09:00 11/07/2023

TP.HCM thông qua Nghị quyết 98, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển kinh tế xã hội của cả nước

Minh Hà

Các đại biểu HĐND TP.HCM đã thông qua Nghị quyết 98, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển kinh tế xã hội; tích cực tăng trưởng, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước…

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trình bày tờ trình về ban hành Nghị quyết của HĐND TP.HCM sáng 10/7.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trình bày tờ trình về ban hành Nghị quyết của HĐND TP.HCM sáng 10/7.

Sáng 10/7, HĐND TP.HCM khóa X khai mạc kỳ họp thứ 10 để xem xét nhiều tờ trình quan trọng của UBND TP.HCM về phát triển kinh tế văn hóa xã hội. Tham dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, Đại biểu Quốc hội khóa XV; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM; Chủ  tịch HĐND Nguyễn Thị Lệ…

KHÔNG CHẤP NHẬN NÉ TRÁNH, TRÌ TRỆ, ĐÙN ĐẨY TRÁCH NHIỆM

Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, kỳ họp HĐND TP.HCM diễn ra trong thời điểm toàn hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp phấn khởi đón nhận Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (gọi tắt Nghị quyết 98). Đây là thời cơ, điều kiện thuận lợi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và huy động nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Thành phố trong thời gian tới.

“Kỳ họp này, HĐND TP.HCM họp bàn quyết định một số cơ chế, chính sách theo thẩm quyền được Quốc hội giao theo Nghị quyết 98. Nhiệm vụ của HĐND TP.HCM được Quốc hội giao lần này rất lớn với 14 nhiệm vụ, kể cả nhiệm vụ giám sát là nhiệm vụ thường xuyên. Do đó, các đại biểu HĐND TP.HCM phát huy trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết và kinh nghiệm trên từng lĩnh vực để thảo luận đóng góp sát thực tế để thông qua Nghị quyết của HĐND TP.HCM chất lượng cao nhất”, Bí thư Thành ủy TP.HCM chia sẻ.

Do đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị HĐND TP.HCM tiếp tục thực hiện đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát; tăng cường giám sát chuyên đề, nhất là trong các lĩnh vực mới, lĩnh vực mà HĐND TPHCM ban hành nghị quyết. Chẳng hạn, giám sát trong lĩnh vực đầu tư công, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ… Cùng với đó, HĐND TP.HCM tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác tiếp xúc cử tri, tăng cường đối thoại với nhân dân làm cho hoạt động tiếp xúc cử tri ngày càng dân chủ hơn, minh bạch hơn. Qua đó, để cho đồng bào cử tri thấy vai trò quan trọng trong góp phần xây dựng và phát triển TP.HCM.

Ngoài ra, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên khẳng định, từng vị trí việc làm trong hệ thống chính trị TP.HCM không thể chấp nhận những cán bộ thiếu trách nhiệm, thiếu nỗ lực, cố gắng và không có chỗ cho người cơ hội, tiêu cực. Những trường hợp này cần phải loại ra khỏi hàng ngũ, bộ máy của TP.HCM. Thậm chí không có chỗ cho những cán bộ có thái độ bàng quan, làm làng nhàng trong thời điểm TP.HCM đang khẩn trương thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15.

CỤ THỂ HÓA CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH, NGHỊ QUYẾT 98 SỚM ĐI VÀO CUỘC SỐNG

Nghị quyết 98 được Quốc hội thông qua với nhiều cơ chế, chính sách mới tạo điều kiện cho TP.HCM khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của thành phố để tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế xã hội của vùng Đông Nam bộ và cả nước.

Tại kỳ họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã trình bày tờ trình về ban hành Nghị quyết của HĐND TP.HCM triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Tại Nghị quyết 98, Quốc hội đã giao HĐND TP.HCM 14 nhiệm vụ. Trong đó, ban hành tiêu chí, điều kiện, mức hỗ trợ, nội dung, thời gian hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm; quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, thể thao, văn hóa; ban hành danh mục dự án áp dụng loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu.

