Tránh lệ thuộc nhà tài trợ khi vay vốn ODA
Vẫn còn tồn tại những dự án sử dụng vốn vay ODA chưa hiệu quả từ khâu huy động
Đó là lưu ý của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội khi thẩm tra việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn (về lĩnh vực tài chính - ngân sách).
Trong phiên họp thứ 36 (từ 12- 16/8) Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018, trong đó có nội dung nói trên.
Theo cơ quan thẩm tra, thời gian qua, công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài đã đạt kết quả nhất định như: mức dư nợ công thấp hơn quy định trong kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. Quy mô danh mục nợ chính phủ đến cuối năm 2018 được kiểm soát tốt ở mức 50% GDP (so với mức 52,7% vào năm 2016; 51,7% vào năm 2017), trong đó nợ nước ngoài chiếm 38,6%, nợ trong nước chiếm 61,4%.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban đánh giá, những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài chưa có chuyển biến mạnh mẽ. Tình trạng giải ngân thấp so với kế hoạch giao chưa được khắc phục kịp thời.
Báo cáo thẩm tra nêu rõ, năm 2018, mức giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi cấp phát từ ngân sách trung ương chỉ đạt 53,65 kế hoạch Quốc hội giao. Còn trong 5 tháng đầu năm 2019, nguồn vốn này mới giải ngân được gần 2.000 tỷ đồng, đạt khoảng 7% (trên tổng số hơn 28.000 tỷ đồng kế hoạch được giao).
Uỷ ban thẩm tra nhấn mạnh, đây là số liệu giải ngân rất thấp, cần sớm có giải pháp quyết liệt để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Liên quan đến tổ chức huy động vốn vay, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách nhận xét công tác quản lý nợ công về cơ bản đã thực hiện tốt mục tiêu tổ chức huy động vốn với chi phí thấp gắn liền với mức độ rủi ro hợp lý cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy vậy, vẫn còn tồn tại những dự án sử dụng vốn vay ODA chưa hiệu quả từ khâu huy động (đàm phán hiệp định, điều kiện vay) dẫn đến việc thực hiện, sử dụng vốn kém hiệu quả, tạo ra nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế (dự án đường sắt Hà Nội - Hà Đông, việc đội vốn của các tuyến đường sắt đô thị Tp.HCM, tồn tại của một số dự án liên quan đến một số tuyền đường cao tốc).
Ủy ban thẩm tra cho rằng, cần có phương án xử lý để giải quyết đối với những dự án cụ thể này nói riêng và rút kinh nghiệm chung về việc xây dựng tiêu chí, điều kiện vay thật sự hiệu quả, tránh việc lệ thuộc vào nhà tài trợ.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 7, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, sử dụng vốn vay ODA nên phụ thuộc vào Hiệp định vay đã được ký kết với Nhà tài trợ, theo đó thì tổng thầu do Trung Quốc chỉ định chứ không phải thi tuyển.
Trả lời cử tri mới đây, Bộ trưởng Thể cập nhật, dự án vẫn triển khai rất chậm, đến nay vẫn chưa thể hoàn thành và có nguy cơ kéo dài do một số nội dung Tổng thầu không thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải.