06:02 24/08/2022

Triển vọng nào cho ngành ngân hàng nửa cuối năm 2022?

Thuỷ Tiên

Tỷ lệ nợ hình thành xấu thấp, thu nhập ngoài lãi phục hồi và việc kiểm soát tốt chi phí rủi ro tín dụng sẽ các các động lực cho sự phát triển ổn định của ngành ngân hàng nửa cuối năm 2022...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Nửa đầu năm 2022, ngành ngân hàng tiếp tục ghi nhận những điểm sáng trong kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, trong nửa còn lại của năm, một số động lực tăng trưởng dần trở nên bất định.

NHÓM NGÂN HÀNG TƯ NHÂN MẤT ĐI LỢI THẾ

Trong nhiều năm trở lại đây, hạn mức tăng trưởng tín dụng là một trong những động lực chính của nhóm ngân hàng tư nhân. Thế nhưng, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lại cho rằng, hiện động lực này đang tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh và là ẩn số khi định hướng chính sách không cụ thể.

Giải thích cho nhận định trên, nhóm nghiên cứu tại VDSC cho hay, dù Ngân hàng Nhà nước cam kết tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức 14% nhưng vẫn chưa chắc chắn về quy mô, tần suất và thời điểm cấp hạn mức và phân bổ giữa các ngân hàng. Do đó, việc thay đổi chính sách tín dụng có thể dẫn đến mức tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng không lệch nhiều, lấy đi lợi thế tăng trưởng của một số ngân hàng tư nhân.

Bên cạnh đó, việc tăng lãi suất là điều không thể tránh khỏi trong thời gian tới. Chuyên gia của VDSC kỳ vọng làn sóng tăng lãi suất sẽ còn trong vài năm tới nhưng tốc độ sẽ chậm. Hành vi người gửi tiền đã thay đổi tại các ngân hàng số hóa và hệ sinh thái được kết nối tốt.

Cạnh tranh lãi suất có khả năng xảy ra ở các ngân hàng nhỏ hơn, gây áp lực lớn lên NIM do môi trường chi phí đang thay đổi. Kết hợp với cơ cấu kỳ hạn, nhóm ngân hàng nhà nước sẽ được hưởng lợi khi lãi suất huy động niêm yết cao hơn.

Triển vọng nào cho ngành ngân hàng nửa cuối năm 2022? - Ảnh 1

Ngoài ra, lãi suất tăng khiến vốn trở nên đắt hơn. Sự gia tăng biên của vốn huy động với chi phí cao đòi hỏi lợi nhuận điều chỉnh rủi ro cao hơn. Với các phân khúc rủi ro hơn có thể mang lại lợi nhuận không như mong muốn do chi phí huy động và chi phí vốn tăng, do đó yêu cầu phân bổ và quản lý vốn hiệu quả sẽ dẫn đến thay đổi chiến lược tại một số ngân hàng.

Lãi suất huy động cao hơn, tốc độ giải ngân đầu tư công và hiệu quả sử dụng vốn sẽ quyết định cơ cấu và khả năng tăng trưởng tiền gửi, có thể thu hẹp chênh lệch tăng trưởng tín dụng - huy động do hạn mức tăng trưởng tín dụng bị hạn chế.

ỔN ĐỊNH TRONG SỰ BẤT ĐỊNH

Theo VDSC, những diễn biến bất ngờ dẫn đến việc lưỡng lự cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng mới và phân bổ hạn mức giữa các ngân hàng đã ảnh hưởng tới dự báo động lực tăng trưởng năm 2022.

Song cũng theo VDSC, trong khi một số động lực tăng trưởng trở nên bất định do bối cảnh vĩ mô nhưng vẫn có những yếu tố đảm bảo sự phát triển ổn định của ngành.

Cụ thể, việc hạn chế trong tăng trưởng tín dụng đồng thời đặt ra yêu cầu quản lý chi phí rủi ro mang lại sự chắc chắn hơn. Bên cạnh đó, tìm kiếm tăng trưởng trong một môi trường chi phí cao hơn với những ràng buộc có thể thúc đẩy việc hướng đến chất lượng. Các ngân hàng sẽ phải cân bằng giữa tăng trưởng và hiệu quả tổng thể.

"Với danh mục của mình, chúng tôi kỳ vọng Techcombank sẽ vượt qua những khó khăn với việc phân bổ vốn hiệu quả trong khi MB sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ bộ đệm dự phòng. Cắt giảm chi phí rủi ro sẽ là quan điểm đầu tư chính trong nửa cuối năm", VDSC nêu quan điểm.

Triển vọng nào cho ngành ngân hàng nửa cuối năm 2022? - Ảnh 2

Về nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu hình thành được dự báo sẽ tăng trong nửa cuối năm và năm 2023 nhưng không đổi so với mức trước Covid-19, với nguyên nhân là nợ cơ cấu và sự bình thường hóa ở việc chuyển nhóm nợ xấu. Dư địa và khả năng tiếp tục giảm chi phí rủi ro tín dụng sẽ phân hóa.

Thêm vào đó, các ngân hàng quốc doanh và ngân hàng tư nhân lớn có lợi thế hơn nhờ bộ đệm dự phòng. VDSC kỳ vọng sự suy giảm tương đối của nợ cơ cấu, gây áp lực lên hình thành nợ xấu và xóa nợ. Tỷ lệ bao phủ có thể giảm ở các ngân hàng quốc doanh do dư nợ các doanh nghiệp lớn nhưng sức khỏe của bảng cân đối sẽ không bị ảnh hưởng tổng thể.

Tỷ lệ nợ xấu hình thành ròng tăng trở lại ở các ngân hàng quốc doanh nhưng giữ mức thấp ở các ngân hàng tư nhân lớn. Đường cong tỷ lệ hình thành nợ xấu cho thấy tín hiệu phục hồi tốt của khách hàng tại các ngân hàng lớn và tại khách hàng trung và cao cấp, tuy nhiên có xu hướng ngược lại từ mảng tài chính tiêu dùng do sự phục hồi chậm của KH thu nhập thấp.

Báo cáo của VDSC cho rằng thu nhập ngoài lãi cũng sẽ chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của đóng góp từ các công ty con cũng như tăng trưởng bền vững của bancassurance và tài trợ thương mại. Hạn mức tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ có những tác động trái chiều do độ nhạy khác nhau, NIM sẽ được hỗ trợ bởi nền so sánh, thúc đẩy động lượng thu nhập lãi thuần. Theo VDSC, do cải thiện chi phí rủi ro, ROA và ROE các ngân hàng sẽ tăng trong năm 2022.

P/B lịch sử và dự phóng của một số ngân hàng
P/B lịch sử và dự phóng của một số ngân hàng