16:35 29/11/2022

Trà Vinh: Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng cách “mưa dầm thấm lâu”

Dũng Hiếu

“Mưa dầm thấm lâu” là cách mà ngành bảo hiểm xã hội Trà Vinh tuyên truyền nhằm tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Dự kiến đến hết năm 2022, con số này sẽ nâng lên trên 17.000 người tham gia...

Nuôi đất heo tiết kiệm để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện” đang được nhân rộng tại Trà Vinh. Ảnh: Dũng Hiếu
Nuôi đất heo tiết kiệm để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện” đang được nhân rộng tại Trà Vinh. Ảnh: Dũng Hiếu

Theo ông Bùi Quang Huy, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Trà Vinh, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện do Bảo hiểm xã hội tỉnh quản lý lựa chọn mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng dưới 1,5 triệu đồng, chiếm đến 89% tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện toàn tỉnh.

BẢO HIỂM XÃ HỘI - ĐIỂM TỰA KHI VỀ GIÀ

Từng có ý định rút bảo hiểm xã hội một lần với tính toán sẽ cầm về một khoảng 90 triệu đồng, nhưng nghe lời khuyên của cán bộ bảo hiểm xã hội: cần nhắc nhu cầu bản thân, ông Trần Hoàng Thành (phường 7, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) đã quyết định tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ông Thành đã đóng những tháng còn thiếu để hương lương hưu. 

ông Trần Hoàng Thành (phường 7, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) khoe lương hưu mới nhận được qua tin nhắn điện thoại. Ảnh: Dũng Hiếu
ông Trần Hoàng Thành (phường 7, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) khoe lương hưu mới nhận được qua tin nhắn điện thoại. Ảnh: Dũng Hiếu

Ông Trần Hoàng Thành chia sẻ: Tôi cân nhắc nhiều lần và cũng làm bài toán cụ thể thiệt hơn giữa đóng tiếp và rút bảo hiểm xã hội một lần. Thêm vợ động viên và chia sẻ, tôi quyết định đóng tiếp ở mức 4 triệu đồng. Sau 1 năm đóng theo quý, tháng 10/2021, tôi quyết định đóng một lần 37 tháng còn thiếu cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu, với số tiền hơn 34 triệu đồng.

Lúc đó tôi bán 5 chỉ vàng và gom một phần tiền tiết kiệm để đóng đủ số tiền này, và được lĩnh lương hưu từ tháng 10/2021. Nay hàng tháng được nhận lương hưu, tôi thấy rất thoải mái vì có một khoản về già. Quan trọng hơn là có thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh

Tại Hội nghị tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện của Bưu điện tỉnh Trà Vinh, bà Nguyễn Thị Bạch Vân (sinh năm 1968) cho phường 1, thành phố Trà Vinh, cho biết từng kinh doanh tự do, mong muốn có một điểm tựa khi về già, phòng khi ốm đau có bảo hiểm y tế chi trả. Năm 2021 bà quyết định tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. “Bên cạnh cuốn sổ bảo hiểm xã hội của mình, tôi còn đăng ký cho con trai sinh năm 2000 để thời gian tham gia của con được sớm hơn”, bà Vân phấn khởi nói.

Bà Nguyễn Thị Bạch Vân (sinh năm 1968) cho phường 1, thành phố Trà Vinh. Ảnh: Dũng Hiếu
Bà Nguyễn Thị Bạch Vân (sinh năm 1968) cho phường 1, thành phố Trà Vinh. Ảnh: Dũng Hiếu

Chàng trai Lâm Thành Phước (22 tuổi, phường 1, TP.Trà Vinh) làm công việc tự do, thu nhập đủ trang trải cho bản thân. Qua tư vấn của cán bộ Bưu điện tỉnh Trà Vinh, Phước đã quyết định tham gia chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Phước cho biết mỗi tháng chỉ cần trích ra một khoản nhỏ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, không ảnh hưởng gì đến chi tiêu cá nhân mà lại yên tâm có khoản để dành cho tương lai.

Theo lãnh đạo Bưu điện tỉnh Trà Vinh, thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, chính quyền địa phương và sự phối hợp, hỗ trợ trực tiếp của cơ quan Bảo hiểm Xã hội địa phương, việc triển khai phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia định qua hệ thống Bưu điện đã có thành quả ý nghĩa, góp phần quan trọng trong việc mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại Trà Vinh. Tính đến tháng 10/2022, toàn Bưu điện tỉnh Trà Vinh phát triển được 14.336 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đạt 54% kế hoạch năm.

