15:02 17/07/2024

TP.HCM miễn học phí cho trẻ mầm non và học sinh trung học cơ sở

Thi Nguyễn

TP.HCM đã thông qua dự thảo Nghị quyết quy định mức học phí đối với hệ thống giáo dục công lập từ năm học 2024 - 2025 và các năm tiếp theo. Theo đó, trẻ em mầm non 5 tuổi được miễn học phí từ năm học 2024 - 2025, học sinh trung học cơ sở được miễn học phí từ năm học 2025 - 2026…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại kỳ họp thứ 17, Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa X, các đại biểu đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2024 - 2025 và các năm tiếp theo trên địa bàn.

Theo đó, mức thu học phí được chia thành 2 nhóm, cụ thể: Nhóm 1 là học sinh học tại các trường ở thành phố Thủ Đức và các quận; Nhóm 2 là học sinh học tại các trường ở các huyện còn lại.

So với năm ngoái, mức học phí mới này giảm khoảng 100.000 - 240.000 đồng/học sinh/tháng tùy cấp học; mức này bằng với mức thu của năm học 2021 - 2022.

Với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên, mức học phí từ năm học 2024 - 2025 từng cấp học như sau: Nhà trẻ 200.000 đồng/tháng (nhóm 1), 120.000 đồng/tháng (nhóm 2); mẫu giáo 160.000 đồng/tháng (nhóm 1), 100.000 đồng/tháng (nhóm 2); tiểu học 60.000 đồng/tháng (nhóm 1), 30.000 đồng/tháng (nhóm 2); trung học cơ sở 60.000 đồng/tháng (nhóm 1), 30.000 đồng/tháng (nhóm 2); trung học phổ thông 120.000 đồng/tháng (nhóm 1), 100.000 đồng/tháng (nhóm 2).

Trong đó, mức học phí đối với cấp tiểu học quy định tại nghị quyết này là căn cứ thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học tư thục ở địa bàn chưa đảm bảo trường tiểu học công lập và các đối tượng học sinh tiểu học tư thục thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn, giảm học phí theo quy định.

Bên cạnh đó, trẻ em mầm non 5 tuổi được miễn học phí từ năm học 2024 - 2025. Học sinh Trung học cơ sở được miễn học phí từ năm học 2025 - 2026.

Đối với hình thức học trực tuyến, mức thu học phí bằng 50% so với mức thu học phí của các cơ sở giáo dục công lập đã được ban hành.

Ngoài ra, Hội đồng nhân dân Thành phố cũng thông qua nghị quyết quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn từ năm học 2024 - 2025.

Nghị quyết này thay thế cho Nghị quyết 04/2023 của Hội đồng nhân dân Thành phố về các khoản thu và mức thu áp dụng ở năm học trước. Các mức thu quy định tại nghị quyết này là mức thu tối đa. Tùy tình hình thực tế của cơ sở giáo dục và nhu cầu của học sinh, cơ sở giáo dục thống nhất với phụ huynh học sinh mức thu cụ thể nhưng không vượt quá mức thu quy định tại nghị quyết này và không được cao hơn 15% so với năm học liền kề trước đó.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết tại kỳ họp - Ảnh: TN
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết tại kỳ họp - Ảnh: TN

Tại kỳ họp, TP.HCM cũng đã thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 13/2020 của Hội đồng nhân dân Thành phố về chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

 

Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (13 chỉ số), gồm: Dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; việc làm; bảo hiểm xã hội; người phụ thuộc trong hộ gia đình; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.

Trước đó, trong tờ trình trình lên Hội đồng nhân dân Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố đề xuất sửa đổi tiêu chí đo lường nghèo đa chiều, bổ sung tiêu chí thu nhập là 46 triệu đồng/người/năm. Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản gồm 6 dịch vụ gồm: Y tế; giáo dục; việc làm bảo hiểm xã hội; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.

Đồng thời, Ủy ban nhân dân TP.HCM cũng đề xuất chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2021 - 2025.

Trong đó, chuẩn hộ nghèo là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/năm từ 46 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Chuẩn hộ cận nghèo là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/năm từ 46 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

Chuẩn hộ có mức sống trung bình là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người trên 46 triệu đồng đến 69 triệu đồng/người/năm".

Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện chương trình là 15.144 tỷ đồng. Trong đó, bổ sung cho 2 năm 2024, 2025 là 2.877 tỷ đồng. Nguồn kinh phí thực hiện là từ kinh phí huy động để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM và nguồn vốn từ các chương trình cho vay của đoàn thể chính trị - xã hội cùng các chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP.HCM.