17:16 14/08/2023

Trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam vay nợ nước ngoài trên 530 triệu USD

Trâm Anh

Việc ký kết thành công 3 hiệp định vay Chính phủ Nhật Bản với tổng giá trị hơn 430 triệu USD trong tháng 7 đã đưa tổng trị giá vay vốn nước ngoài trong 7 tháng đầu năm 2023 lên trên 530 triệu USD...

7 tháng của năm 2023, Chính phủ thực hiện ký kết 6 hiệp định vay nước ngoài với IFAD, Hàn Quốc và Nhật Bản.
7 tháng của năm 2023, Chính phủ thực hiện ký kết 6 hiệp định vay nước ngoài với IFAD, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Thông tin từ Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), trong tháng 7/2023, Chính phủ thực hiện ký kết 3 hiệp định vay Chính phủ Nhật Bản với tổng giá trị 434,45 triệu USD.

Theo đó, khoản vay lớn nhất là thỏa thuận vay hỗ trợ ngân sách trị giá 50 tỷ Yên cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam hậu Covid-19. Đây là khoản vay thuộc chương trình ODA thế hệ mới được triển khai trên cơ sở cam kết của Thủ tướng Chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản với lãi suất ưu đãi nhất từ trước đến nay, theo cơ chế giải ngân nhanh, hòa đồng trực tiếp vào ngân sách nhà nước. Khoản vay này được triển khai với thủ tục nhanh chóng, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ hai nước cam kết cho đến khi hoàn thành ký thỏa thuận vay chỉ trong vòng 1 năm.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản cũng triển khai ký kết 2 thỏa thuận vay cho các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của hai tỉnh Bình Dương và Lâm Đồng.

Trong đó, khoản vay cho dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tại tỉnh Bình Dương trị giá 6,3 tỷ Yên được triển khai trong lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông thông qua việc phát triển hệ thống xe buýt nhanh kết nối giao thông giữa tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, tạo tiền đề để phát triển hệ thống giao thông định hướng dọc tuyến metro.

Còn khoản vay cho dự án cải thiện cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng (giai đoạn 1) trị giá 4,7 tỷ Yên có mục tiêu hỗ trợ cơ sở hạ tầng nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng với các tiểu dự án trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi và trung tâm giao dịch hoa.

Với 3 khoản vay được ký kết lần này, Nhật Bản tiếp tục là nhà tài trợ song phương lớn nhất của Việt Nam với tổng số vốn cam kết đến nay lên tới hơn 2.567 tỷ Yên, tương đương khoảng hơn 23 tỷ USD.

Các dự án vay vốn Nhật Bản có phạm vi đối tượng sử dụng vốn vay đa dạng như giao thông, năng lượng, y tế, giáo dục, ứng phó với biến đổi khí hậu... đã và đang đóng góp quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. 

 

Lũy kế 7 tháng của năm 2023, Chính phủ thực hiện ký kết 6 hiệp định vay nước ngoài với Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), Hàn Quốc và Nhật Bản với tổng trị giá ký kết khoảng 531,79 triệu USD.

Cũng theo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, trong tháng 7 thực hiện rút vốn vay nước ngoài của Chính phủ khoảng 898 tỷ đồng, trong đó, cấp phát khoảng 790 tỷ đồng và cho vay lại khoảng 108 tỷ đồng.

Lũy kế 7 tháng đầu năm, rút vốn vay nước ngoài khoảng 16.762 tỷ đồng (tương đương 711 triệu USD), đạt gần 18,4% kế hoạch; trong đó, cấp phát khoảng 12.216 tỷ đồng (tương đương 518,1 triệu USD), cho vay lại khoảng 4.546 tỷ (tương đương 192,9 triệu USD).

Tổng hợp trong tháng 7, tổng vay trong nước và nước ngoài của Chính phủ khoảng 24.877 tỷ đồng, trong đó, vay cho ngân sách trung ương khoảng 24.769 tỷ đồng, vay về cho vay lại khoảng 108 tỷ đồng.

Như vậy, lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, tổng vay trong nước và nước ngoài khoảng 235.479 tỷ đồng, bằng 36,5% kế hoạch, trong đó vay cho ngân sách trung ương khoảng 230.933 tỷ đồng, bằng 37,2% kế hoạch vay của ngân sách trung ương; vay về cho vay lại khoảng 4.546 tỷ đồng, đạt 19,4% kế hoạch vay lại.

Còn tổng trả nợ của Chính phủ khoảng 210.421 tỷ đồng, trong đó, trả nợ trực tiếp khoảng 193.979 tỷ đồng (64,3% kế hoạch), trả nợ cho vay lại khoảng 16.442 tỷ đồng (48,5% kế hoạch).

 

Theo Quyết định số 458/QĐ-TTg ngày 28/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ công năm 2023 và Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2023-2025, dự kiến huy động vốn vay năm 2023 là 644.409 tỷ đồng, vay bù đắp bội chi ngân sách trung ương 430.500 tỷ đồng, vay để trả nợ gốc ngân sách trung ương 190.515 tỷ đồng, vay về cho vay lại 23.394 tỷ đồng.

Trả nợ của Chính phủ khoảng 327.287 tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 293.405 tỷ đồng, trả nợ của các dự án cho vay lại khoảng 33.882 tỷ đồng.