MONG MUỐN RÚT NGẮN LỘ TRÌNH THAM GIA VÀ THÊM CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TỪ CHÍNH QUYỀN

Để đạt được kết quả trên, Bưu điện tỉnh Trà Vinh đã tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động, không chỉ dừng lại ở việc phát tờ rơi mà còn mở rộng sang các hình thức khác như: phát loa, thuyết trình qua các hội thảo, tư vấn nhóm.., tạo được sự chuyển biến về nhận thức trong cộng đồng và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân.

 
Ông Bùi Quang Huy, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Trà Vinh
Ông Bùi Quang Huy, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Trà Vinh

"Khó khăn nhất vẫn là điều kiện kinh tế của người dân vẫn còn hạn chế.

Về cơ bản, sau nhiều đợt tuyên truyền, từ ra quân rầm rộ đến tuyên truyền 1+1, người dân đã nâng cao nhận thức và biết đến bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình".

Tuy nhiên, để phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tỉnh Trà Vinh gặp không ít khó khăn. Trong đó, thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến việc làm, thu nhập của người dân Trà Vinh, do vậy việc vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện gặp rất nhiều khó khăn. Chưa kể, còn nhiều người dân chưa có cái nhìn đúng về chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội,

Tiếp xúc với bà con tham Hội nghị tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện của Bưu điện tỉnh Trà Vinh, hầu hết đầu mong muốn giảm thời gian tham gia đóng khi. Thời gian đóng 20 năm là quá dài, cần rút ngắn lộ trình tham gia từ 20 năm xuống 15 thậm chí 10 năm.

Cùng đó, phía chính quyền địa phương cần có thêm chính sách hỗ trợ thêm cho bà con, nhất là hộ nghèo, cận nghèo.

Thống kê của Bảo hiểm Xã hội tỉnh Trà Vinh cho biết, năm 2021, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có trên 19.500 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đầu năm 2022 giảm khoảng 6.000 người.

Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống, như  chia sẻ của ông Bùi Quang Huy là tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu”, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã tăng trở lại, dự kiến đến hết năm 2022 nâng lên trên 17.000 người.

Chia sẻ những khó khăn của ngành bảo hiểm xã hội tỉnh Trà Vinh, ông Bùi Quang Huy cho hay do quy định mới về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, thì từ ngày 01/01/2022, chuẩn nghèo khu vực nông thôn tăng từ 700 nghìn đồng lên 1,5 triệu đồng đã khiến mức đóng tối thiểu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng hơn 2 lần so với trước đây.

Tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện của Bưu điện tỉnh Trà Vinh tại UBND phường 1, TP Trà Vinh. Ảnh: Dũng Hiếu
Tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện của Bưu điện tỉnh Trà Vinh tại UBND phường 1, TP Trà Vinh. Ảnh: Dũng Hiếu

Tại Trà Vinh, có đến 89% số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn tỉnh, chọn mức thu nhập tháng để đóng là dưới 1,5 triệu đồng, nên việc nâng mức chuẩn nghèo đã ảnh hưởng đến việc phát triển đối tượng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Để thực hiện các chỉ tiêu bảo phủ bảo hiểm xã hội, phát triển người tham gia chính sách, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Trà Vinh đang tập trung đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, đa dạng, linh hoạt phù hợp với đặc điểm từng địa phương, tâm lý từng ấp, xã, khóm…

Đặc biệt, ngàn bảo hiểm tỉnh cũng nhận thức rõ công tác tuyên truyền chính sách cần thúc đẩy, đi trước một bước, để người dân hiểu rõ hơn về ý nghĩa của lợi ích, quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Ngoài mô hình “nuôi đất heo tiết kiệm để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện” đang được nhân rộng tại Trà Vinh, ông Huy cho biết thêm đã có nhiều đợt tuyên truyền, từ ra quân rầm rộ đến tuyên truyền theo phương thức 1+1 (vận động hội phụ nữ và hộ dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại các xã, thị trấn với ý nghĩa: một chi hội trưởng, chi hội phó tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho bản thân và vận động thêm một người thân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện), đã phần nào giúp người dân nâng cao nhận thức và biết đến bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình.