15:17 27/06/2023

TP.HCM làm sạch, phát triển liên thông dữ liệu và phát huy hiệu quả Đề án 06

Phạm Vinh

“Các đơn vị, sở ngành, quận huyện tập trung công tác tạo lập, làm sạch, liên thông dữ liệu trong hệ thống giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo Chiến lược dữ liệu của Thành phố…”

Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 thực hiện Đề án 06 chiều 26/6. 
Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 thực hiện Đề án 06 chiều 26/6. 

Đó là yêu cầu của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện đề án 06 TP.HCM, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), chiều 26/6. 

TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN, LÀM SẠCH DỮ LIỆU, TĂNG SỬ DỤNG VNEID

Theo đó, TP.HCM sẽ tập trung phát triển dữ liệu, làm sạch dữ liệu, tăng tỉ lệ dùng tài khoản định danh điện tử (VNeID) trong 6 tháng cuối năm 2023. Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị, sở ngành, quận huyện tập trung vào công tác tạo lập, làm sạch, liên thông dữ liệu trong hệ thống giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo Chiến lược dữ liệu của Thành phố; Tiếp tục thiết lập, phát triển dữ liệu chuyên ngành gắn với hoàn tất 25 dịch vụ công thiết yếu. 

Ngoài ra, các sở, ngành, quận huyện, TP. Thủ Đức tập trung tuyên truyền đề án 06 gắn với tiện ích của căn cước công dân gắn chip, ứng dụng VNeID, đăng ký và kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2; tuyên truyền, khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt tại các bộ phận một cửa điện tử...

Báo cáo sơ kết thực hiện Đề án 06 trên địa bàn thành phố, Công an TP.HCM cho biết, đã thu nhận 7.389.831 hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chip, 1.901.564 hồ sơ định danh điện tử. Đến nay, một số mô hình triển khai đề án 06 tại TP.HCM đạt kết quả tốt như: Cấp tài khoản an sinh xã hội, thực hiện chi trả chính sách không dùng tiền mặt, thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục…

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra vẫn còn các khó khăn như: các hệ thống cơ sở dữ liệu chưa được kết nối, đồng bộ, nhất là các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; nhiều thủ tục dịch vụ công thiết yếu chưa được các bộ ngành chia sẻ dữ liệu cho hệ thống chung; thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công còn chưa thuận tiện để thực hiện do kết nối từ hệ thống dữ liệu dân cư chưa thực sự ổn định, thường xảy ra lỗi đường truyền kết nối...

“Từ cơ sở dữ liệu đã có, yêu cầu các đơn vị tập trung đẩy mạnh việc thực hiện 25 thủ tục hành chính thiết yếu và các dịch vụ công trực tuyến toàn thành phố. Với những dịch vụ chưa hoàn chỉnh, cần tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để triển khai đồng bộ, hiệu quả. Đồng thời rà soát, ban hành các quy trình điện tử, quy trình nội bộ; quan tâm đội ngũ, cơ sở vật chất để triển khai Đề án hiệu quả nhất”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

TẬP TRUNG NGUỒN LỰC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN 06

Tại hội nghị, Thiếu tướng Lê Minh Hiếu biểu dương kết quả đạt được của Ban chỉ đạo đề án 06 TP.HCM trong việc triển khai Đề án và đề nghị Thành phố chú trọng hoàn thiện các nhiệm vụ, công tác theo phân công của đề án. Qua đó, đạt được những kết quả tích cực, thành phố đã đi trước các địa phương về một số nội dung trong công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số. 

Đến nay, toàn quốc đã thu nhận hồ sơ cấp hơn 42 triệu tài khoản định danh điện tử. Trong khi chỉ tiêu đăng ký với Bộ Công an là 50 triệu tài khoản, còn lại 8 triệu tài khoản phấn đấu đến 15/7 hoàn thành.

Thời gian tới, Thiếu tướng Lê Minh Hiếu đề nghị Ban Chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án 06. Trong đó cần quan tâm việc khuyến khích đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2, bởi hiện nay Thành phố mới đạt tỉ lệ khoảng 30% so với lộ trình. Công an TP.HCM phải đảm bảo dữ liệu về dân cư luôn đúng, đủ, sạch, sống; làm tốt vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo để kịp thời tham mưu Chủ tịch UBND TP.HCM những nội dung cần thiết.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhấn mạnh việc thực hiện Đề án 06 là những nội dung thiết thực, ảnh hưởng đến công tác thực thi công vụ hàng ngày của mỗi cơ quan, đơn vị. Kết quả thực hiện đề án cũng được thể hiện qua sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hành chính…

“Vì vậy, các đơn vị liên quan phải hoàn thiện nội dung công tác, đảm bảo chất lượng thực hiện Đề án bởi lẽ kết quả sẽ hiện rõ khi người dân, doanh nghiệp sử dụng các thủ tục hành chính trực tuyến gắn liền với chất lượng dữ liệu”, ông Đức nói.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh việc thực hiện Đề án 06 không chỉ là việc của ngành công an, Sở Thông tin và Truyền thông mà đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và yêu cầu các sở ngành, quận huyện, TP. Thủ Đức phải sát sao, triển khai đồng bộ, khẩn trương, hiệu quả nhiệm vụ.

 

Tính đến tháng 6/2023, TP.HCM đã triển khai 1.542 dịch vụ công trực tuyến với hồ sơ đã giải quyết trên Cổng dịch vụ công Thành phố là 181.177. Hiện có 6.675.062 căn cước công dân gắn chip đã được đồng bộ với thẻ bảo hiểm y tế còn hiệu lực để đi khám chữa bệnh.

  • Công an TP.HCM tiếp nhận, giải quyết trên Cổng dịch vụ công: 1.055.655 hồ sơ đăng ký thường trú, tạm trú, lưu trú; 2.417 giấy phép các loại; 3.400 hồ sơ lĩnh vực phòng cháy; hơn 162.000 hồ sơ đăng ký mới ô tô, mô tô; 18.112 hồ sơ xử lý vi phạm giao thông; 169.239 hồ sơ cấp hộ chiếu...
  • Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM báo cáo đến nay, 100% cơ sở giáo dục thuộc sở ở tất cả các bậc học (gồm 2.341 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên) đã triển khai hình thức thu phí dịch vụ giáo dục không dùng tiền mặt.
  • Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn hiện đã cấp định mức nước qua thông tin trên VNeID. Từ tháng 2/2023 đến nay, Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã tiếp nhận giải quyết hơn 120.000 lượt đăng ký của người dân và doanh nghiệp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.