17:09 28/12/2023

TP.HCM: Hơn 1 tỷ USD được rót các khu công nghiệp

Thanh Thủy

Trong năm 2023, tổng vốn thu hút đầu tư bao gồm cấp mới và điều chỉnh vào các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP.HCM đạt hơn 1 tỷ USD, gần gấp đôi so với kế hoạch đặt ra…

TP.HCM thu hút hơn 1 tỷ USD vào các khu công nghiệp, khu chế xuất trong năm 2023 - Ảnh minh hoạ
TP.HCM thu hút hơn 1 tỷ USD vào các khu công nghiệp, khu chế xuất trong năm 2023 - Ảnh minh hoạ

Theo Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp TP.HCM, trong năm 2023 tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh là hơn 1,009 tỷ USD, đạt 183,57% kế hoạch ( kế hoạch là 550 triệu USD).

Cụ thể, về đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư thu hút đạt 221,11 triệu USD, tăng 12,47% so với cùng kỳ năm 2022 (196,6 triệu USD).

Trong đó, cấp mới 16 dự án với vốn đầu tư đăng ký 63,20 triệu USD, giảm 12,89% so với cùng kỳ năm 2022 (72,56 triệu USD); 32 dự án điều chỉnh vốn với vốn điều chỉnh tăng 157,91 triệu USD, tăng 27,30% so với cùng kỳ năm 2022 (124,05 triệu USD). Suất đầu tư (tính trên các dự án mới, tăng vốn có sử dụng đất) là 11,58 triệu USD/ha.

Về đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư thu hút đạt 18.510,99 tỷ đồng (tương đương 788,5 triệu USD), tăng 123,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, cấp mới 44 dự án với vốn đầu tư đăng ký 16.695,93 tỷ đồng (tương đương 710,73 triệu USD), tăng 149,94% so với cùng kỳ năm 2022; 20 dự án điều chỉnh vốn với vốn điều chỉnh tăng 1.815,06 tỷ đồng (tương đương 77,77 triệu USD), tăng 14,16% so với cùng kỳ năm 2022. Suất đầu tư (tính trên các dự án mới, tăng vốn có sử dụng đất) là 4,68 triệu USD/ha (không tính dự án Viettel).

Đối với 4 ngành công nghiệp trọng yếu và dịch vụ phục vụ công nghiệp (dịch vụ hỗ trợ công nghiệp và bất động sản công nghiệp), có 39/60 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư 759,02 triệu USD, chiếm 98% tổng vốn đầu tư thu hút mới.

Cụ thể, dự án đầu tư nước ngoài có 13/16 dự án với vốn đầu tư 58,98 triệu USD, chiếm 93% vốn đầu tư nước ngoài thu hút mới; dự án trong nước có 26/44 dự án với vốn đầu tư 16.450,89 tỷ đồng (tương đương 700,04 triệu USD), chiếm 99% vốn đầu tư trong nước cấp mới.

Bên cạnh đó, diện tích đất cho thuê đạt 16,86 ha, giảm 68,66% so với cùng kỳ năm 2022 (53,8 ha), diện tích nhà xưởng cho thuê đạt 126.594 m2, giảm 11,34% so với cùng kỳ năm 2022 (142.781 m2). Suất đầu tư (tính trên các dự án mới, tăng vốn có sử dụng đất) là 8,1 triệu USD/ha (không tính dự án Viettel, 624 triệu USD).

Theo Ban Quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp TP.HCM, Ban Quản lý đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính.

Trong đó, kéo giảm 30% thời gian giải quyết; thực hiện tiếp nhận và giải quyết trong một ngày làm việc; triển khai 17 thủ tục hành chính tiếp nhận trực tuyến trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố và tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn đạt 92%.

Để đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư, Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp thành phố tăng cường tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh; tổ chức tiếp xúc với các nhà đầu tư để hỗ trợ tư vấn cho các nhà đầu tư tìm kiếm, lựa chọn cơ hội mở rộng dự án đầu tư.

Đồng thời, chú trọng thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, các dự án có vốn đầu tư lớn thuộc các ngành công nghiệp sạch có hàm lượng công nghệ cao, các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM cũng đã phân cấp quyền lực cho Ban Quản lý trong việc thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cũng như các quyền liên quan đến giấy phép môi trường.