TP.HCM có hoá giải được toàn bộ “điểm nghẽn” cho các dự án nhà ở xã hội?
Để xây thêm 35.000 căn nhà ở xã hội đến năm 2025, TP.HCM phải tháo gỡ loạt “điểm nghẽn” trong quá trình triển khai…
Hiện nhà ở xã hội chỉ chiếm gần 2,3% so với tổng diện tích sàn nhà ở hoàn thành theo dự án tại TP.HCM.
CẦN THÊM ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC VAY VỐN ƯU ĐÃI
Trong giai đoạn 2016-2020, T.HCM đã đưa vào sử dụng 14.954 căn nhà ở xã hội từ 19 dự án, tổng diện tích đất 24,67ha, tương ứng với 1,23 triệu m2 sàn xây dựng. Trong đó, có 2.309 căn hộ nhà ở xã hội bán theo giá thương mại để bù đắp chi phí giúp làm giảm giá bán nhà ở xã hội (chiếm 15,4%); 3.025 căn hộ nhà ở xã hội để cho thuê (chiếm 20,2%); 9.620 căn hộ nhà ở xã hội để bán cho các đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội (chiếm 64,4%).
Đây là thông tin mà ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM, chia sẻ tại chương trình “Đối thoại cùng chính quyền TP.HCM” tháng 6/2022 với chủ đề “Chương trình phát triển nhà ở xã hội”.
“Dù vậy, tỷ lệ nhà ở xã hội chỉ chiếm gần 2,3% so với tổng diện tích sàn nhà ở hoàn thành theo dự án”, ông Phạm Đăng Hồ nhấn mạnh.
Nguyên nhân là do việc thực hiện các dự án nhà ở xã hội có một số vướng mắc, như: chưa có quy định hướng dẫn về xác định chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và việc phân bổ các chi phí này vào quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội.
Đặc biệt, dù là dự án được ưu đãi nhưng quy trình, số lượng thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội nhiều hơn so với dự án nhà ở thương mại, dẫn đến việc kéo dài thời gian thực hiện, làm nản lòng nhà đầu tư cũng như chưa thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia…
Hiện Ngân hàng chính sách xã hội là đầu mối cho vay Chương trình Nhà ở xã hội đối với các cá nhân, hộ gia đình. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vay để xây dựng, phát triển nhà ở xã hội chưa được vay ưu đãi từ chương trình này.
Theo ông Bùi Văn Sổn, Phó Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh TP.HCM, các chủ đầu tư muốn vay vốn ngân hàng để phát triển nhà ở xã hội có thể vay vốn từ 4 ngân hàng thương mại Nhà nước được chỉ định cho vay: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), Ngân hàng Công thương (Vietinbank), Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank).
Ông Bùi Văn Sổn thông tin thêm hiện Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP.HCM cũng đã và đang cho vay tại chương trình Hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn thành phố, mức cho vay tối đa đến 100 triệu đồng, thời gian cho vay tối đa đến 120 tháng. Do vậy, nếu người lao động trên địa bàn TP.HCM có nhu cầu, đủ điều kiện theo quy định của chương trình cho vay Hỗ trợ giảm nghèo, có thể tiếp cận nguồn vốn để cải tạo, sửa chữa nhà ở.
RÀ SOÁT QUỸ ĐẤT
"Dự kiến đến năm 2025, TP.HCM sẽ phát triển 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương ứng khoảng 35.000 căn nhà ở xã hội.
Để làm được điều này, thành phố sẽ rà soát quỹ đất có quy mô lớn, quỹ đất nông nghiệp hoặc sản xuất kinh doanh không còn phù hợp với quy hoạch đã giao chủ đầu tư tại các khu vực huyện ngoại thành để xem xét điều chỉnh quy hoạch, tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo đúng quy định của pháp luật.
Sắp xếp lại quỹ đất do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc quỹ đất do Nhà nước bồi thường để điều chỉnh quy hoạch và chuyển sang đất xây dựng nhà ở xã hội, tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư để xây dựng nhà ở xã hội cho thuê bằng nguồn vốn ngân sách hoặc vốn của doanh nghiệp với thời gian thuê đất tối đa là 50 năm", ông Phạm Đăng Hồ cho biết, .
Đồng thời, thành phố cũng sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư đối với các dự án nhà ở thương mại có dành một phần quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án theo hướng tăng cường phối hợp và tăng tính trách nhiệm của các sở - ngành đối với từng thủ tục đầu tư của dự án. Rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng các dự án.
Ngoài ra, TP.HCM ủy quyền và phân công cho UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân. Điển hình hóa thiết kế nhà ở xã hội được thẩm định thiết kế cơ sở và cấp phép xây dựng để triển khai xây dựng hàng loạt, góp phần giảm thời gian thực hiện thủ tục đầu tư và giá thành căn hộ.
Bố trí vốn ngân sách để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước, để giải quyết cho các hộ gia đình đặc biệt khó khăn về nhà ở, không thể thuê nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư xây dựng…
Điều kiện vay vốn mua nhà ở xã hội:
Tại thời điểm vay tiền, người vay không đứng tên sở hữu về nhà ở, quyền sử dụng đất ở; chưa từng được nhà nước giải quyết chính sách về nhà ở, đất ở; có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM và thời gian làm việc từ 3 năm liên tục trở lên.
Đồng thời, người vay phải có khả năng tài chính trả trước 30% tiền mua căn hộ/căn nhà dự định mua; Người vay phải có nguồn thu nhập ổn định để đảm bảo khả năng trả nợ và lãi vay. Hạn mức vay 900 triệu đồng/1 hồ sơ nhưng không quá 70% giá trị căn nhà/căn hộ.
Thời hạn cho vay tối đa là 20 năm, với lãi suất tiền vay 4,7%/năm; lãi được tính theo dư nợ giảm dần.
Tài sản thế chấp đảm bảo bằng chính căn nhà/căn hộ dự kiến mua có giấy tờ hợp pháp theo quy định của pháp luật hoặc các căn hộ chung cư hình thành trong tương lai.
(Theo ông Phạm Hữu Vĩnh, Trưởng phòng Thẩm định, Quỹ phát triển nhà ở TP.HCM)