23:08 17/05/2021

Tp.HCM: Rút giấy phép vĩnh viễn cơ sở vi phạm phòng dịch nhiều lần

Nhật Dương

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Tp.HCM diễn ra chiều tối 17/5, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tp.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các địa phương rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn đối với những cơ sở vi phạm nhiều lần quy định phòng dịch…

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tp.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp. Ảnh - Trung tâm Báo chí Tp.HCM.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tp.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp. Ảnh - Trung tâm Báo chí Tp.HCM.

Thông tin tại cuộc họp, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tp.HCM cho biết thời gian qua, dù chưa có thêm ca mắc Covid-19 trong cộng đồng nhưng Tp.HCM luôn  trong tình trạng tương đối căng thẳng do áp lực xung quanh ngày càng tăng. Đã có 485 người tại Thành phố bị phạt do không đeo khẩu trang nơi công cộng với tổng số tiền hơn 930 triệu đồng.

Ngoài ra, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã tổ chức 736 đợt kiểm tra các cơ sở kinh doanh phải ngưng hoặc hạn chế hoạt động trong dịch Covid-19. Trong đó, 526 cơ sở bị nhắc nhở, 5 cơ sở được yêu cầu tạm ngừng hoạt động và 144 cơ sở bị xử phạt với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng.

RÚT GIẤY PHÉP VĨNH VIỄN CƠ SỞ KINH DOANH VI PHẠM NHIỀU LẦN

Lưu ý  về các giải pháp phòng chống dịch lúc này, người đứng đầu Uỷ ban nhân dân Tp.HCM cho rằng: bên cạnh việc kiểm tra, xử phạt thì cơ quan chức năng phải vận động các cơ sở hợp tác cùng địa phương phòng, chống dịch.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, các cơ sở kinh doanh - dịch vụ phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để bảo đảm cho sự phát triển lâu dài; cần sự nỗ lực của chính quyền và sự đồng thuận của người dân, các cơ sở kinh doanh - dịch vụ, với các trường hợp tái vi phạm thì phải có hành động xử lý quyết liệt.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tp.HCM cũng yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện và thành phố Thủ Đức tiếp tục siết chặt kiểm tra việc tuân thủ quy định phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Trước việc nhiều cơ sở kinh doanh - dịch vụ vị phạm quy định phòng dịch thời gian qua, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu các địa phương rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn đối với những cơ sở vi phạm nhiều lần.

KHÔNG LƠ LÀ TRONG MỌI TÌNH HUỐNG

Một  trong  những  giải  pháp  mà  Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh là  cần ưu tiên việc chống dịch lên hàng đầu, lực lượng phòng chống dịch và người dân không được phép lơ là trong bất kỳ tình huống nào.

Theo đó, các đơn vị, địa phương cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo phòng chống dịch, hài hòa giữa phòng ngự và tấn công. Từng đơn vị phải có có phương án phòng chống dịch trong từng tình huống.

Về hoạt động của 69 chốt kiểm soát dịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Ngô Minh Châu cho biết thêm, 12 chốt cấp thành phố và 57 chốt cấp quận, huyện được triển khai đồng loạt, nghiêm túc. Mỗi ngày, các chốt kiểm soát khoảng 12.500 phương tiện và 28.000 lượt người.

Bên cạnh việc kiểm tra nhắc nhở người dân không đeo khẩu trang, lực lượng chức năng cũng hướng dẫn người dân khai báo y tế đầy đủ.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM cho biết, tính đến nay, thành phố có 270 trường hợp mắc bệnh Covid-19 được phát hiện tại địa bàn, 256 trường hợp được điều trị khỏi, chiếm tỷ lệ hơn 94%.

Hiện tại, thành phố đang điều trị 14 bệnh nhân dương tính mới với SARS-CoV-2 và 3 bệnh nhân tái dương tính (các bệnh nhân 2704, 2458, 2782). Bên cạnh đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Tp.HCM đã tiếp nhận 1 trường hợp bệnh nhân Covid-19 nặng từ tỉnh An Giang. Hiện tại bệnh nhân đang thở máy, chức năng phổi chỉ còn 10% - 20%, tiên lượng rất nặng.

Trong 20 ngày qua thành phố không khi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng.

 

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trong ngày 17/5, Sở Y tế Tp.HCM đã gửi công văn khẩn đề nghị Phòng Y tế thành phố Thủ Đức và các quận, huyện triển khai hướng dẫn giám sát phòng dịch tại các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn nhằm tăng cường phát hiện sớm người nghi nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng.

Sở cũng yêu cầu thực hiện khai báo y tế đối với trường hợp mua các thuốc điều trị triệu chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp hoặc sốt, ho, đau họng, khó thở.

Các cơ sở bán lẻ thuốc phải hướng dẫn người mua thuốc khai báo y tế đối với trường hợp mua các thuốc điều trị triệu chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp hoặc sốt, ho, đau họng, khó thở. Trong trường hợp các cơ sở không thực hiện và để lây nhiễm dịch Covid-19 trong cộng đồng, cơ sở bản lẻ thuốc sẽ bị xử lý theo quy định.