06:36 02/04/2022

Triển khai dự án nông nghiệp carbon thấp trong 6 năm với tổng kinh phí 390 triệu USD

Chu Khôi

Dự án “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp carbon thấp” dự kiến sẽ triển khai trong 6 năm từ 2023-2029, với tổng kinh phí dự kiến 390 triệu USD. Trong đó, vốn vay từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) là 300 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ 60 triệu USD, và vốn viện trợ không hoàn lại 30 triệu USD…

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào nông nghiệp làm giảm phát thải
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào nông nghiệp làm giảm phát thải

Tại buổi làm việc với Ngân hàng thế giới (WB) về chuẩn bị triển khai Dự án "Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp carbon thấp" cuối tuần qua, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết mục tiêu của dự án là thúc đẩy chuỗi giá trị và sản xuất nông nghiệp xanh, carbon thấp bền vững tại Việt Nam; đồng thời nhằm thực hiện các cam kết "phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của của Việt Nam tại Hội nghị COP 26". 

LAN TỎA TIẾN BỘ KỸ THUẬT TRONG NÔNG NGHIỆP

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh bày tỏ sự cảm ơn đối với WB đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” (VnSAT). Đối với ngành lúa gạo, VnSAT giúp nông nghiệp Việt Nam chuyển đổi theo hướng bền vững, đồng thời định hướng và giúp người dân thực hành nhiều tiến  bộ kỹ thuật như "1 phải 5 giảm", "3 giảm 3 tăng", vừa giúp tăng năng suất lúa gạo vượt trội, vừa giúp giảm phát thải khí nhà kính.

Đối với ngành cà phê, Dự án VnSAT đã giúp cà phê Việt Nam tăng cả về sản lượng và chất lượng. Năm 2014, ngành nông nghiệp thực hiện tái canh loài cây này với diện tích khoảng 120.000 ha. Sau khi hoàn thành, tổng diện tích tái cánh tăng thêm 50%. 

 

“Hiện năng suất cà phê Việt Nam cao nhất thế giới, trung bình 2,6 tấn/ha nhân đối với cà phê Robusta và 1,4 tấn/ha nhân đối với cà phê Arabica - cao gấp khoảng 3-4 lần năng suất trung bình thế giới. Trong Quý 1 năm 2022, xuất khẩu cà phê tăng 19,4% về lượng và tăng 50,4% về kim ngạch - là một trong những nhóm mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất Việt Nam”.

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng .Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhận định, VnSAT đã làm sâu sắc hơn và lan tỏa hơn những tiến bộ kỹ thuật vốn có. Về lúa gạo, Việt Nam đã chuyển mạnh sang sản xuất các giống cao sản, gạo thơm, đặc sản. Về cà phê, đó là các mô hình nông lâm kết hợp, cà phê cảnh quan, giúp tích hợp đa giá trị.

“Quan trọng hơn, người nông dân đã biết thực hành nông nghiệp tốt, có biện pháp căn cơ, bền vững trong ứng phó biến đổi khí hậu, hay những vấn đề như sạ, thuốc bảo vệ thực vật", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Đề cập về Dự án VnSAT, bà Dina Umali Deininger, Giám đốc thực hành nhóm nông nghiệp và thực phẩm của WB chia sẻ "Đây không chỉ là dự án điển hình, thể hiện sự hỗ trợ của thế giới trong việc cải thiện thực hành của người dân, mà còn là bài học kinh nghiệm tốt cho các nước trong khu vực".

Theo bà Dina Umali Deininger, thành công của nông nghiệp Việt Nam trong đa dạng hóa sản phẩm, tăng thu nhập của người nông dân, tăng năng suất nông nghiệp. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của WB, những thách thức trong 10 năm tới sẽ khác và khó khăn hơn so với 25 năm vừa qua.

Hiện nay các yếu tố tác động đến vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng được quan tâm trong thương mại nông sản. Việt Nam là quốc gia có sản lượng gạo lớn, xuất khẩu vào nhóm hàng đầu thế giới nhưng đây là sản phẩm có lượng phát khải carbon lớn. WB sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để có được ngành nông nghiệp phát thải carbon thấp trong tương lai.

