21:56 11/05/2021

Tp.HCM thu ngân sách hơn 140.300 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm

Minh Tâm

Trong 4 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước tại Tp.HCM ước đạt 140.300,477 tỷ đồng, đạt 38,45% dự toán, tăng 15,76% so với cùng kỳ...

Thường trực UBND TPHCM chủ trì phiên họp.
Thường trực UBND TPHCM chủ trì phiên họp.

Chiều ngày 11/5 tại Tp.HCM, hội nghị trực tuyến về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và thu chi ngân sách tháng 4 và 4 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tháng 5/2021 do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Tp.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì, đã công bố nhiều thông tin tích tích cực.

NHIỀU CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC

Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai, cho biết: dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng trong 4 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội Tp.HCM có nhiều dấu hiệu tích cực. Nhiều lĩnh vực vẫn tăng trưởng khá, “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế đạt được các kết quả đáng khích lệ.

Tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân tính đến hết ngày 25/4 được Kho bạc Nhà nước Thành phố xác nhận đạt gần 4.691 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 13,1% tổng kế hoạch vốn thành phố đã giao (35.749,22 tỷ đồng) cao hơn cùng kỳ năm 2020 (4 tháng 2020 chỉ đạt 10,8%).

Trong đó, vốn ngân sách trung ương giải ngân là 187,63 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 4,9% tổng kế hoạch vốn giao (3.827,68 tỷ đồng); Vốn ngân sách thành phố giải ngân là 4.503,352 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 14,1% tổng kế hoạch vốn giao (31.921,54 tỷ đồng).

 

Tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân tính đến hết ngày 25/4 của Tp.HCM đạt gần 4.691 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 13,1% tổng kế hoạch vốn thành phố đã giao.

Ngoài ra, thành phố có 11.617 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 210.285 tỷ đồng (tăng 3,5% về số lượng doanh nghiệp và tăng 41,18% về vốn đăng ký so với cùng kỳ); 5.588 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 95,18% so với cùng kỳ.

Báo cáo của Sở Tài Chính cũng cho thấy thu ngân sách thành phố có nhiều điểm khả quan. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 140.300,48 tỷ đồng, đạt 38,45% dự toán, tăng 15,76% so với cùng kỳ.

Trong đó, thu nội địa 101.492,8 tỷ đồng, đạt 39,51% dự toán, tăng 14,47% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 38.800 tỷ đồng, đạt 35,93% dự toán, tăng 19,38% so với cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) ước đạt 19.165,92 tỷ đồng, đạt 19,76% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển 5.811 tỷ đồng, đạt 15,18% dự toán Hội đồng nhân dân thành phố thông qua (dự toán là 38.289 tỷ đồng); chi thường xuyên 11.591,84 tỷ đồng, đạt 24,19% dự toán (dự toán là 47.925 tỷ đồng).

Về phía Sở Công thương Tp.HCM, đại diện Sở này cũng cho biết: tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng ước đạt khoảng 90.153 tỷ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 34,2%). 

 

Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 366.234 tỷ đồng, tăng 7,9% (cùng kỳ giảm 11,2%).

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của thành phố 4 tháng đầu năm ước tăng 9,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 2,6%). Bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu trong 4 tháng năm 2021 tăng 11,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 0,7%), cao hơn 2,0 điểm phần trăm so với mức tăng chung của toàn ngành.

Đây là tín hiệu tích cực của tăng trưởng kinh tế thành phố giữa lúc nhiều nước trên thế giới đang căng mình đối phó làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 lần thứ 3.

“Trong điều kiện dịch bệnh nhưng hầu hết các ngành đều có chỉ số tăng, đó là một điều đáng mừng. Điều đó càng thấy trách nhiệm của chúng ta trong công tác phòng chống Covid-19, nếu không sẽ làm gãy đổ các thành quả trong công cuộc phát triển kinh tế thành phố", Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Tp.HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá.

PHÒNG CHỐNG DỊCH LÀ  ƯU TIÊN HÀNG ĐẦU

Nhắc lại 6 yếu tố nguy cơ có thể gây bùng dịch tại Tp.HCM, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: Trong giai đoạn hiện nay, công tác phòng chống dịch là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu.

“Cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “chuyển từ phòng ngự sang tấn công, tấn công là chính”, chúng ta không thể thụ động mà cần có biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ để chống dịch Covid-19”.

Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng đưa ra một số giải pháp về phòng chống dịch trong thời gian tới. Cụ thể, kích hoạt toàn bộ các bộ chỉ số an toàn phòng, chống dịch ở mức độ cao nhất, đồng thời tăng cường hậu kiểm việc thực hiện các bộ chỉ số, tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định phòng, chống dịch.

Chẳng hạn, khuyến khích các cơ sở kinh doanh ăn uống tăng cường dịch vụ giao hàng, không phục vụ quá 30 người, đảm bảo các định về phòng chống dịch và an toàn thực phẩm.

 

Tp.HCM chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo năng lực ứng phó cho tình huống dịch lan rộng, triển khai thêm các khu cách ly tập trung nâng tổng công suất toàn thành phố lên trên 10.000 giường; sẵn sàng triển khai ngay phương án tổ chức điều trị cho 50 - 100 và 200 - 500 người nhiễm bệnh.

Song song đó, cần phát huy mạnh mẽ vai trò của Tổ Covid-19 cộng đồng nhằm nắm thông tin kịp thời và có biện pháp ngăn chặn. Tăng cường kiểm soát dịch bệnh từ đường hàng không, đường bộ, đường thủy, lập các chốt kiểm soát trước khi vào thành phố.

Bên cạnh đó, Thành phố quyết tâm thực hiện tốt công tác chuẩn bị cho bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm tháng 5 này là làm tốt công tác tuyên truyền bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

NGÀNH DU LỊCH THU GẦN 30.000 TỶ ĐỒNG

Thông báo về tình  hình kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Tp.HCM, thừa nhận: do tình hình dịch bệnh vẫn đang có chiều hướng diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia nên đã ảnh hưởng đến lượng khách du lịch quốc tế đến Tp.HCM. Tuy nhiên, lượng khách nội địa đến Tp.HCM bốn tháng đầu năm ước đạt 6,16 triệu lượt khách. Tổng thu bốn tháng ước đạt 29.710 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ.

Trước tình hình dịch vẫn còn rất phức tạp, đại diện Sở Du lịch đề xuất ý kiến Uỷ ban Nhân dân Tp.HCM tạm hoãn các hoạt động tập trung đông người, cũng như các hoạt động kích cầu du lịch đến thời điểm thích hợp và an toàn hơn. Sở cùng các công ty du lịch đang chuẩn bị các sản phẩm du lịch mới, an toàn để đón đầu tình hình dịch ổn định trở lại, sẽ kích cầu du lịch trở lại.

Hiện, trên địa bàn thành phố có 41 khách sạn với hơn 3.003 phòng đảm bảo cách ly có thu phí. Trong thời gian tới, do thời gian cách ly tăng lên 21 ngày nên Tp.HCM sẽ thiếu phòng cách ly có thu phí. Do vậy, Sở Du lịch đang tiến hành khảo sát 19 khách sạn với 1.091 phòng để làm nơi cách ly có thu phí.

Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân đánh giá cao các hoạt động du lịch an toàn. “Đây là con số mà đứng về góc độ kinh tế đã góp phần rất lớn trong tăng trưởng chung của Tp.HCM. Bởi vì ngành du lịch là ngành đóng góp giá trị gia tăng lớn trong các ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố".