14:11 01/07/2022

“Trào lưu game Blockchain đang nhận nhiều sự quan tâm hơn bao giờ hết”

Hồng Vinh

Mỗi năm thị trường game Việt Nam tăng trưởng đều đặn với con số là 10%. Chi tiêu trong game tại Việt Nam năm 2020 cũng tăng 50%, biến nước ta trở thành quốc gia chịu chi nhất khu vực...

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Ban điều phối VGDA ra mắt Liên minh chiều ngày 30/6 tại TP.HCM
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Ban điều phối VGDA ra mắt Liên minh chiều ngày 30/6 tại TP.HCM

Ngày 30/6 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn, Liên minh các nhà sản xuất và phát hành trò chơi điện tử đã ra mắt với hơn 40 thành viên.

Dưới sự chỉ đạo định hướng và đồng hành của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, năm 2020, Liên minh các nhà sản xuất và phát hành trò chơi điện tử trên mạng tại Việt Nam (Vietnam Game Development Allience) đã chính thức được thành lập với tên gọi VGDA. 

NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH VỚI GAME NGOẠI

Liên minh VGDA có sứ mệnh cùng chung tay và phát triển game Việt, bắt kịp xu thế toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, xây dựng hình ảnh và truyền thông về các hoạt động, đóng góp cho ngành xã hội.

Hiện nay, Liên minh VGDA đã thu hút và tập hợp được trên 40 thành viên đang hoạt động trong lĩnh vực trò chơi điện tử trên mạng. Trong đó, Ban điều phối có 10 thành viên: VNG, Vietnam Esports, GOSU Corp, SohaGame, VTC Game, Gamota, Funtap, Viettel Media, Travellet và Solarpay.

 

"VGDA có sứ mệnh cùng chung tay và phát triển game Việt, bắt kịp xu thế toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, xây dựng hình ảnh và truyền thông về các hoạt động, đóng góp cho ngành xã hội."

Ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trong thời gian tới, VGDA sẽ triển khai một loạt các hoạt động như: Rà soát, phát hiện game có dấu hiệu vi phạm như game không phép, vi phạm bản quyền, game cờ bạc, đổi thưởng… để đề xuất cơ quan quản lý ngăn chặn, gỡ bỏ; Tham gia góp ý về chính sách để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh ngành game; Hợp tác, đẩy mạnh các chương trình ươm mầm tài năng để đầu tư, nâng cao chất lượng nhân lực;

VGDA sẽ tổ chức các cuộc triển lãm, cuộc thi viết game, trao giải thưởng cho các nhà sản xuất, phát hành game tại Việt Nam có nhiều đóng góp; Tổ chức các buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, tập huấn phổ biến pháp luật và định hướng phát triển ngành game Việt…

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2021, tổng doanh thu ngành công nghiệp game Việt Nam ước đạt 14.500 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2020. Còn theo báo cáo của Data.ai, về số lượt tải xuống, Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á năm 2020, chiếm 22% tổng lượt tải xuống của toàn khu vực (xếp sau Indonesia với 38%).

Mỗi năm thị trường game Việt Nam tăng trưởng đều đặn với con số là 10%. Chi tiêu trong game tại Việt Nam năm 2020 cũng tăng 50%, biến nước ta trở thành quốc gia chịu chi nhất khu vực. Xét trên toàn cầu, số lượt tải về của các tựa game do Việt Nam phát hành hiện xếp thứ 7 và cứ mỗi 25 game được tải thì sẽ có một cái tên do Việt Nam gia công.

BÙNG NỔ CÔNG NGHỆ BLOCKCHAIN, GAME NFT

Ngay sau lễ ra mắt, VGDA đã tổ chức hội thảo: “Tìm hướng phát triển game Việt trong bối cảnh bùng nổ công nghệ Blockchain, game NFT tại Việt Nam”. Tại đây, các doanh nghiệp, nhà quản lý đã có nhiều ý kiến hữu ích nhằm định hướng tốt nhất cho sự phát triển của ngành game.

Blockchain là công nghệ chuỗi khối, nơi thông tin lưu trữ trong các khối (block) được mở rộng theo thời gian và liên kết với nhau bằng mã hóa để tạo thành một chuỗi (chain). Điều đặc biệt của Blockchain chính là mỗi khối thông tin đều có liên hệ với khối trước đó, thông tin về thời gian khởi tạo, dữ liệu giao dịch và không một ai có khả năng thay đổi, viết đè lên hay xóa dữ liệu đó. Nhờ vậy mà mọi thông tin dữ liệu được lưu trữ trên Blockchain đều đảm bảo độ toàn vẹn, minh bạch, và tin cậy cao.

Nói về sự phổ biến, sự quan tâm của người Việt và ứng dụng đa dạng của Blockchain trên thế giới, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) chia sẻ: Khi nhắc tới Blockchain, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới việc đầu tư tiền mã hóa và các đồng tiền điện tử như Bitcoin, Ethereum,… Tuy nhiên, ứng dụng và tiềm năng của Blockchain không chỉ dừng lại ở đó và người Việt rất quan tâm đến Blockchain.

Với tiềm năng ứng dụng của Blockchain đối với gần như mọi ngành công nghệ, Blockchain ngày càng trở nên phổ biến tại các quốc gia và tập đoàn lớn trên thế giới. Chẳng hạn như Estonia đã tiết kiệm được 2% GDP vào năm 2018 nhờ ứng dụng thành công công nghệ Blockchain, cụ thể hơn là nền tảng KSI (Keyless Signature Infrastructure) vào việc định danh công dân và tối ưu hóa hệ thống quản lý nhà nước.

Một ví dụ khác về ngành hàng bán lẻ như Walmart, chuỗi siêu thị nổi tiếng tại Mỹ, đã ứng dụng Blockchain vào quy trình truy xuất nguồn cung ứng để thuận lợi cho việc theo dõi, cũng như quản lý hàng hóa và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Hàng loạt các nhãn hàng nổi tiếng trên thế giới như Budweiser, Gucci, Guerlain,… tham gia vào cơn sốt NFT. Nổi bật nhất có thể kể đến sự sôi động của thị trường gaming với những tựa game NFT nổi tiếng như Axie Infinity, Thetan Arena, Decentraland,...

Theo ông Dũng, không chỉ ở thị trường quốc tế mà ngay tại Việt Nam thì trào lưu game Blockchain cũng đang nhận được nhiều sự quan tâm hơn bao giờ hết. Nhận thấy được lợi ích mà Blockchain mang lại, Việt Nam đang từng bước phát triển lộ trình ứng dụng công nghệ Blockchain phù hợp để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Theo thống kê của Data.ai, mỗi ngày, người Việt Nam dành ra 3,9 tiếng để chơi game, nhiều hơn 10% so với người dùng phổ thông tại Mỹ. Việt Nam cũng xếp đầu bảng của khu vực Đông Nam Á, Australia và New Zealand (ANZSEA) khi có đến 5 cái tên góp mặt trong danh sách top 10 công ty phát hành game lớn nhất khu vực bao gồm Amanotes, OneSoft, GameJam, VNG và Arrasol.