10:22 30/06/2008

Triều Tiên thực hiện cam kết giải trừ hạt nhân

Trung Việt

CHDCND Triều Tiên vừa phá huỷ tháp giải nhiệt lò phản ứng hạt nhân Yongbyon, đồng ý cho Mỹ thẩm tra các hoạt động hạt nhân

CHDCND Triều Tiên đã phá hủy tháp giải nhiệt của lò phản ứng hạt nhân Yongbyon - Ảnh: New York Times.
CHDCND Triều Tiên đã phá hủy tháp giải nhiệt của lò phản ứng hạt nhân Yongbyon - Ảnh: New York Times.
CHDCND Triều Tiên vừa phá huỷ tháp giải nhiệt lò phản ứng hạt nhân Yongbyon; đồng ý cho Mỹ thẩm tra các hoạt động hạt nhân, đổi lại, nước này sẽ nhận được viện trợ kinh tế, năng lượng và nhiều quyền lợi khác về chính trị, ngoại giao, an ninh...

Đây là một loạt động thái mang tính bước ngoặt, hướng tới phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, đang được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm và giám sát.

Những bước tiến quan trọng

Ngày 27/6, trước sự chứng kiến của đại diện các nước tham gia đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, CHDCND Triều Tiên đã phá hủy tháp giải nhiệt của lò phản ứng hạt nhân Yongbyon - một cơ sở hạt nhân chủ chốt của nước này. Triều Tiên coi hành động này là sự kiện tượng trưng cho cam kết giải trừ hạt nhân của mình. Cơ sở hạt nhân Yongbyon được coi là trọng tâm trong những nỗ lực ngoại giao của Mỹ nhằm mục đích "dập tắt" chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Ngày 27/6, Triều Tiên đã đồng ý trên nguyên tắc việc cho phép Mỹ thẩm tra không chỉ chương trình hạt nhân sử dụng nguyên liệu plutoni của họ, mà còn với cả các hoạt động hạt nhân bị nghi ngờ khác. Một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cho biết, các nước tham gia đàm phán sáu bên đang cân nhắc tiến hành một cuộc họp cấp trưởng đoàn tại Bắc Kinh vào ngày 30/6 hoặc 1/7, nhằm đưa ra một cơ chế kiểm tra toàn diện đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Ngày 28/6, Ngoại trưởng Mỹ C.Rice cũng đã đến Hàn Quốc để gặp Ngoại trưởng Hàn Quốc Yu Mung-hwan, thảo luận về việc thẩm tra bản kê khai các chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Trong một động thái tích cực, ngày 26/6, CHDCND Triều Tiên đã trao bản công bố các chương trình hạt nhân dài 60 trang cho Trung Quốc, nước chủ trì các cuộc đàm phán sáu bên.

Theo ông Vũ Đại Vĩ, Trưởng đoàn đàm phán sáu bên của Trung Quốc, bản công bố này mở đường cho việc dỡ bỏ những biện pháp cấm vận của Mỹ đối với Triều Tiên.

Chưa thể bình thường hoá quan hệ với Mỹ

Trước thái độ hợp tác tích cực của Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân, Tổng thống Mỹ Bush đã tuyên bố bãi bỏ các lệnh cấm vận áp dụng với Triều Tiên theo Luật cấm buôn bán với kẻ thù - một đạo luật ra đời từ năm 1950 ngăn cấm hoạt động giao thương với các quốc gia mà Mỹ coi là thù địch.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ra tuyên bố cho biết, Mỹ có thể đưa Bình Nhưỡng ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố vào tháng 8 tới, nếu Triều Tiên thực hiện đủ các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận sáu bên. Đây sẽ là bước ngoặt lớn trong chính sách của Mỹ đối với một quốc gia bị nước này liệt vào "trục ma quỷ". Theo luật pháp Mỹ, Nhà Trắng sẽ trình Quốc hội xem xét kế hoạch đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách trên trong 45 ngày. Nếu không có trở ngại gì, ngày 11/8, Mỹ có thể đưa CHDCND Triều Tiên ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố.

Nhìn chung, phía Mỹ hoan nghênh động thái tích cực trên của Triều Tiên, song vẫn tỏ ra thận trọng. Tổng thống Bush gọi đây là "bước đi quan trọng", nhưng nêu rõ, Triều Tiên "vẫn còn nhiều việc phải làm". Cộng đồng quốc tế vẫn cần tiếp tục duy trì sức ép đối với Bình Nhưỡng. Mỹ sẽ theo dõi sát sao Triều Tiên và sẵn sàng áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh hơn, nếu Triều Tiên không thực hiện đúng cam kết.

Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới là B.Obama và McCain đều cho rằng, cần tiếp tục áp dụng các biện pháp cấm vận cho tới khi việc thẩm tra được hoàn thành và Triều Tiên chứng minh được rõ ràng rằng chương trình hạt nhân của họ đã hoàn toàn bị vô hiệu hóa.

Ngoại trưởng Mỹ C. Rice cho rằng, việc Triều Tiên công bố báo cáo hạt nhân chưa đủ để Mỹ bắt đầu bình thường hóa quan hệ với nước này. Trên thực tế, mặc dù Mỹ tuyên bố nới lỏng cấm vận thương mại, song ngay cả khi Triều Tiên được loại khỏi danh sách nước tài trợ khủng bố, vẫn còn nhiều quy định cấm vận khác còn hiệu lực. Chẳng hạn, lệnh cấm không được viện trợ ngoài trợ giúp nhân đạo, cấm tiếp cận các hỗ trợ của ngân hàng phát triển đa phương, không được cấp tín dụng, cấm bán vũ khí, phong tỏa các tài sản của Triều Tiên...