Đồng thời, quyết định phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; quy định đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục, mức, thời gian hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn thành phố từ nguồn vốn đầu tư công của ngân sách Thành phố.

Nghị quyết 98 cũng quy định HĐND TP.HCM có thẩm quyền quyết định sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập nhằm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 thuộc địa phận Thành phố để thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư, tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Hơn nữa, HĐND TP.HCM quyết định sử dụng vốn ngân sách Thành phố, bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, dự toán ngân sách hằng năm và bố trí vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của Thành phố để thanh toán cho nhà đầu tư sau khi công trình hoặc hạng mục công trình vận hành độc lập được hoàn thành nghiệm thu, kiểm toán và căn cứ giá trị, tiến độ quy định trong hợp đồng BT.

HĐND TP.HCM có thẩm quyền quyết định dự toán, phân bổ ngân sách TP.HCM bảo đảm phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ. Quyết định việc sử dụng ngân sách thành phố để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng.

Cùng với đó, bố trí nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do UBND TP.HCM làm đại diện chủ sở hữu để bổ sung vốn điều lệ của HFIC; quyết định sử dụng nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon cho các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Nghị quyết 98 cho phép HĐND TP.HCM thông qua và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn của Thành phố. Thành phố thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM.

Bên cạnh đó, HĐND TP.HCM được quyết định bố trí ngân sách Thành phố để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách tại xã, phường, thị trấn, người lao động thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, một số hội có tính chất đặc thù và một số cơ quan trung ương trên địa bàn Thành phố; Quyết định mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt của thành phố; Quyết định tổ chức bộ máy, số lượng và chức năng, nhiệm vụ các phòng, ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc TP. Thủ Đức…

Từ các cơ sở nêu trên, UBND TPHCM cho rằng việc xây dựng, ban hành Nghị quyết của HĐND TP.HCM thực hiện Nghị quyết 98 đã có đầy đủ cơ sở pháp lý và cần thiết, nhằm cụ thể hóa các quy định của nghị quyết của Quốc hội thành các đề án, nội dung đề xuất cụ thể, thời gian thực hiện và cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện.

Tại kỳ họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu rõ quá trình thực hiện Nghị quyết 98 gắn với thực hiện những công việc thường xuyên. Do đó, Thành phố phải rà soát việc tồn đọng, các văn bản của Trung ương và Thành phố để tích hợp hoặc đề xuất điều chỉnh, bãi bỏ. Chủ tịch UBND TP.HCM mong muốn các đại biểu, cử tri và nhân dân Thành phố đồng hành để triển khai Nghị quyết 98 sớm đi vào cuộc sống, góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn để Thành phố phát triển nhanh và bền vững và đạt kết quả cao nhất.

Công tác bồi dưỡng và quản lý nguồn thu thực hiện hiệu quả

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, trong nửa nhiệm kỳ, TP.HCM chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và bị tác động bởi tình hình biến động của thế giới, tăng trưởng GRDP năm 2021 suy giảm sâu ở mức -5,36%, đến năm 2022 phục hồi và tăng 9%, 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3,5%, một số chỉ tiêu về kinh tế chưa đạt như kỳ vọng.

Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng và quản lý nguồn thu thực hiện hiệu quả, đạt 109% dự toán và tăng thu bình quân hằng năm là 26%. Thành phố đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công hơn 155.000 tỷ đồng. Kiều hối đạt 18 tỷ USD, tăng 68% so với nửa đầu nhiệm kỳ trước. TP.HCM tập trung phát triển mạnh mẽ các thành phần kinh tế và các mô hình kinh doanh mới. Hơn 100.000 doanh nghiệp được thành lập mới, thu hút FDI đạt 12,6 tỷ USD.

