09:36 29/08/2007

Trả lương qua tài khoản: Hiệu quả “3 trong 1”

Xuân Vũ

Trả lương ngân sách qua tài khoản như một bước đệm quan trọng cho công cuộc phòng, chống tham nhũng lãng phí

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, 6 tháng đầu năm cả nước có trên 20 ngân hàng phát hành thẻ thanh toán với khoảng 6,2 triệu thẻ.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, 6 tháng đầu năm cả nước có trên 20 ngân hàng phát hành thẻ thanh toán với khoảng 6,2 triệu thẻ.
Ngày 28/8 Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị yêu cầu tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc trả lương qua tài khoản cho cán bộ công nhân viên chức hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước.

Đánh giá của các chuyên gia ngành tài chính, ngân hàng cho rằng việc trả lương qua tài khoản thực sự mang lại những hiệu quả tương tác "3 trong 1" vô cùng lớn. Đó như một bước đệm quan trọng cho công cuộc phòng, chống tham nhũng lãng phí của Chính phủ và tiến tới triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006-2010.

Cả ba nhà cùng lợi

Trước tiên, theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính), việc trả lương qua tài khoản là khá tiện lợi đối với cơ quan nhà nước. Vì nếu trả bằng tiền mặt, cứ đến kì lương từng bộ phận lại phải cử đại diện xuống tài vụ nhận tiền rồi chia nhỏ cho từng cán bộ, rất mất công sức. Hơn nữa, từng cơ quan khi sử dụng tiện ích tài khoản cá nhân sẽ tinh giản được biên chế.

Còn theo bà Dương Hồng Phương, Phó ban Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, chỉ thị mới này sẽ góp phần tạo thói quen nhận lương qua tài khoản ngân hàng cho công chức từ đó nhân rộng ra toàn xã hội đồng thời nó sẽ giúp minh bạch hóa các khoản thu nhập từ ngân sách Nhà nước, góp phần tích cực vào việc phòng chống tham nhũng. Chỉ thị này được ban hành đó là tiền đề quan trọng để tiến tới xóa bỏ việc thanh toán không dùng tiền mặt vào sử dụng trong nền kinh tế nhằm giảm chi phí ấn hành, phát hành, vận chuyển.

Với công nhân viên chức, theo qui định này thì chỉ phải mở một tài khoản cá nhân tại ngân hàng cung ứng dịch vụ và nhận tiền qua tại khoản đó định kì hàng tháng. Việc này không chỉ giúp họ hạn chế tình trạng đi đâu cũng phải cầm tiền mặt vì khi cần chỉ việc đến ngân hàng hoặc qua điểm có đặt máy rút tiền ATM. Hơn nữa, nhiều ý kiến của các cán bộ trẻ cho rằng thường khi lĩnh lương trực tiếp sẽ khó bảo quản, cất giữ và không tiết kiệm được nhiều tiền lương so với thanh toán qua tài khoản.

Riêng đối tượng "nhà băng" thì đây thực sự là điều không thể mừng hơn, việc tất cả các bộ ngành và cơ quan trực thuộc Trung ương thực hiện trả lương qua tài khoản chắc chắn giúp các ngân hàng có được cơ hội ngàn vàng để phát triển các dịch vụ cung ứng thẻ của mình tới các đối tượng này.

Theo một vị lãnh đạo của Ngân hàng Quân đội (MB), một trong những ngân hàng đang có dịch vụ trả lương qua tài khoản khá phát triển, thì trong thời gian tới cơ hội cho các ngân hàng với dịch vụ cung ứng thẻ vô cùng lớn, vì vậy ngay từ lúc này MB đang triển khai những kế hoạch cụ thể để thu hút lượng lớn các đơn vị này đến với dịch vụ của mình bằng hình thức trả lương qua tài khoản cá nhân và chi trả qua thẻ ATM.

Không chỉ riêng MB mà hàng loạt ngân hàng khác cũng đang bắt đầu tích cực triển khai các dịch vụ cung ứng thẻ như Techcombank, Habubank... với chế độ phục vụ tận "răng" cho cá nhân và các cơ quan hành chính, doanh nghiệp.

Cần hiện đại hóa ngân hàng, hệ thống thanh toán

Thực hiện việc trả lương qua tài khoản là việc làm mang lại lợi ích lớn, tuy nhiên với điều kiện cơ sở hạ tầng thanh toán còn hạn chế và hệ thống ngân hàng còn lạc hậu sẽ gây nhiều khó khăn trong việc triển khai. Hơn nữa hiện nay môi trường pháp lý, cơ chế chính sách về hoạt động thanh toán chưa cao, chưa rõ ràng cũng là trở ngại không nhỏ.

Chính vì vậy, trong chỉ thị cũng nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước cần nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ Dự án hiện đại hóa ngân hàng và hệ thống thanh toán nhằm phát triển hệ thống thanh toán toàn quốc gia đồng thời bổ sung và hoàn chỉnh bộ máy quản lí nhà nước về hoạt động thanh toán, cơ chế chính sách.

Bên cạnh đó, theo nhiều cán bộ, công nhân viên chức thì các ngân hàng nên mở rộng thêm điểm chấp nhận thanh toán POS chứ không chỉ tập trung ở nhà hàng, khách sạn, siêu thị lớn như hiện nay để có thể sử dụng nhiều tính năng của thẻ. Đặc biệt, trong khi dịch vụ cung ứng thẻ, tài khoản phát triển rầm rộ nhưng lại quá mang nặng tính độc quyền, thường thì thẻ ngân hàng nào thì dùng ngân hàng đó khiến khách hàng vô cùng "bí" khi giao dịch.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, 6 tháng đầu năm cả nước có trên 20 ngân hàng phát hành thẻ thanh toán với khoảng 6,2 triệu thẻ, 4 liên minh thẻ với trên 3.800 máy ATM. Tuy nhiên, hiện các liên minh này chỉ hợp tác với nhau rất hình thức và chưa hề có ý định chia sẻ cơ sở hạ tầng thanh toán.

Để thực hiện tốt việc trả lương qua tài khoản cho cán bộ công nhân viên chức và các tiến tới cho các doanh nghiệp, theo ý kiến của một vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thì ngoài nỗ lực về chính sách, cơ chế của cơ quan này, các ngân hàng thương mại - nơi cung cấp trực tiếp phương tiện thanh toán phải giữ vai trò quyết định.

Theo đó, các ngân hàng thương mại phải cung ứng tốt dịch vụ và bảo về quyền lợi tối đa của khách hàng, nhất là vấn đề bảo mật và hơn nữa các ngân hàng không chỉ dừng lại ở cung cấp thẻ, tài khoản thanh toán mà phải phát triển mạnh hơn, nhiều hơn các hình thức thanh toán tiện ích qua thẻ.Như vậy có thể thấy rằng, thực hiện thanh toán lương bổng cho cán bộ, công nhân viên chức đang thực sự chiếm được sự đồng tình, ủng hộ của rất nhiều người.

Tuy nhiên trong thời gian sắp tới, các cơ quan quản lý cũng như bộ máy ngân hàng cần có sự liên minh chặt chẽ, cần phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thanh toán hiện đại hơn để kế hoạch "xóa bỏ tiền mặt" của Chính phủ nhanh chóng đạt được kết quả tốt, mà trước mắt là việc hạn chế tình trạng tham nhũng và rườm rà trong công tác thanh toán lương cho cán bộ, công nhân viên chức - đó cũng là nội dung mà chỉ thị mới này qui định.