10:40 15/11/2022

Triển khai nhanh thoả thuận hợp tác lao động giữa Việt Nam - Campuchia

Nhật Dương

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia đều nhất trí đẩy nhanh triển khai cụ thể hoá các ký kết hợp tác giữa hai Bộ, đặc biệt thỏa thuận hợp tác về lao động...

Hội đàm giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia. Ảnh - MOLISA.
Hội đàm giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia. Ảnh - MOLISA.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh yêu cầu này trong chuyến thăm và và làm việc với Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia.

Tại hội đàm giữa hai bên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, trong hai năm 2020-2021, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các nghị quyết an sinh xã hội hỗ trợ  87.000 tỷ đồng cho gần 56 triệu lượt người dân, người lao động và trên 730.000 lượt người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

“Đó là những quyết định chưa có tiền lệ. Các chính sách của chúng tôi được ban hành mang tính nhân văn cao, hướng đến việc hỗ trợ phục hồi nền kinh tế và chia sẻ khó khăn của người lao động và doanh nghiệp, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào những quyết tâm, nỗ lực, cố gắng của Chính phủ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Cũng tại hội đàm, hai Bộ trưởng cùng trao đổi về việc hợp tác giữa hai Bộ nhằm hiện thực hoá thoả thuận hợp tác vừa ký kết trên các lĩnh vực lao động - việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội, phòng, chống lao động cưỡng bức và buôn bán người….

Cùng quan tâm tới vấn đề lao động vùng biên giữa hai quốc gia, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia Ith Samheng nhất trí tăng cường hợp tác quản lý vấn đề di cư giữa hai nước, thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình lao động của mỗi nước đang làm việc trên lãnh thổ của nước kia, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho những lao động đã được cấp giấy phép lao động được tiếp tục làm việc, sinh sống hợp pháp trên lãnh thổ hai nước.

Theo Bộ trưởng Ith Samheng, Việt Nam và Campuchia luôn phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý lao động Campuchia tại Việt Nam cũng như lao động Việt Nam tại Campuchia, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của lao động hai nước, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài và có diễn biến phức tạp.

Từ năm 2017 đến nay, thực hiện thoả thuận hợp tác giữa hai bên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam đã hỗ trợ Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia trên nhiều lĩnh vực rất có hiệu quả.

Năm 2019, Việt Nam thực hiện dự án thí điểm tham chiếu, trình độ hàn với Lào, Thái Lan và Campuchia. Trong hai năm 2020-2021, Việt Nam và Campuchia cùng tham gia dự án xây dựng năng lực cho việc thực hiện Khung trình độ quốc gia và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp cho nhóm nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam do Ban Thư ký ASEAN chủ trì.

Từ năm 2017, Việt Nam chủ trì xây dựng Đề án hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Hiện nay, Đề án đã được hoàn thiện trên cơ sở ý kiến các bộ, ngành và địa phương và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Nhằm thúc đẩy thoả thuận hợp tác giữa hai Bộ, Bộ trưởng Ith Samheng đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung quan tâm chỉ đạo các đơn vị của Bộ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia trong lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như giáo dục nghề nghiệp, an sinh xã hội, an toàn vệ sinh lao động, thanh tra lao động…

Trước đó, hôm 9/11, Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực lao động cũng đã được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia Ith Samheng ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm Vương quốc Campuchia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Theo biên bản ghi nhớ, hai bên thống nhất hướng tới khuyến khích hợp tác kỹ thuật giữa hai nước trong lĩnh vực lao động, bao gồm trao đổi về các hệ thống, nghiên cứu về lao động, việc làm và đào tạo nghề cũng như quản lý lao động. Hai bên cũng khuyến khích việc trao đổi đoàn cán bộ và chuyên gia; quản lý vấn đề di cư vì việc làm giữa các nước; trao đổi thông tin để phòng ngừa việc tuyển dụng và thuê lao động bất hợp pháp cũng như phòng, chống bóc lột lao động và buôn bán người.

Bên cạnh đó, hai Bộ cũng sẽ hợp tác về phát triển kỹ năng, chia sẻ kiến ​​thức và kỹ thuật để nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực và tăng năng suất lao động…

Phía Campuchia cũng xem xét yêu cầu của phía Việt Nam trong việc tăng tỷ lệ lao động Việt Nam trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư Việt Nam tại Campuchia trong trường hợp không thể tuyển dụng được lao động trong nước…