Ngoài ra, Thành phố đã dành nguồn lực lớn để đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị. Nhiều công trình, dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả tích cực. TP.HCM đã bố trí trên 25.000 tỷ đồng cho 3 dự án mang tính chất liên kết vùng, vành đai, cao tốc. TP.HCM cũng đã xây dựng mới 14,2 triệu m2 sàn nhà ở.

Trong giai đoạn 2023-2025, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, UBND TP.HCM đề ra 8 nhóm giải pháp trọng tâm để kiên trì triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần XI. Trong đó, TP.HCM sẽ tập trung phát huy hiệu quả các cơ chế, chính sách Trung ương đã ban hành như: Nghị quyết số 31-NQ/TW, Nghị quyết số 29-NQ/TW, Nghị quyết số 98/2023/QH15.

Đồng thời, nâng cao chất lượng quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng về giao thông, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, y tế, giáo dục và đào tạo, nhất là các dự án trọng điểm về liên kết vùng; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với thực hiện hiệu quả chính quyền đô thị...

Bên cạnh đó, phấn đấu tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7%/năm; đến cuối năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt 8.500 USD/người, hướng đến mục tiêu năm 2030 đạt 14.500 USD/người.

Ngoài ra, Thành phố tập trung phát triển văn hóa xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho TP.HCM phát triển bền vững; phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ; đảm bảo an sinh xã hội chăm lo người có công, hỗ trợ người nghèo, bảo vệ người lao động…

Tập trung nguồn lực, triển khai hiệu quả các chương trình hành động

Trình bày tờ trình về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM làm tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng tích cực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố (GRDP) ước tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, Thành phố đã khởi công các dự án lớn, hạ tầng giao thông kết nối quan trọng như: cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; Vành đai 3; Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ; khánh thành Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2…

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, trong 21 chỉ tiêu thành phần (của 17 nhóm chỉ tiêu) kinh tế xã hội chủ yếu năm 2023, dự kiến có 19/21 chỉ tiêu đạt và phấn đấu đạt kế hoạch; có 1 chỉ tiêu dự kiến gần đạt, 1 chỉ tiêu dự kiến không đạt.

Trong 6 tháng cuối năm 2023, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố tập trung hoàn thiện, triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội (Nghị quyết 98) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Bên cạnh đó, cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị 21 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Đồng thời, tập trung nguồn lực, tổ chức triển khai hiệu quả chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị với 15 nhóm giải pháp và 150 nhiệm vụ cụ thể; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thiện cơ sở dữ liệu, triển khai lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040 tầm nhìn đến 2060.

Bên cạnh đó, tập trung rà soát, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền trên các lĩnh vực về cải cách hành chính, thủ tục hành chính, bất động sản, hoàn thuế, kế hoạch sử dụng đất hằng năm, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất.

TPHCM: Tiết kiệm cho ngân sách gần 12,3 tỷ đồng

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10 HĐND TP khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, chiều 10/7, các đại biểu đã nghe UBND TPHCM báo cáo kết quả thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 6 tháng đầu năm 2023.

Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2023, qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, TPHCM đã thu hồi về ngân sách nhà nước 48,7/53,4 tỷ đồng, đã xử lý khác về kinh tế 57,7/57,9 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đã xử lý hành chính 69 tổ chức và 73 cá nhân. Thanh tra TPHCM đã triển khai 4 đoàn kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng có liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại 4 đơn vị.

Ngoài ra, đã thực hiện phê duyệt thẩm tra quyết toán 60 hồ sơ dự án với tổng mức đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng, giá trị quyết toán được phê duyệt là gần 3.500 tỷ đồng. Qua đó, tiết kiệm cho ngân sách gần 12,3 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo, Thường trực Ban chỉ đạo 167 đã trình UBND TPHCM và Bộ Tài chính phê duyệt phương án xử lý của 12.891 địa chỉ nhà đất. Đến nay đã xử lý thu hồi 381 địa chỉ nhà đất với tổng diện tích đất là hơn 1,6 triệu m2.

Trong 6 tháng đầu năm, diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hoá, có vi phạm pháp luật đã giảm hơn 213.600m2; diện tích đất sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật, bỏ hoang hoá đã xử lý, thu hồi tăng hơn 72.000m2.

Đồng thời, TP tiếp tục thực hiện việc tiết giảm chi phí quản lý, giảm giá thành sản phẩm của các tổng công ty nhà nước. Tổng số tiết kiệm chi phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại 47 doanh nghiệp thuộc TP, Quỹ phát triển nhà ở, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa TPHCM. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm ước hơn 344,7 tỷ đồng.

Kết quả thực hiện việc giảm chi phí quản lý giá thành sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 66,7 tỷ đồng; tiết kiệm chi phí quản lý đầu tư xây dựng là hơn 278 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, TP vận động nhân dân tiết kiệm trong tiêu dùng. Các hệ thống phân phối trên địa bàn TP đảm bảo cung ứng các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu nhằm phục vụ nhu cầu tăng giá bất thường, nhất là trong dịp Tết…

Trình 54 tờ trình trên các lĩnh vực

Thay mặt UBND TP.HCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã trình HĐND Thành phố 54 tờ trình trên các lĩnh vực như: Danh mục dự án thu hồi đất, dự án chuyển mục đích đất trồng lúa trên địa bàn TP.HCM; về hệ số điều chỉnh giá đất; Các nội dung về điều chỉnh chi thường xuyên; quyết định chủ trương đầu tư công; Về đổi tên Xa lộ Hà Nội đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức trên địa bàn TP. Thủ Đức thành đường Võ Nguyên Giáp; Tờ trình về quy định mức các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP.HCM từ năm học 2023 – 2024; mức hỗ trợ cho Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng và trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ…

Trong đó, UBND TP.HCM đã trình tờ trình về chủ trương đầu tư dự án hạ tầng, trường học, công viên cây xanh trong phạm vi nghĩa trang Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân - giai đoạn 3. Theo đó, dự án có tổng vốn 1.497 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố, được thực hiện trong giai đoạn 2023-2026. Chủ đầu tư và đơn vị thực hiện dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận Bình Tân.

Dự án di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa có diện tích khoảng 44,5ha, được chia làm 3 giai đoạn thực hiện. Giai đoạn 1 của dự án được thực hiện từ năm 2014, đã bốc và di dời 13.610/15.539 mộ, đạt tỷ lệ 87,58%. Giai đoạn 2 thực hiện thực hiện từ năm 2017 đã bốc và di dời 10.833/16.848 mộ đạt tỷ lệ 64,30%.

“Do đó, việc tiếp tục triển khai di dời mộ đối với dự án đầu tư hạ tầng trường học, công viên cây xanh trong phạm vi nghĩa trang Bình Hưng Hòa giai đoạn 3 này là cấp thiết” Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá. Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, việc này nhằm tạo sự đồng bộ với giai đoạn 1 và 2, góp phần chỉnh trang đô thị, giải quyết ô nhiễm môi trường và tình hình an ninh trật tự, phấn đấu hoàn chỉnh chỉ tiêu đến năm 2025 xây mới 700 đến 1.000 phòng học trên địa bàn.

Nghĩa trang Bình Hưng Hòa có tổng diện tích hơn 53ha với gần 54.000 ngôi mộ, được biết đến là nơi an táng lớn nhất của TP.HCM tính đến thời điểm hiện tại. Từ năm 2010, UBND TP.HCM đã có chủ trương di dời toàn bộ nghĩa trang này đến địa điểm khác để hình thành các khu phức hợp dân cư, trung tâm thương mại. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm, việc di dời nghĩa trang lớn nhất TP.HCM vẫn chưa thể hoàn tất. Hơn 300.000 hộ dân khu vực này phải chịu ảnh hưởng bởi tình hình an ninh trật tự phức tạp, ô nhiễm môi trường.