21:25 03/10/2022

Tranh luận về chung cư: Chưa ngã ngũ quyền sở hữu có thời hạn hay vĩnh viễn

Ban Mai

Vấn đề sở hữu chung cư có thời hạn như đề xuất trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vẫn tiếp tục được thảo luận “nóng bỏng” tại các cuộc lấy ý kiến của doanh nghiệp…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Bộ Xây dựng muốn lắng nghe, tiếp thu, nghiên cứu các góp ý để cân nhắc xem xét khi soạn thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

BỘ XÂY DỰNG: SỞ HỮU CHUNG CƯ NÊN CÓ THỜI HẠN

Mới đây, tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị - Trưởng Ban soạn thảo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đã chủ trì hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo luật này với sự tham gia của các địa phương và nhiều doanh nghiệp phía Nam. Một trong những nội dung “nóng” tại hội thảo là vấn đề quy định sở hữu chung cư có thời hạn.

Theo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng nêu ra 2 phương án về thời hạn sở hữu nhà chung cư.

Phương án 1: bổ sung quy định mới về thời hạn sở hữu nhà chung cư được căn cứ vào thời hạn sử dụng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng. Đi liền với quy định thời hạn là các quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà chung cư; xử lý khi nhà chung cư còn thời hạn sở hữu; xử lý nhà chung cư khi hết thời hạn sở hữu…

Phương án 2: không quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư mà giữ nguyên như quy định hiện hành, người mua nhà chung cư được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, việc đưa ra thời hạn sở hữu chung cư vì hiện nay Nhà nước đang gặp khó khăn trong việc cải tạo, xây mới các chung cư cũ đã xuống cấp.

Nhiều chung cư xây cách đây 30-40 năm nhưng đã xuống cấp và đa số là các chung cư 8-10 tầng nên rất nguy hiểm. Trong khi đó, xu hướng hiện đại các chung cư xây mới sẽ xây cao tới 30-50 tầng.

Bộ Xây dựng lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) ngày 30/9/2022 tại TP.HCM - Ảnh: BN.
Bộ Xây dựng lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) ngày 30/9/2022 tại TP.HCM - Ảnh: BN.

Việc quy định thời hạn sở hữu chung cư sẽ tác động đến các doanh nghiệp bất động sản nhưng cần phải nhìn ở góc độ an toàn cho người dân.

“Các nước trên thế giới đều quy định về tuổi thọ và thời hạn sở hữu công trình. Vì vậy, Bộ Xây dựng muốn đưa ra quy định này và sẽ lắng nghe, tiếp thu, nghiên cứu các góp ý để cân nhắc xem xét khi soạn thảo Luật Nhà ở sửa đổi”, ông Sinh nhấn mạnh.

DOANH NGHIỆP MUỐN GIỮ NGUYÊN NHƯ CŨ

Tuy nhiên, về phía các doanh nghiệp đều đề nghị Bộ Xây dựng giữ nguyên quy định hiện hành là sở hữu chung cư vô thời hạn.

Theo ông Trương Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, hiện nay các đô thị đang đi theo mục tiêu là đô thị nén để dành quỹ đất phục vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ người dân. Vì vậy, nếu quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư sẽ là rào cản để dân tìm đến loại hình căn hộ chung cư.

“Để khuyến khích người dân sử dụng nhà chung cư thì cần xác định sở hữu chung cư là vô thời hạn như hiện nay”, ông Dũng đề xuất.

Ông Bùi Xuân Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland cũng đồng tình vấn đề không áp niên hạn sở hữu đối với chung cư.

Đại diện một doanh nghiệp FDI là Lotte Land (thuộc Tập đoàn Lotte, Hàn Quốc), ông Đỗ Trọng Tuấn Anh cho rằng tâm lý người Việt từ xưa đến nay là “an cư lạc nghiệp”, mong muốn sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài như một dạng tích trữ tài sản.

Vì vậy, việc quy định sở hữu căn hộ có thời hạn là chưa phù hợp với tâm lý người mua. Đồng thời có thể khiến thị trường nhà chung cư bị suy giảm và làm gia tăng nhu cầu về nhà đất thấp tầng, dẫn đến giá nhà đất leo thang.

“Thay vì áp đặt quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn đối với nhà chung cư, Chính phủ nên quy định chặt chẽ việc kiểm định chất lượng công trình và cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Qua đó, đảm bảo an toàn cho người sử dụng cũng như tạo tiền đề vững chắc cho quy hoạch và cải tạo đô thị trong tương lai”, ông Tuấn Anh nói.

Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng không nên quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư theo hạn sử dụng công trình.

"Nếu giao đất có thời hạn thì sở hữu nhà chung cư có thời hạn là đúng. Nhưng trường hợp đất không xác định thời hạn, tức đất ở ổn định, lâu dài mà nhà chung cư xây dựng mới lại xác định có thời hạn thì tôi cho rằng đề xuất này là không hợp lý. Hôm nay cũng có nhiều ý kiến phát biểu về việc này, chúng tôi kiến nghị giữ nguyên quy định hiện hành về sở hữu nhà chung cư" ông Châu bày tỏ.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: "Có 3 loại quyền liên quan đến căn hộ chung cư: quyền sử dụng, quyền sở hữu căn hộ và quyền sử dụng đất" - Ảnh: BN.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: "Có 3 loại quyền liên quan đến căn hộ chung cư: quyền sử dụng, quyền sở hữu căn hộ và quyền sử dụng đất" - Ảnh: BN.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề thực chất có nhu cầu sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong nhân dân hay không và nhu cầu tới mức nào. Có 3 loại quyền liên quan đến căn hộ chung cư: quyền sử dụng, quyền sở hữu căn hộ và quyền sử dụng đất. Ba loại quyền này phải được thiết kế như thế nào và bằng giải pháp rõ ràng.

Ông Nghĩa cũng cho rằng không nhất thiết phải tách rời quyền sở hữu và quyền sử dụng mà có thể tồn tại song song, không nên xóa quyền sở hữu khi căn hộ hết thời hạn. Nếu quy định sở hữu có thời hạn thì cũng phải đi kèm các giải pháp cụ thể. Chẳng hạn như chung cư chỉ có thời hạn 20 năm thì sau khi hết 20 năm, người mua phải trả lại cho chủ đầu tư. Khi chủ đầu tư xây dựng, mua bán cũng phải công khai, minh bạch thời hạn và giá tiền cũng phải tương ứng với thời gian sở hữu.

Ghi nhận và tiếp thu ý kiến góp ý của các doanh nghiệp, các chuyên gia, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến góp ý, nghiên cứu và xem xét cẩn trọng về quy định sở hữu nhà chung cư. Làm thế nào để bảo đảm tuân thủ hiến pháp, thể chế hóa được những chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước, đồng thời đáp ứng được quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

“Chúng ta tiếp tục nghiên cứu xem là thời hạn sở hữu hay thời hạn sử dụng? Nội dung này chúng tôi sẽ ghi nhận tất cả và sẽ trao đổi thật kỹ, thận trọng về việc này”, ông Nghị nói.