn vùng. 

"Dòng kênh chết" Tham Lương đoạn chảy qua địa bàn phường Thới An, quận 12.
"Dòng kênh chết" Tham Lương đoạn chảy qua địa bàn phường Thới An, quận 12.

Ngoài ra, trục giao thông đường bộ nối với các tỉnh miền Tây qua ngõ Long An theo kết nối với đại lộ Võ Văn Kiệt – quốc lộ 1 - cao tốc TP.HCM - Trung Lương và đi các tỉnh miền Đông cũng sẽ được nối liền. Từ đó, kết nối giao thông đường bộ xuyên thành phố, giải quyết ùn tắc giao thông, tạo điều kiện chỉnh trang đô thị.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (TCIP) cho biết: Việc triển khai thi công, hoàn thành dự án hứa hẹn sẽ tạo nên bước đột phá trong các công trình hạ tầng đô thị, tạo diện mạo đô thị mới cho khu vực nói riêng và TP.HCM nói chung. Vì vậy, việc thi công hoàn thành dự án theo mục tiêu, tiến độ đề ra là yêu cầu bắt buộc mà lãnh đạo Thành phố đã giao nhiệm vụ cho chủ đầu tư và các nhà thầu tham gia dự án.

 

Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên chảy qua địa bàn bảy quận, huyện của TP.HCM gồm quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh. Đây là kênh dài nhất nhưng cũng là một trong những tuyến kênh ô nhiễm nhất TP.HCM.

Dự án do TCIP làm chủ đầu tư, dự kiến sẽ xây dựng kè dọc hai bên bờ kênh, nạo vét toàn tuyến kênh với chiều rộng 30 - 90 m, sâu 4 - 5 m, làm 12 bến thuyền dọc kênh, đường giao thông rộng 8 - 12 m dọc hai bờ kênh.