TP.HCM: Siết chặt trách nhiệm người đứng đầu các dự án trọng điểm
Trước tình trạng chậm trễ trong thi công một số dự án trọng điểm, gây ùn tắc giao thông kéo dài trên địa bàn TP.HCM, lãnh đạo TP.HCM khẳng định sẽ siết chặt trách nhiệm người đứng đầu từng hạng mục của những dự án này để bảo đảm thông suốt toàn công trình...
Vừa qua, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Bùi Xuân Cường đã đi kiểm tra tại công trường hai dự án trọng điểm của Thành phố là công trình hầm chui Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) và dự án cầu đường Nguyễn Khoái (quận 4), đồng thời đã có chỉ đạo “nóng” kịp thời.
Dự án xây dựng mới 2 hầm chui trên đường Nguyễn Văn Linh được khởi công tháng 4/2020 với tổng chiều dài mỗi hầm 480 m, rộng 3 làn xe, có tổng mức đầu tư hơn 830 tỷ đồng và không giải phóng mặt bằng, dự kiến hoàn thành tháng 6/2022. Bao gồm: Hầm chui 1 với phần hầm kín dài 60 m, phần cầu chìm dài 36 m; phần hầm hở phía khu chế xuất Tân Thuận dài 200 m, phía quốc lộ 1 dài 184 m. Hầm chui 2 gồm phần hầm kín dài 64 m; phần cầu chìm dài 36 m; phần hầm hở phía khu chế xuất Tân Thuận dài 200 m, phía quốc lộ 1 dài 180 m.
Báo cáo với lãnh đạo TP.HCM, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), cho biết hiện tiến độ dự án hầm chui được tăng tốc sau thời gian bị ảnh hưởng bởi nhiều hạng mục kỹ thuật chậm di dời. Đến nay, toàn công trình đã đạt 60% tổng sản lượng. Ông Phúc cũng cho biết là các đơn vị phấn đấu hoàn thành thông xe nhánh hầm chui số 1 và toàn bộ công trình vào ngày 31/12/2024.
Trong khi đó, tiến độ thi công tại hầm chui số 2 khả quan hơn và người đứng đầu TCIP tự tin công trình sẽ hoàn thành và thông xe vào ngày 31/7/2024 sắp tới, trước hầm chui số 1 khoảng 5 tháng. Tuy nhiên, vì thời gian cao điểm chạy “nước rút” hoàn thành rơi vào mùa mưa sắp tới, nên Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên yêu cầu các đơn vị chủ động phối hợp, không để bị động trong các tình huống phát sinh nằm ngoài kế hoạch dẫn đến ách tắc. “Khi có tình huống phát sinh ngoài kế hoạch thì báo cáo ngay chủ đầu tư, lãnh đạo Thành phố để có hướng tháo gỡ kịp thời. Nếu để xảy ra ách tắc khâu nào sẽ kiểm tra truy trách nhiệm người đứng đầu hạng mục đó”, ông Nên chỉ đạo.
Tại tuyến cầu đường Nguyễn Khoái (dự án đang chuẩn bị triển khai), Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Bùi Xuân Cường đánh giá cao dự án quan trọng này, do khắc phục được điểm hạn chế của dự án Đại lộ Đông Tây (nay là đường Võ Văn Kiệt) trước đây là thiếu tính kết nối. Ông lưu ý là khi thiết kế, lập dự án cho tuyến cầu đường này, các đơn vị đã kèm theo các tuyến nhánh để bảo đảo kết nối đa phương.
Dự án cầu đường Nguyễn Khoái có tổng mức đầu tư hơn 3.725 tỷ đồng, mục tiêu nhằm tạo ra trục kết nối thứ 4 cho khu vực Nhà Bè và Quận 7 với Quận 4 và Quận 1. Cụ thể theo thiết kế, đường Nguyễn Khoái bắt đầu từ đoạn giao cắt với đường D1, qua kênh Tẻ và rạch Bến Nghé nối vào đường Võ Văn Kiệt, quận 1). Công trình có 4 nhánh rẽ kết nối giữa đường Trần Xuân Soạn, quận 7 lên/xuống cầu vượt kênh Tẻ; đồng thời kết nối giữa đường Tôn Thất Thuyết, quận 4 lên/xuống cầu vượt trên đường Nguyễn Khoái. Theo kế hoạch vốn trung hạn 2021 - 2025, dự án sẽ được rót gần 1.553 tỷ đồng. và hiện Uỷ ban nhân dân TP.HCM đã chấp thuận ghi vốn 776 tỷ đồng cho dự án trong năm 2024.
Phát biểu chỉ đạo về dự án cầu đường Nguyễn Khoái, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh đến tính hệ trọng của dự án đối với nhu cầu và mong mỏi của người dân Thành phố, yêu cầu các sở ngành, các địa phương phối hợp chặt chẽ trong triển khai. “Dự án đã được rót vốn, giờ chỉ bắt tay vào làm thôi. Thành phố sẽ kiểm tra từng người đứng đầu trong mỗi hạng mục của dự án để đảm bảo toàn bộ dự án triển khai thông suốt”, ông Nên nhấn mạnh.
Ngày 07/02/2024, dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, sau gần 4 năm thi công chậm trễ, đã chính thức đóng nút giao, dựng rào chắn để thi công hạng mục chính hầm ngầm. Kể từ sau thời điểm này, tình trạng giao thông tại giao lộ xung yếu này luôn xảy ra ùn ứ, xáo trộn, xe cộ thường xuyên xảy ra xung đột hướng đi, làn đi. Đây là giao lộ kết nối trung tâm TP.HCM đi các hướng Nhà Bè, Bình Chánh, các tỉnh Miền Tây và Miền Đông Nam Bộ qua trục quốc lộ 1, đi Miền Tây qua tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ và mật độ xe cộ luôn dày đặc.
Chủ đầu tư cho biết, theo dự kiến thì thời gian đóng giao lộ kéo dài trong 240 ngày, tức khoảng 8 tháng tính đến thời điểm toàn công trình chính thức hoàn thành.