09:03 21/03/2023

Trái chủ của Credit Suisse có thể mất trắng 17 tỷ USD

Điệp Vũ

Một loại trái phiếu của Credit Suisse sẽ bị bút toán về 0 trong thương vụ UBS mua lại Credit Suisse, đồng nghĩa nhà đầu tư mất trắng...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.

Một nhóm chủ nợ trái phiếu của Credit Suisse bị cho là sẽ mất trắng sau khi nhà băng Thuỵ Sỹ suýt đổ vỡ này được đối thủ đồng hương UBS mua lại. Theo hãng tin CNBC, số trái phiếu trị giá 16 tỷ Franc Thuỵ Sỹ, tương đương 17 tỷ USD, mà các trái chủ này nắm giữ nhiều khả năng sẽ trở thành “mớ giấy lộn”.

Hôm Chủ nhật, cơ quan giám sát tài chính Thuỵ Sỹ FINMA cho biết trái phiếu cấp 1 bổ sung (additional tier-one bonds, AT1), vốn được xem là một loại tài sản tương đối rủi ro, của Credit Suisse sẽ bị bút toán về 0 như một phần trong thương vụ sáp nhập nhà băng này vào ngân hàng lớn nhất Thuỵ Sỹ UBS.

Tuyên bố này của nhà chức trách khiến trái chủ AT1 của Credit Suisse nổi giận, vì họ đối mặt khả năng mất trắng tiền trong khi cổ đông nắm giữ cổ phiếu Credit Suisse được trả trong thuơng vụ giải cứu nói trên. Thông thường, cổ phiếu bị xếp sau trái phiếu AT1 trong những vụ như thế này.

Bởi vậy, quyết định của FINMA “có thể được xem là đặt trái chủ AT1 sau cổ đông” - một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs nhận định. “Đây cũng là vụ mất tiền nhiều nhất của nhà đầu tư trái phiếu AT1 kể từ khi loại tài sản này ra đời sau khủng hoảng tài chính.

Dù vậy, động thái của FINMA không phải là một cú sốc - theo bà Elisabeth Rudman, trưởng bộ phận định chế tài chính toàn cầu thuộc DBRS Morningstar. “AT1 được phát hành để hấp thụ các khoản thua lỗ, nên cách giải quyết như vậy không phải là chuyện gì đáng ngạc nhiên. Tài sản đó đã làm nhiệm vụ của nó”, bà Rudman nói.

Trái phiếu AT1 là một dạng nợ được coi như một phần trong vốn tối thiểu của một ngân hàng. Người nắm giữ trái phiếu này có thể chuyển đổi trái phiếu thành cổ phần hoặc bị bút toán giảm giá trị trái phiếu trong một số trường hợp nhất định - chẳng hạn khi tỷ lệ vốn của ngân hàng phát hành trái phiếu đó giảm xuống dưới một mức đã được nhất trí trước.

Trái phiếu AT1 được tạo ra sau khủng hoảng tài chính như một cách để dịch chuyển rủi ro khỏi người đóng thuế trong tình huống khủng hoảng. Do nhân tố rủi ro cao hơn, trái phiếu này thường có lợi suất cao hơn các trái phiếu khác.

Hôm Chủ nhật vừa rồi, với sự dẫn dắt và gây sức ép của FINMA và Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ (SNB), USB nhất trí mua lại Credit Suisse với giá 3 tỷ Franc Thuỵ Sỹ, tương đương 3,2 tỷ USD.  Sau nhiều năm thua lỗ và vướng vào hàng loạt vụ bê bối, Credit Suisse lâm khủng hoảng vào tuần trước khi nhà đầu tư lớn nhất là ngân hàng Saudi National Bank tuyên bố không thể cung cấp thêm tài chính. Tuyên bố này của phía Saudi Arabia được đưa ra trong bối cảnh tâm lý bất an tăng cao trên thị trường tài chính toàn cầu sau vụ sụp đổ của 3 ngân hàng Mỹ liên tiếp, nên đã đẩy Credit Suisse vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

SNB đã cam kết cho Credit Suisse vay số tiền lên tới 50 tỷ Franc, tương đương 54 tỷ USD, nhưng cổ phiếu Credit Suisse vẫn không ngừng bị bán tháo. Rốt cục, việc UBS mua lại Credit Suisse đã ngăn chặn một vụ đổ vỡ.

Việc các nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu AT1 của Credit Suisse có thể mất trắng đang làm dấy lên mối lo ngại về ảnh hưởng đối với thị trường tín dụng toàn cầu vài trái phiếu cùng loại của các định chế tài chính khác. Bà Rudman cho rằng vụ việc này có thể tác động bất lợi tới cái nhìn của nhà đầu tư về trái phiếu AT1 và mức giá mà họ sẵn sàng trả để mua loại trái phiếu này.

“Tôi không cho rằng rủi ro nắm ở việc trái phiếu AT1 có thể bị bút toán giảm giá trị, mà rủi ro nằm ở việc định giá trái phiếu này và mức lợi suất mà nhà đầu tư kỳ vọng”, bà nói.