10:26 30/11/2009

Tranh chấp vì chữ “A” hay “V”

Nguyễn Mạnh

Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á có xâm phạm nhãn hiệu của Tổng công ty Thép Việt Nam?

Nhãn hiệu chữ "A" của ASC và nhãn hiệu chữ "V" của VNSteel.
Nhãn hiệu chữ "A" của ASC và nhãn hiệu chữ "V" của VNSteel.
Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, hiện nay có tới 40.000 nhãn mác sản phẩm đang được sử dụng mà không cần đăng ký. Bởi những nhãn hiệu này không xâm phạm đến quyền lợi của bất kỳ ai.

Tuy nhiên, điều này cũng chứa đựng rất nhiều yếu tố rủi ro khi xảy ra tranh chấp.

Đầu tháng 10/2009, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) phát hiện Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á (ASC) có trụ sở tại Khu công nghiệp Hòa Phú, xã Hòa Phú, thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắc Lắc đã đưa ra thị trường sản phẩm thép thanh vằn từ D10-D14 có nhãn hiệu nổi trên thân thanh thép tương tự nhãn hiệu của VNSteel.

Có hay không hành vi xâm phạm?

Ngày 31/10, ông Nguyễn Thành Long, Trưởng chi nhánh Văn phòng Luật sư Phạm và Liên Danh, đại diện cho VNSteel đã có văn bản gửi ASC yêu cầu giải trình. Trong văn bản nêu rõ: gần đây, VNSteel phát hiện ASC sản xuất và phân phối các loại thép có gắn dấu hiệu “A” có thiết kế tương tự với phần hình chữ “V” trên nhãn hiệu đã được bảo hộ cho sản phẩm thép “các loại, kim loại và các hợp kim” của VNSteel theo Văn bằng số 116719 và 116720.

Về màu sắc có cùng màu đỏ giống với phần hình “V” trên nhãn hiệu theo Văn bằng số 116719 và ASC đã có sử dụng dấu hiệu đó trên bảng hiệu, nhà xưởng, các tài liệu giao dịch, quảng cáo, hóa đơn và các phương tiện kinh doanh khác. Hơn nữa, ASC nộp đơn xin đăng ký nhãn hiệu “A” cũng chứa dấu hiệu trên “A” theo đơn số 4-2008-27389 cho sản phẩm cùng loại, tương tự, liên quan thuộc nhóm 06...

Theo quy định tại Điểm c khoản 1 Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ và điểm a khoản 3 Điều 11 Nghị định số 105/CP: dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ; trong đó một dấu hiệu bị coi là trùng với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có cùng cấu tạo, cách trình bày (kể cả màu sắc); một dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có một số đặc điểm hoàn toàn trùng nhau hoặc tương tự đến mức không dễ dàng phân biệt với nhau về cấu tạo... gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu thì đó là hành vi xâm phạm bản quyền nhãn hiệu hàng hóa.

Vì vậy, đại diện của VNSteel đã yêu cầu ASC dừng ngay việc sản xuất, buôn bán, phân phối và đưa vào lưu thông những sản phẩm có gắn dấu hiệu “A”. Thống kê số lượng sản phẩm chưa tiêu thụ, các ấn phẩm... có gắn dấu hiệu “A”. Loại bỏ dấu hiệu “A” ra khỏi sản phẩm chưa tiêu thụ, bảng hiệu, nhà xưởng... và các phương tiện kinh doanh khác. Loại bỏ phần hình “A” trên nhãn hiệu “A” mà ASC xin đăng ký theo đơn số 4-2008-27389 cho sản phẩm thuộc nhóm 06. Đồng thời, gửi bản cam kết không vi phạm nhãn hiệu “V” trong vòng 15 ngày.

Không đồng tình với yêu cầu của đại diện VNSteel, ngày 16/11/2009, trong Công văn số 878-2009/CV-ASC trả lời Chi nhánh Văn phòng Luật sư Phạm và Liên Danh, ông Thăng Danh Hạnh, Giám đốc nhân sự ASC cho rằng: nhãn hiệu “A” mà ASC đang sử dụng là cách điệu của chữ A trong ASC (Asean Steel JSC) khác với nhãn hiệu “V” của VNSteel.

Hơn nữa, ASC đã tiến hành tham khảo ý kiến của nhiều khách hàng, tất cả đều cho rằng nhãn hiệu của ASC hoàn toàn không giống với nhãn hiệu của VNSteel. Ngoài ra, ASC cũng đã tiến hành nộp đơn xin đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm. Điều này cho thấy ASC hoàn toàn không có hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp của VNSteel.

Tuy nhiên, với mong muốn hợp tác và giải quyết vụ việc trên cơ sở thỏa thuận giữa hai đơn vị cùng trong ngành thép một cách ổn thỏa, ASC thống nhất sẽ điều chỉnh lại nhãn hiệu của mình.

Cơ quan chức năng nói gì?

Mặc dù đã nhận được công văn trả lời của ASC, nhưng dường như không đồng ý với nội dung trả lời của ASC, ngày 3/11, Chi nhánh Văn phòng Luật sư Phạm và Liên Danh đã có văn bản gửi Cục Sở hữu trí tuệ đề nghị xem xét và từ chối bảo hộ đối với nhãn hiệu “A” ASEAN STEEL JSC của ASC vì lý do nhãn hiệu xin đăng ký tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “V” của VNSteel.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho biết: Cục không phải là cơ quan cho doanh nghiệp này hay doanh nghiệp kia được hay không được phép dùng nhãn hiệu mà là chỉ là cơ quan công nhận quyền sở hữu. Vì vậy, trong quá trình xem xét và thẩm tra hồ sơ thì ASC vẫn được sử dụng nhãn hiệu “A” trên sản phẩm (điều này trong Luật Sở hữu trí tuệ không cấm).

Tuy nhiên, VNSteel hiện đang là chủ sở hữu hợp pháp của nhãn hiệu “V”, nên việc một công ty khác sử dụng nhãn hiệu tương tự (không có nghĩa là phải giống nhau hoàn toàn) trên sản phẩm mà không được sự cho phép của VNSteel có thể coi đó là hành vi vi phạm. Hơn thế, việc nộp đơn của ASC đến thời điểm này không tạo ra bất cứ một quyền nào về việc sử dụng nhãn hiệu “A” trên sản phẩm của mình. Do đó, khi phát hiện ra việc vi phạm nhãn mác làm ảnh hưởng đến uy tín, VNSteel có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý theo luật.

Trên thực tế, nhãn hiệu “V” của VNSteel đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 11679 từ năm 2007. Trong khi đó, ngày 26/12/2008, ASC mới có hồ sơ số 4-2008-27389 gửi đến Cục Sở hữu trí tuệ với nhãn hiệu xin đăng ký là “A” ASEAN STEEL J.S.C - Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á - Gửi trọn niềm tin!”

Đến thời điểm này vẫn chưa có kết luận chính thức từ phía các cơ quan chức năng nhưng có lẽ đã đến lúc các cơ quan hữu quan cần phải có biện pháp quản lý và siết chặt hơn nữa về việc chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa có đặc thù tương tự cho những chủng loại sản phẩm giống nhau, tránh tình trạng tranh chấp về quyền đăng ký.