14:33 03/04/2013

Triều Tiên cấm dân Hàn vào khu công nghiệp Kaesong

Thanh Hải

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon lo ngại tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có thể vượt tầm kiểm soát

Rào chắn được dựng bên ngoài khu công nghiệp Kaesong, biểu tượng cho sự hợp tác hai bên cùng có lợi giữa hai miền Triều Tiên - Ảnh: Eppoch.<br>
Rào chắn được dựng bên ngoài khu công nghiệp Kaesong, biểu tượng cho sự hợp tác hai bên cùng có lợi giữa hai miền Triều Tiên - Ảnh: Eppoch.<br>
Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, sáng nay (3/4), Triều Tiên đã cản trở người Hàn Quốc vào khu công nghiệp chung Keasong nằm bên trong lãnh thổ của Triều Tiên. Động thái này được xem là sẽ đẩy căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên lên một nấc cao mới.

Hàng trăm công nhân Hàn Quốc tới Kaesong đã bị ách lại, không được Triều Tiên cấp giấy phép ngày. “Triều Tiên thông báo với chúng tôi vào sáng nay rằng họ chỉ cho phép dân Hàn Quốc rời khỏi Kaesong và sẽ không cho phép đi vào khu công nghiệp”, hãng tin AFP dẫn lời Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc, ông Kim Hyung-suk cho biết.

Khu công nghiệp chung Kaesong được thành lập từ năm 2004. Đây là nguồn cung cấp ngoại tệ mạnh quan trọng cho Bình Nhưỡng và được xem là một biểu tượng cho sự hợp tác hai bên cùng có lợi giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Việc không cho người Hàn Quốc nhập cảnh vào làm việc tại đây cho thấy những căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên đã bị đẩy lên cao hơn.

Hôm qua (2/4), phát biểu trong cuộc họp báo ở Công quốc Andorra, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước tình trạng căng thẳng ngày càng leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Ông cho rằng tình hình tại khu vực này có thể "vượt ngoài tầm kiểm soát". Tổng thư ký Ban Ki-moon đã lên tiếng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế.

Theo ông Ban Ki-moon, đàm phán và đối thoại là con đường duy nhất hiện nay mà các bên cần hướng tới. Đồng thời, ông khẳng định với vai trò là Tổng thư ký Liên hiệp quốc, ông sẽ nỗ lực ngăn chặn chiến tranh, theo đuổi hòa bình. Tổng thư ký Ban Ki-moom cam kết sẵn sàng hỗ trợ những nỗ lực ngoại giao, ngăn chặn tình hình tiếp tục xấu đi trên bán đảo Triều Tiên.

Cũng trong ngày hôm qua, phát ngôn viên của Tổng cục Năng lượng nguyên tử của Triều Tiên cho biết, nước này đã quyết định khởi động lại hoạt động của cơ sở hạt nhân Yongbyon. Khu vực này vốn đã bị đóng cửa kể từ tháng 10/2007 theo một thỏa thuận được thông qua trên bàn đàm phán 6 bên (gồm Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên).

Theo phát ngôn viên này, Triều Tiên đã quyết định tái khởi động tất cả các cơ sở tại Yongbyon, bao gồm một nhà máy làm giàu urani và một lò phản ứng hạt nhân công suất 5 MW. Nhân vật này khẳng định, việc khôi phục cơ sở Yongbyon phù hợp với chính sách tăng cường lực lượng vũ trang hạt nhân cả về chất và lượng, đồng thời giải quyết tình trạng thiếu điện.

Tuy nhiên, giới quan sát quốc tế cho rằng, động thái trên của Bình Nhưỡng sẽ gây ra những phản ứng cho rằng, lò này sẽ bị cải tạo thành một cơ sở sản xuất urani được làm giàu đến mức độ có thể sản xuất vũ khí hạt nhân.

Trong một động thái khác, hôm qua, quân đội Mỹ đã điều thêm tàu khu trục tên lửa thứ hai đến bờ biển Hàn Quốc, nhằm ngăn chặn nguy cơ xung đột nổ ra trên bán đảo Triều Tiên. Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ George Little, tàu USS John McCain đã đến ngoài khơi bán đảo Triều Tiên. Tàu khu trục thứ hai là USS Decatur cũng đã đến vùng biển này.

Trong khi đó, kênh truyền hình Mỹ CNN ngày 1/4 dẫn lời một quan chức giấu tên của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết rằng, hải quân nước này đang di chuyển một hệ thống radar X-band tới vùng biển gần Triều Tiên, để giám sát các động thái quân sự của Bình Nhưỡng. Hệ thống radar này được đặt trên tàu nổi tự hành có hình dáng như một dàn khoan dầu trên biển.