Triều Tiên xác nhận phóng thử tên lửa đạn đạo mạnh nhất 5 năm
Đây là vụ thử nghiệm vũ khí mạnh nhất của Triều Tiên kể từ năm 2017 và là vụ thử tên lửa thứ 7 của nước này trong tháng 1...
Ngày 31/1, Triều Tiên xác nhận rằng ngày hôm qua đã phóng thử tên lửa đạn đạo tầm xa Hwasong-12 - cùng loại vũ khí mà nước này từng đe dọa nhằm vào lãnh thổ Guam của Mỹ 5 năm trước.
Đây là vụ thử nghiệm vũ khí mạnh nhất của Triều Tiên kể từ năm 2017, làm dấy lên lo ngại về việc quốc gia này có thể tiếp tục thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa sau vài năm tạm dừng.
“Cuộc thử nghiệm đánh giá tên lửa đạn đạo tầm xa Hwasong-12 đã được tiến hành ngày 30/1. Cuộc thử nghiệm này đã xác nhận tính chính xác, mức độ an toàn và hiệu quả của hệ thống vũ khí Hwasong-12 đang được Triều Tiên sản xuất”, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin.
Theo Reuters, vụ phóng tên lửa đạn đạo này được báo cáo đầu tiên bởi các cơ quan chức năng của Hàn Quốc và Nhật Bản trong ngày hôm qua (30/1). Đây là vụ thử nghiệm thứ 7 của Triều Tiên trong tháng này.
Phản ứng trước động thái này, Mỹ bày tỏ lo ngại rằng việc Triều Tiên liên tiếp thử nghiệm tên lửa có thể là tiền đề cho việc nối lại thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Washington sẽ có phản ứng "nhằm thể hiện cam kết của Mỹ với các đồng minh", một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết ngày 30/1.
“Đó không chỉ là những gì họ (Triều Tiên) đã tiến hành ngày hôm qua, mà thực tế là việc này đang diễn ra sau hàng loạt cuộc thử nghiệm của họ trong tháng này”, vị quan chức này nói, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng tham gia các cuộc đàm phán trực tiếp mà không có điều kiện tiên quyết.
Trong bối cảnh ngoại giao tích cực năm 2018, bao gồm các cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ khi đó – ông Donald Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho biết sẽ đình chỉ việc thử nghiệm vũ khí hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa nhất của nước này. Sau khi các cuộc đàm phán bị đình trệ trong năm 2019, ông Kim “quay xe” nói rằng không còn bị ràng buộc bởi việc đình chỉ đó nữa. Đầu tháng này, Bình Nhưỡng phát đi tín hiệu cho thấy nước này có thể tái khởi động các hoạt động thử nghiệm tên lửa bởi vì Mỹ và các nước đồng minh không có dấu hiệu về việc sẽ từ bỏ "chính sách thù địch" của mình.
Không rõ các tên lửa đạn đạo tầm xa như Hwasong-12 có nằm trong tuyên bố đình chỉ thử nghiệm của ông Kim vào năm 2018 hay không, nhưng kể từ năm 2017, không có tên lửa nào thuộc loại này được thử nghiệm.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mới đây nói rằng các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo gần đây của Triều Tiên gợi nhớ lại những căng thẳng leo thang vào năm 2017, khi Bình Nhưỡng tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm, trong đó có các tên lửa lớn nhất của nước này, và vấp phải “lửa và cuồng nộ” từ phía chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Trong thông báo xác nhận cuộc thử nghiệm tên lửa, KCNA không đề cập tới Mỹ. Đầu tháng này, các quan chức Triều Tiên cho biết các cuộc thử nghiệm tên lửa của nước này là nhằm mục đích tự vệ và không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào.
Trước thềm năm mới 2022, ông Kim Jong-un khẳng định sẽ tăng cường khả năng quân sự của Triều Tiên khi đối mặt với những bất ổn quốc tế do "chính sách thù địch" của Mỹ cùng các nước đồng minh gây ra.
Triều Tiên trước đó cho biết tên lửa Hwasong-12 có thể mang theo một "đầu đạn hạt nhân hạng nặng cỡ lớn" và theo ước tính của các nhà phân tích, nó có thể phóng xa tới 4.500 km.
Vào tháng 8/2017, chỉ vài giờ sau khi ông Trump nói với Triều Tiên rằng bất kỳ đe dọa nào với Mỹ sẽ phải đối mặt với “lửa và cuồng nộ”, chỉ huy Lực lượng Chiến lược Triều Tiên cho biết nước này đang "xem xét nghiêm túc một kế hoạch bao vây", trong đó có việc phóng 4 tên lửa Hwasong-12 về phía Guam. Năm đó, Bình Nhưỡng đã tiến hành thử nghiệm tên lửa Hwasong-12 ít nhất 6 lần, trong đó có hai lần phóng về phía đảo Hokkaido ở miền Bắc Nhật Bản.
KCNA cho biết vụ phóng tên lửa hôm qua được thực hiện bằng cách sử dụng "góc phóng cao nhất" để đảm bảo an toàn cho các quốc gia láng giềng và đầu đạn được gắn một camera để chụp ảnh khi nó bay trên không gian. Hãng thông tấn này cũng công bố những hình ảnh ngoài không gian của Triều Tiên và các khu vực lân cận qua camera gắn trên đầu đạn. Đây là lần đầu tiên Triều Tiên chụp những bức ảnh như vậy kể từ năm 2017.