11:25 29/06/2022

Liên minh các nhà sản xuất và phát hành game online Việt “vào đường đua”

Nam Anh

Thông tin từ Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), ngày 30/6/2022, Liên minh các nhà sản xuất và phát hành trò chơi điện tử trên mạng (VGDA) tại Việt Nam sẽ chính thức ra mắt tại TP.HCM...

Năm 2021, tổng doanh thu ngành công nghiệp game Việt Nam ước đạt 14.500 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2020 - Ảnh minh họa.
Năm 2021, tổng doanh thu ngành công nghiệp game Việt Nam ước đạt 14.500 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2020 - Ảnh minh họa.

Sự kiện dự kiến thu hút khoảng 200 khách mời tham gia gồm các nhà quản lý, phát hành game, đại diện cơ quan truyền thông, các hiệp hội về kinh tế và thương mại điện tử, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, cũng như các tổ chức Blockchain uy tín tại Việt Nam. Tại sự kiện ra mắt trên, VGDA sẽ tổ chức hội thảo “Tìm hướng phát triển game Việt trong bối cảnh bùng nổ công nghệ Blockchain, Game NFT tại Việt Nam”.

Theo đó, các nội dung pháp lý về game truyền thống lẫn game Blockchain sẽ được các cơ quan quản lý, các hiệp hội, doanh nghiệp game và các chuyên gia trong ngành thảo luận, nhằm tìm định hướng phát triển của ngành game tại Việt Nam trong thời gian tới.

Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết, dưới sự chỉ đạo định hướng và đồng hành của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, năm 2021, Liên minh các nhà sản xuất và phát hành trò chơi điện tử trên mạng tại Việt Nam đã chính thức được thành lập với tên gọi VGDA (Vietnam Game Development Alliance).

Đến nay, Liên minh đã thu hút và tập hợp được gần 60 thành viên đang hoạt động trong lĩnh vực trò chơi điện tử trên mạng, trong đó Ban Điều phối có 10 thành viên: VNG, Vietnam Esports, GOSU Corp, SohaGame, VTC Game, Gamota, Funtap, Viettel Media, Travellet, Solarplay.

Liên minh các nhà sản xuất và phát hành trò chơi điện tử tại Việt Nam được thành lập trên tinh thần “Đoàn kết chia sẻ - Không ngừng đổi mới”, chung tay đóng góp và phát triển game Việt, bắt kịp xu thế toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài; xây dựng hình ảnh và truyền thông về các hoạt động, đóng góp của ngành cho xã hội.

Thời gian qua cũng như sắp tới, VGDA tập trung triển khai các hoạt động chính gồm: rà quét, phát hiện các game có dấu hiệu vi phạm (game không phép, vi phạm bản quyền, game cờ bạc, đổi thưởng...) để đề xuất cơ quan quản lý ngăn chặn, gỡ bỏ; tham gia góp ý chính sách để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh ngành game; hợp tác, đẩy mạnh các chương trình ươm mầm tài năng để đầu tư, nâng cao chất lượng nhân lực ngành game.

Đồng thời tổ chức các cuộc triển lãm, cuộc thi viết game và trao giải thưởng cho các nhà sản xuất, phát hành game tại Việt Nam có những thành tích đóng góp tích cực cho ngành game; tổ chức các buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, tập huấn phổ biến pháp luật và định hướng phát triển ngành game Việt.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2021, tổng doanh thu ngành công nghiệp game Việt Nam ước đạt 14.500 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2020. Còn theo báo cáo của Data.ai, về số lượt tải xuống, Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á năm 2020, chiếm 22% tổng lượt tải xuống của toàn khu vực (xếp sau Indonesia với 38%). Mỗi năm thị trường game Việt Nam tăng trưởng đều đặn với con số là 10%. Chi tiêu trong game tại Việt Nam năm 2020 cũng tăng 50%, biến nước ta trở thành quốc gia chịu chi nhất khu vực. Xét trên toàn cầu, số lượt tải về của các tựa game do Việt Nam phát hành hiện xếp thứ 7 và cứ mỗi 25 game được tải thì sẽ có một cái tên do Việt Nam gia công.

Cũng theo báo cáo của Data.ai, mỗi ngày, người Việt Nam dành ra 3,9 tiếng để chơi game, nhiều hơn 10% so với người dùng phổ thông tại Mỹ. Việt Nam cũng xếp đầu bảng của khu vực Đông Nam Á, Australia và New Zealand (ANZSEA) khi có đến 5 cái tên góp mặt trong danh sách top 10 công ty phát hành game lớn nhất khu vực bao gồm Amanotes, OneSoft, GameJam, VNG và Arrasol.