Trả lương 6-7 triệu đồng/tháng vẫn không thuê nổi giúp việc ở Hà thành
Trong số các ngành nghề, giúp việc nhà là nghề luôn có sự chuyển dịch lớn nhất vào thời điểm ra Giêng
Sẵn sàng trả mức lương cao từ 6-7 triệu đồng/tháng nhưng rất nhiều gia đình tại Hà Nội vẫn không thể tìm được người giúp việc nhà.
Khó như… đi tìm người giúp việc
Gần 2 tuần nay, chị Nguyễn Minh Nguyệt (37 tuổi, Minh Khai - Hà Nội) đăng tin tìm người giúp việc trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội, thậm chí in cả tờ rơi dán ở một số nơi công cộng mà vẫn không thể kiếm được người.
"Năm ngoái, tôi có một người bà con ở quê lên đây giúp đỡ công việc nhà, mỗi tháng tôi trả 5 triệu đồng tiền công, nuôi ăn ở, may quần áo, mỗi lần về quê đều cho thêm tiền. Hôm 28 Tết bà xin về quê và hứa hẹn mùng 6 sẽ lên lại. Nhưng đến mùng 5 bà gọi điện thông báo là sẽ ở lại quê luôn nên tôi khóc dở mếu dở", chị Nguyệt than thở.
Không còn cách nào khác, chị Nguyệt đành xin đi muộn về sớm, rồi "lăn lộn" khắp các diễn đàn để tìm người giúp việc nhà.
"Nhưng nào có dễ dàng. Tôi đăng tin tìm giúp việc với mức lương 5 triệu đồng/tháng nhưng chẳng ai quan tâm. Tôi tăng lên 6 triệu cũng không tìm được người nào. Tôi nhờ bạn bè, người quen tìm giúp thì ai cũng bảo tìm giúp việc vào thời điểm này rất khó, người cần thì nhiều mà giúp việc thì ít bởi họ vẫn còn ở quê ăn Tết", chị Nguyệt nói.
Không riêng chị Nguyệt, chị Nguyễn Thị Hà (34 tuổi, trú tại Hud 3, Linh Đàm, Hà Nội) sẵn sàng trả lương 6-7 triệu đồng/tháng nhưng cũng chỉ tìm được người giúp việc theo giờ.
"Tôi sẵn sàng trả lương cao nhưng người biết việc thì họ đều đã có chỗ, người mới đi làm thì không có kinh nghiệm chăm sóc nhà cửa, con cái tôi. Mà thực ra tôi cũng không yêu cầu gì to tát, chỉ cơm nước, dọn dẹp nhà cửa thôi. Bọn trẻ con nhà tôi đều lớn, tự đi học được rồi. Khổ nỗi giờ đi đến đâu cũng thấy người người, nhà nhà tìm giúp việc nên đã khó lại càng khó hơn", chị Hà nói.
May mắn hơn chị Nguyệt, chị Hà, giúp việc nhà chị Hà Phương Diệp (Minh Khai, Hà Nội) đồng ý lên làm việc từ mùng 6 Tết, tuy nhiên kèm thêm điều kiện là phải cho họ đi "kiếm thêm" lúc rảnh việc nhà.
"Lương 5 triệu/tháng không phải chi tiêu gì, thậm chí mua cho cả bảo hiểm nhưng giúp việc nhà tôi bảo vẫn chưa đủ. Giờ người ta đang đi tìm giúp việc nhiều nên phải cho chị ấy đi làm thêm ở nhà khác mỗi khi rảnh rỗi, nếu không thì chị nghỉ luôn.
Nói là làm thêm lúc rảnh nhưng thật ra là ngày nào cũng phải cho đi làm thêm 2-3 tiếng đồng hồ. Chẳng biết làm thế nào đành bấm bụng mà đồng ý vậy", chị Diệp than thở…
Không phải người giúp việc "kiêu" mà vì họ chưa thích đi làm…
Trong số các ngành nghề, giúp việc nhà là nghề luôn có sự chuyển dịch lớn nhất vào thời điểm ra Giêng. Theo phân tích của anh Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc một công ty chuyên cung ứng người giúp việc nhà tại Hà Nội, nguyên nhân là do quan niệm "tháng Giêng là tháng ăn chơi" và tập tục "ăn Tết lại" ở một số địa phương.
"Tôi làm trong ngành này đã được 5 năm và năm nào cũng thế, cứ ra Tết là nhận được vô vàn cuộc điện thoại hoặc nhắn tin hỏi giúp việc nhà. Như năm nay, từ mùng 8 đến giờ, trung bình mỗi ngày tôi nhận được 100-200 yêu cầu tìm người giúp việc.
Bởi lẽ những người làm nghề giúp việc phần lớn là lao động ở các tỉnh khác về, họ đi làm cả năm trời, đến Tết mới được về đoàn tụ với gia đình nên ai cũng nấn ná muốn ở nhà lâu hơn một chút để gần con, gần cháu.
Cộng với quan niệm, tháng Giêng là tháng ăn chơi, năm dài tháng rộng, cứ để hết tháng Giêng rồi đi làm. Trong khi ở Hà Nội, đa phần đến mùng 6 là người ta đã đi làm rồi, công việc của họ không thể chờ đến hết tháng Giêng được, nên dĩ nhiên họ phải đi tìm người giúp việc để lấp vào chỗ trống", anh Toàn nhận định.
Đồng quan điểm với anh Toàn, chị Ngọc Minh, chủ một trung tâm giới thiệu việc làm tại Hà Nội cũng đang đau đầu khi không đáp ứng đủ nhu cầu của khách.
"Khách hỏi liên tục mà không có người làm nên cảm thấy bất lực. Số lượng khách hàng trả lương 6-7 triệu/tháng để tìm người giúp việc rất nhiều.
Thậm chí mới hôm qua, một chị khách quen của tôi gọi điện bảo chị sẵn sàng trả 8-10 triệu/tháng, phải tìm giúp ngay 1 người có thể tin tưởng được và biết việc, nhưng tôi cũng đành chịu".
"Tìm được giúp việc vào thời điểm này đã khó, tìm được người đúng ý lại càng khó hơn. Tôi cũng sẵn sàng giảm chiết khấu để lôi kéo người lên làm việc nhưng họ đều từ chối, cần thiết thì họ nghỉ luôn. Không phải họ kiêu đâu mà vì họ chưa muốn đi làm", chị Minh cho biết.