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP XANH

Ông Nguyễn Thế Hinh, Phó Trưởng Ban Quản lý các dự án (CPO) Nông nghiệp, cho biết dự án "Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp các bon thấp" có tổng kinh phí dự kiến 390 triệu USD. Trong đó, vốn vay từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) là 300 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ 60 triệu USD, và vốn viện trợ không hoàn lại 30 triệu USD.

Dự án sẽ được triển khai trong 6 năm từ 2023-2029, gồm 3 hợp phần: Nông nghiệp xanh và các bon thấp bền vững; Tăng cường quản lý rủi ro khí hậu; Tăng cường khả năng tiếp cận thị trường các bon và phát triển thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp xanh và cácbon thấp.

Ban CPO nông nghiệp đề xuất một số nhiệm vụ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong Dự án này, gồm: Xây dựng cổng thông tin số quốc gia về đăng ký nông dân bằng ID trang trại; Xây dựng các trạm quan trắc và trung tâm giám sát nông nghiệp quốc gia, khu vực để thu thập, giám sát dữ liệu về khí hậu, nước và đất; Xây dựng quỹ carbon và cơ chế chia sẻ lợi ích từ tín dụng các bon cho nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp tham gia. 

Ở cấp địa phương, các hạng mục chủ yếu nằm ở sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng; Hỗ trợ các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu và dịch vụ đổi mới giống và làm đầu mối kỹ thuật cho người dân; Phát triển các nền tảng kỹ thuật số để đăng ký nông dân bằng ID trang trại.

Đồng thời, xây dựng các điểm trình diễn và hội thảo đầu bờ để nhân rộng các công nghệ xanh, các bon thấp trong sản xuất lúa gạo cũng như các cây trồng chủ lực; hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp nông nghiệp tiếp cận thị trường các bon...

Ông Ahmed Eiweida, Điều phối viên toàn cầu về Di sản văn hóa và Du lịch bền vững của WB cam kết phân bổ nguồn vốn tương xứng với các mục tiêu nghiên cứu, tư vấn không chỉ cho dự án Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp các carbon, mà còn những hoạt động phát triển bền vững khác.

Cho rằng, cần đặt nhiều mục tiêu tham vọng và mang tính chuyển đổi cao hơn VnSAT, ông Ahmed Eiweida đề xuất một số vấn đề đối với Dự án Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp carbon thấp.

Theo đó,  WB và Bộ Nông nghiệp cần xây dựng khung chương trình mang tính tổng hợp, bao trùm để tối ưu những tác động lên người dân. Đồng thời, cần liên kết những chương trình sẵn có của Chính phủ Việt Nam trong phạm vi 6-8 địa phương với khuôn khổ dự án.

 

"Dự án Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp kéo dài 6 năm, chúng ta không thể nghĩ đơn thuần, chuỗi giá trị nông nghiệp carbon thấp chỉ nằm ở giảm phát thải khí nhà kính trong thâm canh cây trồng, hay chăn nuôi đại gia súc, mà còn cần phát triển các dịch vụ lưu trữ các bon, đồng thời nâng cao nhận thức để địa phương chủ động, sẵn sàng triển khai dự án”.

Ông Doanh Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Khuyến cáo về Dự án Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp carbon thấp, bà Bà Dina Umali Deininger, cho rằng nguồn vốn từ WB tuy lớn, nhưng chưa đủ để giải quyết giảm phát thải các bon trong nông nghiệp Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần tranh thủ các nguồn tài trợ không hoàn lại từ các tổ chức quốc tế, chẳng hạn Quỹ Môi trường toàn cầu.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh Lê Quốc Doanh thông tin, sau COP 26, dư luận và nhiều tổ chức hỗ trợ nước ngoài đã bày tỏ quan tâm và tìm đến Việt Nam. Do đó, yêu cầu các đơn vị phải phân chia cụ thể hơn nữa cho từng lĩnh vực, từ hợp phần thực hiện cho đến các mục tiêu, cách triển khai, và tổ chức thực hiện.

Mặt khác, lưu ý các đơn vị khi triển khai dự án Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp carbon thấp, phải bám sát vào Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 vừa được Thủ tướng phê duyệt.

“Đây là yếu tố quan trọng trong công tác định hướng sản xuất, khi Việt Nam chuyển nhanh, chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, thực hành nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh trên cơ sở gia tăng hàm lượng công nghệ, cũng như các biện pháp canh tác mới”,  Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.