Trăm phương ngàn kế “chiêu dụ” hàng quán của dịch vụ giao thức ăn
Sự tham gia của những tân binh "khủng" trong vòng một năm trở lại đây khiến thị trường giao nhận thức ăn Việt Nam chưa bao giờ sôi động đến thế
Sự tham gia của những tân binh "khủng" trong vòng một năm trở lại đây khiến thị trường giao nhận thức ăn Việt Nam chưa bao giờ sôi động đến thế. Bên cạnh cuộc đua "giành giật" khách hàng, việc "chiêu dụ" hàng quán cũng đang "leo thang" nhanh chóng như một chiến thuật cạnh tranh mới.
Những ngày gần đây, thị trường giao nhận thức ăn Việt Nam bỗng trở nên "sôi động" hơn hẳn với sự góp mặt của tân binh Baemin. Con cưng đến từ Hàn Quốc sau màn "thâu tóm" ứng dụng Vietnammm, mang đến màn chào sân khá ấn tượng tại Việt Nam với chiêu khuyến mãi lên đến 70%, thu hút đông đảo sự quan tâm của người dùng.
Mới tháng trước, GrabFood kỷ niệm một năm triển khai tại Việt Nam, công bố con số tăng trưởng ấn tượng - gấp 250 lần về lượng đơn đặt hàng trung bình hằng ngày. Thế dẫn đầu của Now.vn, ở thời điểm khoảng một năm trở về trước, theo đó cũng có dấu hiệu lung lay với cột mốc tăng trưởng vượt bật của "đội quân áo xanh".
GoFood của GoViet dù năng nổ nhưng bị hạn chế "địa bàn" hoạt động ở Tp.HCM và Hà Nội, Lala rút lui khỏi thị trường dù mới "tham chiến" không lâu, một số khác tuy trụ lại vẫn "lép vế" so với loạt tân binh "khủng long"... Kẻ đến, người đi - đủ thấy thị trường đặt món trực tuyến Việt Nam trong vòng một năm trở lại đây chưa bao giờ sôi động hơn vậy.
Cuộc đua mới - "chiêu dụ" hàng quán
Tượng tự thị trường "gọi xe", các dịch vụ đặt món trực tuyến dù cho ai là "người chống lưng" phía sau thì về cốt lõi là như nhau. Theo đó, việc phân cao thấp hoặc thậm chí là "sinh tồn" trên thị trường này nằm ở các yếu tố như độ phủ, đội tài xế, tốc độ, khuyến mãi, cũng như lượng và chất của đối tác.
Trừ khuyến mãi được xem là "việc thường ngày", các mặt trận khác như tốc độ giao hàng, đội tài xế cũng dần trong thế bão hòa. Vì vậy, nhiều đơn vị tập trung đến việc "chiêu mộ" đối tác nhà hàng, quán ăn như một mặt trận mới.
Thực tế, việc thu hút đối tác kinh doanh của các ứng dụng ngày càng trở nên đa dạng. Giải pháp truyền thống như hỗ trợ nền tảng quản lý hầu như được tất cả các tên tuổi áp dụng, mang đến các tính năng đa dạng như hỗ trợ nhận đơn hàng, cập nhật menu, thời gian hoạt động, một số dịch vụ còn có thêm giải pháp thanh toán trực tuyến.
Được xem là "cựu binh" có mặt khá lâu trong thị trường giao nhận thức ăn Việt Nam, Now.vn đã triển khai hình thức này từ sớm. Dịch vụ này cũng không quên hứa hẹn hỗ trợ về mặt tiếp thị, tiếp cận hàng triệu người dùng từ hệ sinh thái Foody sẵn có.
GrabFood - đứa con cưng từ "kì lân xanh" Đông Nam Á cũng không "lép vế" với các công nghệ tương đương. Tận dụng lợi thế về cơ sở người dùng khổng lồ đến từ lượng khách gọi xe, đơn vị này cũng có các thuật toán phân tích dựa trên dữ liệu trong quá trình hoạt động, từ đó đưa ra những gợi ý kinh doanh tối ưu.
"Một trong những tâm đắc của tôi khi hợp tác cùng GrabFood là nhờ họ phân tích dữ liệu đơn hàng và đề xuất để chúng tôi tập trung nguồn lực hơn cho món cơm gà cháy tỏi, vì đây là món rất được yêu thích", chủ quán cơm gà 142 tại quận 8, Tp.HCM, chia sẻ.
