Triều Tiên kêu gọi ông Trump tin tưởng trước thượng đỉnh Hà Nội
Triều Tiên kêu gọi Tổng thống Trump không nghe theo các nhà phê bình ở Mỹ tìm cách cản trở nỗ lực cải thiện quan hệ giữa hai nước
Triều Tiên ngày 24/2 kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump không nghe theo các nhà phê bình ở Mỹ tìm cách cản trở nỗ lực cải thiện quan hệ giữa hai nước. Lời kêu gọi được đưa ra khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un di chuyển bằng tàu bọc thép qua Trung Quốc để tới Việt Nam dự cuộc gặp thượng đỉnh với ông Trump.
Theo lịch trình, hai nhà lãnh đạo sẽ gặp tại Hà Nội vào ngày thứ Tư và thứ Năm tuần này, 8 tháng sau cuộc gặp lịch sử ở Singapore. Trong cuộc gặp đầu tiên giữa một Tổng thống Mỹ đương nhiệm và một nhà lãnh đạo Triều Tiên, ông Trump và ông Kim Jong Un đã cam kết sẽ tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, thỏa thuận không có nhiều chi tiết cụ thể ở Singapore đến nay gần như chưa đạt bước tiến thực thi nào, dẫn tới việc các nghị sỹ thuộc Đảng Dân chủ và một số quan chức an ninh Mỹ kêu gọi ông Trump không nên vội đi đến một thỏa thuận nữa với ông Kim Jong Un nếu thỏa thuận đó không có một lộ trình rõ ràng để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, hãng tin Reuters cho hay.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA nói rằng sự phản đối như vậy là nhằm làm trệch hướng cuộc đàm phán Mỹ-Triều.
"Nếu chính quyền Mỹ hiện nay nhìn thái độ người khác, nghe người khác nói, thì họ có thể đánh mất đi giấc mơ về sự cải thiện quan hệ với Triều Tiên và hòa bình thế giới, và mất đi một cơ hội lịch sử hiếm hoi", bài báo của KCNA có đoạn viết.
Chính quyền ông Trump vốn gây sức ép nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân có khả năng tấn công vào đại lục Mỹ. Washington thời gian qua luôn yêu cầu Bình Nhưỡng phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn thì mới được dỡ lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, trong mấy ngày gần đây, ông Trump đã phát tín hiệu cho thấy ông có thể mềm mỏng hơn với Bình Nhưỡng. Ông nói ông muốn có thể nới trừng phạt nếu Triều Tiên có bước tiến quan trọng về phi hạt nhân hóa. Ngoài ra, ông Trump cũng nói ông "không vội" và không có một lộ trình cấp bách nào cho việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên - cho thấy một phương pháp tiếp cận từ tốn và có đi có lại vốn là điều Bình Nhưỡng mong muốn.
Ngoài yêu cầu được nới, dỡ trừng phạt, Triều Tiên cũng muốn được Mỹ cam kết đảm bảo an ninh và một thỏa thuận chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, cuộc chiến mới khép lại bằng một thỏa thuận ngừng bắn thay vì một hiệp định hòa bình.
Trong một lá thư gửi ông Trump vào tuần trước, ba nhân vật cấp cao của Đảng Dân chủ trong Hạ viện Mỹ cáo buộc chính quyền ông Trump "ém" thông tin về các cuộc đàm phán với Triều Tiên. "Có nhiều lý do để nghi ngờ việc Chủ tịch Kim cam kết phi hạt nhân hóa", lá thư viết.
Tuy nhiên, ông Trump đã bác bỏ những chỉ trích nhằm vào cách ông xử lý vấn đề Triều Tiên. "Thật tức cười khi chứng kiến những người đã thất bại trong suốt nhiều năm, họ chẳng nhận được gì, nhưng lại khuyên tôi nên đàm phán ra sao với Triều Tiên. Dù sao cũng cảm ơn!" ông Trump viết trong một dòng trạng thái (tweet) trên mạng xã hội Twitter.
Trả lời chương trình "Fox News Sunday", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói Triều Tiên vẫn chưa có những bước tiến cụ thể trong vấn đề phi hạt nhân hóa, và hai nước có thể cần thêm một cuộc gặp thượng đỉnh nữa sau thượng đỉnh Hà Nội. Tuy nhiên, ông Pompeo cũng bày tỏ hy vọng hai bên đạt bước tiến quan trọng trong tuần này.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 24/2 xác nhận ông Kim Jong Un vào buổi chiều ngày thứ Bảy đã khởi hành từ Bình Nhưỡng trên một đoàn tàu bọc thép để tới Việt Nam gặp ông Trump. Tháp tùng nhà lãnh đạo trong chuyến đi này có một loạt quan chức cấp cao, gồm em gái của ông là bà Kim Yo Jong, ông Kim Yong Chol - phái viên cấp cao nhất của Triều Tiên trong đàm phán với Mỹ, trợ lý cấp cao Ri Su Yong, Ngoại trưởng Ri Yong Ho, và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng No Kwang Chol.
Một số quan chức cấp cao khác của Triều Tiên, bao gồm chánh thư ký Kim Chang Son và đặc phái viên Kim Hyok Chol đã có mặt tại Hà Nội để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh.