10:31 09/08/2022

TP.HCM: Sẽ thống nhất 1 bản vẽ làm được 2 thủ tục

Ban Mai

Bên cạnh việc giảm thủ tục hành chính, các sở ngành tại TP.HCM cũng sẽ sử dụng “1 cửa điện tử” để giải quyết những bức xúc cho người dân khi làm giấy tờ…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Thủ tục hành chính về đất đai và xây dựng có sự khác nhau giữa cách hiểu, cách thực hiện thủ tục hành chính ở các đơn vị.

NHIỀU THỦ TỤC QUÁ CHẬM

Tại chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” với chủ đề "Công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai và xây dựng" vào ngày 07/8/2022, các cử tri đã đặt nhiều câu hỏi cho lãnh đạo TP.HCM.

Cụ thể, cử tri Trần Việt Trung (TP. Thủ Đức) cho biết người dân đi làm thủ tục hành chính về đất đai rất mong được biết hồ sơ của mình đã và đang được giải quyết như thế nào, thời hạn giải quyết ra sao. Trong khi thời gian trả hồ sơ được trả lời chung chung…

“Việc cấp giấy chứng nhận cho các căn hộ chung cư còn rất chậm. Cơ quan chức năng thì nói trách nhiệm do chủ đầu tư nhưng chủ đầu tư lại đổ thừa do cơ quan nhà nước không hướng dẫn”, ông Trung bức xúc.

Theo đó, ông Trung mong muốn chính quyền thành phố tiếp tục quan tâm đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận chủ quyền cho người dân ở chung cư.

 “Tại các huyện ngoại thành, người dân có nhu cầu rất lớn về xây dựng các công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhưng vẫn chưa được thực hiện. Việc kiểm tra xây dựng đang có nhiều hình ảnh tiêu cực, các lỗi vi phạm trong xây dựng nhỏ thường được thương lượng và cho tồn tại”, cử tri Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp Hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho biết.

Cử tri Đinh Công Khương (quận 11) chia sẻ rằng từ tháng 11/2020 đến nay, gia đình đã 5 lần làm thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất tại phường Tân Phú, quận 7 nhưng cả 5 lần đều bị từ chối, dù khu đất phù hợp quy hoạch đất ở đô thị.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM  (thứ 2 từ phải sang) trong  chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" số tháng 8/2022 - Ảnh: BC.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM  (thứ 2 từ phải sang) trong  chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" số tháng 8/2022 - Ảnh: BC.

Theo một số cử tri, trong quá trình làm thủ tục hành chính về đất đai và xây dựng, người dân nhận thấy có sự khác nhau giữa cách hiểu, cách thực hiện thủ tục hành chính ở các đơn vị.

Có đơn vị tính thời gian thực hiện thủ tục hành chính là ngày làm việc, có nơi là tính ngày liên tục, có nơi vẽ sơ đồ quy trình, hồ sơ thủ tục hành chính trên bảng to cho người dân hiểu, có nơi chỉ là các tờ giấy niêm yết, người dân đọc lằng nhằng khó hiểu…

Trong hồ sơ thủ tục hành chính có nơi yêu cầu nộp bản photo giấy tờ có công chứng, có nơi chỉ yêu cầu đưa bảng chính để đối chiếu… Điều này cho thấy sự không đồng bộ trong thực hiện các thủ tục hành chính tại các đơn vị. 

THÍ ĐIỂM “1 CỬA ĐIỆN TỬ”

Trả lời cử tri Đinh Công Khương, Phó Chủ tịch UBND quận 7 Lê Văn Thành giải thích rằng thửa đất của ông Đinh Công Khương rộng hơn 1.700m2, xin chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng cây hàng năm sang đất ở 100%.

“Lý do chưa giải quyết trường hợp này là trên thửa đất có công trình xây dựng không phép cần tháo dỡ; thời hạn sử dụng đất trên giấy chứng nhận đã hết cần gia hạn; kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của quận 7 chưa được phê duyệt. Do đó, hồ sơ của ông Khương chưa được giải quyết”, ông Thành nói.

Về vấn đề thủ tục hành chính, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết ngành tài nguyên và môi trường đang tổ chức liên thông với ngành thuế để giảm việc đi lại cho người dân. Tuy nhiên, máy móc, trang thiết bị, hạ tầng mạng ở một số quận huyện ngoại thành đã lạc hậu, khó đảm bảo công tác liên thông điện tử.

“6 tháng đầu năm nay, có 97% số hồ sơ trong lĩnh vực đất đai được giải quyết đúng hạn. Một số địa phương như quận 10 đã giải quyết trực tuyến hơn 70% số hồ sơ. Tuy nhiên, tỷ lệ 3% hồ sơ trễ hạn tương đương với 13.000 hồ sơ, là con số không nhỏ”, ông Thắng nhận định.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết thêm rằng việc công khai minh bạch thủ tục hành chính là điều chắc chắn ngành tài nguyên và môi trường phải làm. Hiện đã có phần mềm “1 cửa điện tử” để người dân có thể tra cứu khi giải quyết hồ sơ. Tuy nhiên, phần mềm này chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường chính thức cho phép, nên TP.HCM mới chỉ đang thí điểm tại quận 1, 3 và TP. Thủ Đức.

Đối với vấn đề xây công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp, ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng lưu ý từ cuối năm 2020, TP.HCM đã thí điểm về việc này tại 3 huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi và  đã có 138 thỏa thuận. Thời điểm hiện tại, sở đã tiến hành sơ kết thí điểm và tham mưu UBND TP.HCM tiếp tục triển khai thí điểm trên địa bàn 5 huyện để phục vụ nhu cầu chính đáng của bà con.

Trong lĩnh vực cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường có tờ trình UBND TP.HCM thông qua mẫu bản vẽ để sử dụng chung cho 2 thủ tục hành chính, gồm: cấp Giấy phép xây dựng và cấp Giấy chứng nhận. Khi được thông qua, nhất là công trình riêng lẻ, người dân chỉ cần sử dụng 1 bản vẽ cấp phép cho 2 thủ tục hành chính.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân, tháng 10/2022, thành phố đưa vào sử dụng Cổng dịch vụ công của TP.HCM. Lãnh đạo thành phố mong muốn cử tri, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn sẽ tích cực giám sát, phản ánh để thành phố nâng cao chất lượng phục vụ.