10:56 21/04/2008

Trở lại mua vàng cất giữ?

Dù chưa hình thành xu hướng nhưng các ngân hàng đang lo ngại sức ép của lạm phát khiến một bộ phận người dân mua vàng để cất giữ

Lãi suất huy động vàng đang tăng dần  - Ảnh: T.T.D.
Lãi suất huy động vàng đang tăng dần - Ảnh: T.T.D.
Lượng tiền gửi ở các ngân hàng tại Tp.HCM giảm hàng ngàn tỉ đồng, tiền gửi tiết kiệm cũng giảm và giảm nhiều ở khối ngân hàng thương mại Nhà nước. Trong khi đó, những tháng đầu năm các đơn vị đã chi ra khoảng 1,5 tỉ USD (khoảng 24.000 tỉ đồng) để nhập vàng.

Dù chưa hình thành xu hướng nhưng các ngân hàng đang lo ngại trước sức ép của lạm phát, một bộ phận người dân quay lại mua vàng để cất giữ.

Lãi suất gửi vàng đã hấp dẫn hơn

Cuối tuần qua, ngân hàng Việt Á đã tăng lãi suất huy động vàng lên mức khá cao: 4%/năm với kỳ hạn 12 tháng và 4,5%/năm với 18 tháng, lượng khách hàng đến gửi tiết kiệm vàng tại ngân hàng này tăng mạnh. Mặc dù là ngày cuối tuần nhưng chị Trần Thị Hảo (Q.3) vẫn kiên nhẫn đợi đến lượt mình để gửi tiết kiệm vàng. Chị Hảo cho biết năm ngoái có mua vàng cất ở nhà, tính ra lời 30% nhờ vàng tăng giá.

Vừa rồi giá vàng giảm nhẹ, chị mua thêm một ít và đem tất cả đi gửi ngân hàng. Mức lãi suất 4%/năm là chấp nhận được vì lãi suất USD chỉ khoảng 5,5%/năm nhưng tỉ giá không tăng như giá vàng. Theo chị Hảo, giá vàng ở mức 900 USD/ounce như hiện nay thì gửi tiết kiệm vàng vẫn hấp dẫn vì nhiều chuyên gia tính toán giá vàng còn tăng, cộng với 4% lãi suất, mua vàng gửi tiết kiệm vẫn chấp nhận được. lãi suất huy động vàng của các năm trước dưới 1%/năm, sau tăng lên 2%/năm, nếu có đem vàng gửi ngân hàng thực chất chỉ là nhờ ngân hàng giữ hộ vàng.

Còn hiện nay, với mức lãi suất 4-4,5%/năm, gần bằng lãi suất USD và bằng 1/3 lãi suất huy động VND, gửi vàng đã trở nên hấp dẫn hơn.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần thừa nhận lượng tiền gửi tiết kiệm có giảm đi do một phần đã chuyển thành vàng. Thu hút nguồn vốn này thay vì để người dân mang vàng về nhà cất giữ, các ngân hàng đã linh hoạt với nhiều hình thức huy động vốn vàng. Một số ngân hàng cũng đã tung ra chương trình tiền gửi VND được đảm bảo bằng vàng.

Cần biết khi gửi tiết kiệm vàng

Một cán bộ phòng vàng của ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết khách hàng cá nhân có nhu cầu tích lũy và cất giữ vàng thường chọn những kỳ hạn gửi dài, dạng như nhờ ngân hàng giữ hộ tài sản.

Với những khách hàng có xu hướng kinh doanh thì gửi ngắn hơn để có thể rút ra bán khi giá vàng lên cao. Tại ngân hàng Á Châu, người có 2 chỉ vàng cũng có thể gửi tiết kiệm trong khi ở nhiều ngân hàng khác phải là một lượng trở lên.

Do đặc thù của vốn vàng nên trong thể lệ gửi vàng, các ngân hàng không cho rút vàng trước hạn. Tuy nhiên, người gửi có thể rút trước hạn bằng cách vay lại thông qua hình thức cầm cố sổ tiết kiệm vàng. Khi gửi vàng, người gửi nên hỏi hoặc xem thể lệ gửi để biết chắc chắn ngân hàng có cho vay thông qua cầm cố sổ gửi vàng.

Tại ngân hàng Á Châu, khách có thể vay cầm cố sổ tiết kiệm với hạn mức tối đa 90% giá trị của sổ, lãi suất 6%/năm. Khách hàng có thể trả lãi bằng vàng hoặc tiền đồng qui đổi sang vàng.

Eximbank cho vay tối đa 84% giá trị của sổ tiết kiệm và lãi suất 6,2%/năm. Tuy nhiên, Eximbank thường chỉ cho vay không quá 14 ngày. Mức lãi suất cho vay cao hay thấp còn tùy thuộc mức lãi suất huy động vàng của từng ngân hàng.

Ai dám vay vàng?

Lãi suất vay vàng tuy thấp hơn nhiều so với VND nhưng nhiều người ngại vay vàng vì biến động giá. Giá vàng chỉ tăng khoảng 10% là người vay đã bị lỗ vì khi đó tính ra lãi vay vàng cao hơn cả vay bằng VND.

Theo một cán bộ phòng quĩ của ngân hàng Á Châu, thường xuyên vay vàng là những người kinh doanh bất động sản có nguồn thu bằng vàng và người kinh doanh vàng. Cũng có một số lượng không nhỏ khách hàng cá nhân vay vàng để mua nhà.

Hiện nay để bảo hiểm rủi ro cho khách hàng vay vàng trong trường hợp giá vàng tăng, ngân hàng có công cụ bảo hiểm như quyền lựa chọn (option) vàng. Tùy theo thời hạn vay, khách hàng sẽ mua quyền chọn mua. Nhưng thực tế đến nay sản phẩm này vẫn ít được người dùng.

Theo một phó tổng giám đốc Eximbank, hiện nay phí nghiệp vụ này còn cao vì để bán quyền lựa chọn cho khách hàng, ngân hàng phải mua đối ứng ở nước ngoài với số lượng tối thiểu khoảng 800 lượng. Trong khi phần lớn khách hàng cá nhân giao dịch vàng cao nhất cũng chỉ 300-500 lượng.

Do vậy, chỉ có những khách hàng vay số lượng lớn mới có được cơ hội bảo hiểm rủi ro qua công cụ option. Cũng có một vài ngân hàng bán option cho khách hàng từ 50 -100 lượng, nhưng phải cộng nhiều khách hàng cho đủ số 800 lượng để mua đối ứng ở nước ngoài.

Người vay cũng có thể sử dụng nghiệp vụ mua bán vàng kỳ hạn của các ngân hàng để tránh rủi ro. Ví dụ, khi vay 100 lượng vàng với thời hạn ba tháng, nếu lo ngại trong ba tháng tới giá vàng lên thì người vay có thể ký hợp đồng với ngân hàng mua kỳ hạn vàng theo giá chốt hiện tại. Để sau ba tháng chắc chắn người vay được mua 100 lượng vàng với giá thời điểm vay vốn.

Tuy nhiên, nghiệp vụ này cũng có bất lợi vì người vay không thể từ chối mua như nghiệp vụ option trong trường hợp dự đoán sai, giá vàng không tăng mà lại giảm nhiều so với giá thời điểm vay...