Tuy nhiên, tung một ứng dụng dành riêng và hỗ trợ đơn thuần về công nghệ cho đối tác kinh doanh là chưa đủ, đặc biệt trong bối cảnh cuộc đua "chiêu dụ" hàng quán leo thang như hiện nay. Chính vì thế, thời gian gần đây, đã có một số tên tuổi triển khai những hình thức "chiêu mộ" theo hướng linh hoạt kiểu "đo ni đóng giày" với từng đối tác.
Bánh tráng trộn Cô Tuyền, trước đó vốn chỉ bán trên Instagram là một ví dụ. Chủ quán bánh tráng này cho biết, đội ngũ GrabFood không chỉ mời chị tham gia nền tảng mà giúp đỡ cả việc tìm địa điểm kinh doanh. "Họ phân tích rồi giới thiệu giúp tôi địa điểm có đông người qua lại, giao thoa nhiều nơi có khách hàng tiềm năng để bán được nhiều nhất có thể, cũng như thuận tiện giao hàng hơn." Chị Tuyền tiết lộ thêm GrabFood còn hỗ trợ chị cả chi phí thuê mặt bằng.
Bên cạnh đó, những hàng quán nhỏ lẻ, còn nhiều hạn chế về chuyên môn và kinh nghiệm vận hành "online" vẫn có cơ hội được "lột xác" bằng chiến lược "chăm sóc toàn diện" từ các dịch vụ đặt món.
"Họ giúp chúng tôi làm đủ thứ, từ gợi ý đổi tên quán, nhận diện thương hiệu, làm lại menu, đặt tên món ăn. Sau khi "lên app" (GrabFood - PV) thì doanh thu một tuần tăng lên cấp số nhân", anh Nguyễn Văn Cẩm hồ hởi cho biết về loạt lợi ích "hời" khi hợp tác với GrabFood.
Đối với hàng quán lớn, GrabFood cũng tạo sự khác biệt trong cuộc chiến chiêu mộ đối tác so với đối thủ bằng "tuyệt chiêu" Quán Quen, cùng các nhà hàng đồng sáng tạo ra những menu độc đáo, chỉ có thể tìm thấy trên ứng dụng gọi món này. Có thể thấy, nước cờ này khá thông minh khi những hàng quán lớn đã có được danh tiếng trong lòng người dùng, thì ắt hẳn tạo sự khác biệt sẽ là điều cần thiết.
Ai là người hưởng lợi?
"Thời buổi này hàng quán mọc lên như nấm, bản thân mình kinh doanh cũng phải biết cập nhật "xu hướng" mới có thể cạnh tranh và "bắt khách" kịp với người ta. Từ ngày "lên app", quán tôi bán đông hơn hẳn, một phần khách biết tới do được "quảng cáo online" trên ứng dụng, phần khác tò mò thấy "shipper" rồng rắn xếp hàng nên cũng ghé thử qua, đó là chưa kể lượng khách hàng "trung thành" đến quán bấy lâu. Doanh thu nhờ đó cũng tăng lên chóng mặt" - anh Trung, chủ một quán bún chả tại quận 3 hồ hởi chia sẻ sau 2 tháng hợp tác với ứng dụng giao đồ ăn.
Ngoài việc "hút" khách, các nền tảng này còn góp phần "giải phóng" hàng quán khỏi sự rườm rà và tốn kém trong khâu vận hành như việc thuê "mặt tiền", chi phí truyền thông, phát triển đội ngũ "shipper"... Chưa kể đến trong "trận chiến" giành đối tác, các ứng dụng đang rất sẵn lòng tung nhân sự và kinh phí cho việc "tư vấn kinh doanh", bao gồm nghiên cứu về thị hiếu, hỗ trợ mặt bằng, hoàn thiện và tối ưu hóa quy trình bán, đóng gói cũng như giao hàng.
Cũng không thể phủ nhận rằng, cuộc đua "chiêu dụ" hàng quán luôn mang đến cho thực khách những lựa chọn mới mẻ, đa dạng và tiện lợi hơn. "Không thật sự hiểu rõ mấy dịch vụ giao đồ ăn hiện nay hoạt động thế nào, nhưng mới hôm qua tôi vừa thấy có quán bún bò khai trương đầu ngõ, sáng nay mở app lên đã "sờ sờ" ngay trước mắt. Phải nói là những ứng dụng giao đồ ăn ngày nay vô cùng "năng nổ" trong việc cập nhật hàng quán", chị Anh Thư, nhân viên văn phòng tại quận 1 bày tỏ sự bất ngờ với độ nhanh chóng của các dịch vụ ăn uống thời 4.0.