TP.HCM sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc cho 118 dự án bất động sản
Trong nhiều nhiệm vụ đề ra cần giải quyết, vấn đề đô thị, bất động sản được lãnh đạo thành phố cam kết quan tâm tháo gỡ nhanh…
Thành phố cũng đang gặp khó khăn trong việc phân cấp, uỷ quyền cho các đơn vị cấp dưới để “giải toả” nhanh nhiều công việc tồn đọng.
HUỶ CÁC DỰ ÁN "TREO" KHÔNG THỰC HIỆN
Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội - quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022… trong chương kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM khoá X (nhiệm kỳ 2021-2026), chiều 6/7/2022, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Diệu (huyện Củ Chi) cho biết, hiện trên địa bàn huyện Củ Chi có nhiều dự án “treo” từ 13 năm đến hơn 20 năm.
Cụ thể, dự án Khu Công nghiệp Đông Nam xã Hòa Phú, xã Bình Mỹ; quy hoạch Trung tâm thương mại; vòng xoay Quốc lộ 22 - Nguyễn Thị Rành; Mở rộng khu công nghiệp Tây Bắc giai đoạn 2; quy hoạch Thảo cầm viên Sài Gòn và công trình đê bao sông Sài Gòn từ cầu Bà Bếp đến Vàm Láng The, xã Phú Hòa.
Bà Diệu đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở ngành liên quan phối hợp UBND huyện Củ Chi rà soát lại các dự án, quy hoạch, đền bù giải tỏa, đơn giá bồi thường, bố trí nền tái định cư, tiến độ thực hiện các công trình, dự án, tính khả thi của các quy hoạch trong thực tiễn. Nếu dự án “treo” không thực hiện, đề nghị xóa quy hoạch, thậm chí thu hồi và hủy bỏ các dự án này.
Còn tại huyện Hóc Môn đang có tình trạng đất nông nghiệp thà bỏ hoang hóa cho cỏ mọc nhưng người dân đụng vào không được. Do đó, đại biểu Trần Văn Khuyên (huyện Hóc Môn) đề xuất cần phải giám sát sâu về công tác quản lý quy hoạch; giám sát giải ngân đầu tư công cũng như giám sát các dự án tồn đọng kéo dài để tìm nguyên nhân, vì các dự án tồn đọng gây lãng phí gấp nhiều lần so với tham nhũng.
CẦN PHÂN CẤP, UỶ QUYỀN
Một vấn đề nữa được nêu từ phía các đại biểu, đó là việc liên doanh, liên kết, cho thuê công sản để phục vụ cho nhiệm vụ phát triển các đơn vị sự nghiệp công lập còn vướng mắc.
Theo đại biểu Đoàn Thị Ngọc Cẩm (huyện Cần Giờ), hiện nay, các địa phương không có thẩm quyền ký liên doanh, liên kết, cho thuê công sản. Đề nghị UBND TP.HCM nghiên cứu phân cấp ủy quyền cho chủ tịch UBND quận, huyện để thẩm định đề án liên doanh, liên kết hoặc đề án cho thuê để các đơn vị sự nghiệp công lập ở các địa phương chủ động việc này.
Trả lời vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết, thành phố cũng đã kiến nghị lên Trung ương và đề xuất cho TP.HCM một số cơ chế phân cấp, ủy quyền để triển khai thực hiện.
Vì hiện nay có khoảng 1.800 đơn vị sự nghiệp công lập tại TP.HCM. Một đề án liên doanh, liên kết mở căn tin, bãi giữ xe cũng phải trình lên UBND thành phố, rồi trình HĐND TP.HCM. Tuy nhiên, hiện nay TP.HCM vẫn chưa nhận được phản hồi từ Trung ương để triển khai.
“Nếu như có đến 1.800 đơn vị sự nghiệp cùng trình lên thì không biết khi nào mới xử lý xong. Điều này đòi hỏi phải tháo gỡ khó khăn cũng như có sự phân cấp, ủy quyền cụ thể”, bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Trước đó, tại hội nghị lần thứ 15 mở rộng của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025) ngày 5/7/2022, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM đã thông tin về 10 nhóm việc TP.HCM phải rà soát, hoàn thành trong 6 tháng cuối năm.
Trong đó, thành phố sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với 118 dự án bất động sản trên địa bàn; lập tổ công tác để giải quyết có hiệu quả 647 việc còn vướng mắc tại các địa phương, đơn vị; hoàn thiện kế hoạch sử dụng vốn, sử đụng đất giai đoạn 2021-2025; tiếp tục đeo bám dự thảo xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức)…
Phấn đấu cuối năm 2022 hoàn thành việc rà soát điều chỉnh quy hoạch chung của TP.HCM; sớm hoàn thiện hồ sơ quy hoạch chung TP. Thủ Đức để trình Trung ương phê duyệt.
Thành phố tập trung hoàn thành kế hoạch khép kín vành đai 2 (hiện còn 11km) và khẩn trương triển khai vành đai 3 để đến tháng 6/2023 khởi công theo chỉ đạo của Trung ương; tham khảo ý kiến Bộ Giao thông Vận tải và bàn bạc với các tỉnh để trình Quốc hội về dự án vành đai 4; phấn đấu cuối năm nay sẽ chạy thử nghiệm tuyến Metro số 1 và năm sau sẽ chạy thương mại.
Đồng thời, nghiên cứu các giải pháp để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chương trình xây dựng nhà ở xã hội với tinh thần quyết tâm giải quyết nhu cầu nhà ở giá thấp, phù hợp thu nhập của người dân, kết hợp với di dời nhà trên, ven kênh rạch và cải tạo nhà chung cư cũ. Phấn đấu đến năm 2025 giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở cho người dân...