10:12 07/03/2024

Trái với kỳ vọng, khối ngoại và ETF tiếp tục rút ròng mạnh gần 4.000 tỷ trong 2 tháng đầu năm

Thu Minh

Riêng các ETF Việt Nam tiếp tục ghi nhận dòng vốn rút ròng trong T2/24, với giá trị hơn 710 tỷ đồng. Tổng dòng vốn rút ròng lũy kế trong 2 tháng đầu năm 2024 là hơn 1.980 tỷ đồng, theo thống kê từ VnDirect... 

Dòng vốn ETF bị rút ròng trong T2/2024 chủ yếu đến từ việc bị rút ròng của quỹ DCVFM VN30 ETF (bị rút ròng gần 347 tỷ đồng), quỹ Xtrackers FTSE Vietnam ETF (bị rút ròng hơn 309 tỷ đồng) và quỹ DCVFMVN Diamond ETF (bị rút ròng hơn 277 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, quỹ Fubon FTSE Vietnam và quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF ghi nhận dòng vốn vào ròng tương ứng là 203,8 tỷ đồng và 31,8 tỷ đồng.

EVF và OCB được thêm vào các rổ chỉ số của FTSE Russell. Ngày 01/03/2024 FTSE Russell đã công bố kết quả rà soát các chỉ số bao gồm FTSE Vietnam Index và FTSE Vietnam All-Share Index kỳ Q1/24.

Theo kết quả công bố, cổ phiếu EVF sẽ được thêm vào rổ chỉ số FTSE Vietnam Index, trong khi cổ phiếu EVF và OCB sẽ được thêm vào rổ chỉ số FTSE Vietnam All-Share Index. Không có cố phiếu nào bị loại khỏi 2 rổ chỉ số này. Các chỉ số mới sẽ có hiệu lực từ ngày 18/03/2024 do đó thời hạn để các quỹ ETF mô phỏng các chỉ số này hoàn thành tái cân bằng danh mục là ngày 15/03/2024.

Quỹ Xtrackers FTSE Vietnam ETF hiện có tổng giá trị tài sản là hơn 8.900 tỷ đồng là quỹ mô phỏng chỉ số FTSE Vietnam Index. Dựa trên kết quả rà soát của FTSE Russell, VNdirect ước tính trong kỳ tái cân bằng danh mục Q1/24 này, các cổ phiếu sẽ được quỹ Xtrackers FTSE Vietnam ETF mua nhiều nhất bao gồm cổ phiếu EVF và VCB với khối lượng tương ứng là 6,07 triệu cổ phiếu (~114,8 tỷ đồng) và gần 0,9 triệu cổ phiếu (~86,3 tỷ đồng).

Trong khi các cổ phiếu VIC và VHM có thể là những cổ phiếu được quỹ ETF này bán ra nhiều nhất với khối lượng lần lượt là 1,16 triệu cổ phiếu (~52,5 tỷ đồng) và 1,17 triệu cổ phiếu (~51,6 tỷ đồng).

Trái với kỳ vọng, khối ngoại và ETF tiếp tục rút ròng mạnh gần 4.000 tỷ trong 2 tháng đầu năm - Ảnh 1

Với riêng nhà đầu tư nước ngoài, nhóm này đã trở lại bán ròng chỉ sau 1 tháng mua ròng trước đó.

Giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trong T2/24 là hơn 1.446 tỷ đồng, giá trị bán ròng lũy kế trong 2 tháng đầu năm là gần 273 tỷ đồng. Trong T2/24 nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 2.768 tỷ đồng trên sàn Hose và hơn 363 tỷ đồng trên sàn HNX, trong khi mua ròng hơn 1.686 tỷ đồng trên sàn Upcom.

Những mã được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhiều nhất trong T2/24 bao gồm BHI, MSB, DGC, HPG và SSI. Ở chiều ngược lại, các mã được các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhất trong T2/24 là MWG, VNM, VPB, GEX và MSN.

Tính đến cuối tháng 2, P/E trượt 12 tháng của VN-Index đã vượt 14 lần (P/E VN Index đạt 14,5 lần tại ngày 29/2/2023). Nhận định về dòng vốn ngoại, theo VDSC, quan sát quá khứ, đây là vùng bán ròng ưa thích của khối ngoại trong ngắn hạn, khi thị trường chứng khoán Việt Nam thiếu vắng những câu chuyện lớn. Do vậy, không loại trừ áp lực này sẽ tiếp tục diễn ra trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, nhìn về trung và dài hạn, trạng thái giao dịch ròng của nhà đầu tư nước ngoài sẽ đảo chiều tích cực trở lại và chấp nhận trả một mức PE cao hơn một khi Các NHTW lớn bắt đầu lộ trình cắt giảm lãi suất và Việt Nam cải thiện các tiêu chí để được nâng hạng thị trường.

"Thị trường chứng khoán Đông Nam Á trong đó có Việt Nam với triển vọng lợi nhuận và định giá hấp dẫn tại thời điểm hiện tại sẽ là điểm đến ưa thích của dòng tiền ngoại khi chính sách lãi suất cao trong thời gian dài hơn được thay thế bằng một lộ trình giảm lãi suất rõ ràng hơn được kỳ vọng bắt đầu từ nửa sau năm 2024", VDSC kỳ vọng.