08:10 13/10/2012

Trung Quốc có thể thiệt hại nặng vì tẩy chay xe Nhật

An Huy

Thiệt hại đang nghiêng về phía Nhật, nhưng rốt cục, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng có thể “lĩnh đủ”

Người biểu tình Trung Quốc lật ngửa và đập phá một chiếc xe Honda CR-V trên đường phố Thâm Quyến hồi tháng 9 vừa qua.<br>
Người biểu tình Trung Quốc lật ngửa và đập phá một chiếc xe Honda CR-V trên đường phố Thâm Quyến hồi tháng 9 vừa qua.<br>
Người tiêu dùng Trung Quốc đang tẩy chay mạnh mẽ xe Nhật do căng thẳng giữa hai nước xung quanh chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/ Senkaku. Thiệt hại đang nghiêng về phía Nhật, nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc cũng có thể “lĩnh đủ”.

Theo trang CNNMoney, doanh số xe hơi của các nhà sản xuất Nhật Bản tại thị trường Trung Quốc đồng loạt giảm từ 35 - 50% trong tháng 9. Tất cả các hãng từ Toyota, Honda và Nissan cho tới Mazda và Mitsubishi đều ngậm ngùi chứng kiến doanh số lao dốc tại thị trường xe hơi lớn nhất thế giới, trong khi doanh số của các hãng xe Âu-Mỹ tại đây tiếp tục tăng mạnh.

Nhưng hầu hết xe hơi Nhật Bản tiêu thụ ở Trung Quốc cũng như linh kiện để lắp ráp nên những chiếc xe này đều được sản xuất bởi công nhân người Trung Quốc trong các nhà máy tại Trung Quốc. Khi quá trình lắp ráp hoàn tất, những chiếc xe đó được chuyển tới các cửa hàng xe thường là của chủ người Trung Quốc với các nhân viên bán hàng cũng là người Trung Quốc.

“Trên nhiều phương diện, doanh số xe Nhật giảm ở Trung Quốc thực sự khiến nhiều công ty Trung Quốc khốn khổ. Chắc chắn là Trung Quốc bị ảnh hưởng”, bà Janet Lewis, chuyên gia phân tích của công ty Macquarie Capital Securities ở Hồng Kông, nhận định.

Việc xác định cấp độ ảnh hưởng của trào lưu tẩy chay xe Nhật đối với các công ty Trung Quốc không phải là một công việc dễ dàng, theo CNNMoney. Đợt báo cáo tài chính hàng quý tiếp theo có thể phản ánh rõ nét hơn vấn đề này. Nhưng từ nay đến lúc đó, thì những mức doanh số đáng thất vọng của các nhà sản xuất xe đến từ đất nước mặt trời mọc có thể là bằng chứng rõ nét nhất về “nỗi đau” mà các công ty Trung Quốc có liên quan phải hứng chịu.

Bà Lewis cho rằng, tác động từ sự suy giảm doanh số của xe Nhật có thể được cảm nhận trong toàn bộ chuỗi phân phối của Trung Quốc, nhưng không phải mắt xích nào trong dây chuyền này cũng chịu tác động giống nhau. Những nhà máy sản xuất ôtô quy mô lớn có nguồn vốn nhà nước sẽ chống chọi tốt hơn những công ty cung cấp phụ tùng hoặc cửa hàng xe hơi vốn chỉ dựa vào nguồn vốn của tư nhân.

Theo ông John Zeng, Giám đốc công ty tư vấn ngành công nghiệp ôtô LMC Automotive ở Thượng Hải, nhận định, các nhà phân phối xe hơi có khả năng sẽ chịu tác động mạnh nhất. “Các nhà phân phối xe hơi đã chịu nhiều thiệt thòi ở các thành phố lớn. Trong nhiều trường hợp, họ đã phải trả tiền cho những chiếc xe có ở chỗ họ. Và nếu không bán được xe đó, chính họ mất tiền chứ không phải Toyota hay là Honda”, ông Zeng phát biểu.

Xe hơi là một trong những mặt hàng xuất khẩu nổi trội nhất của Nhật Bản và đã trở thành mục tiêu tẩy chay của người biểu tình Trung Quốc. Những chiếc xe Nhật đã bị tấn công trong nhiều cuộc biểu tình diễn ra ở Trung Quốc vừa qua. Các cuộc biểu tình đến nay đã lắng xuống, nhưng xe Nhật vẫn bán chậm ở Trung Quốc.

Các nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân của sự suy giảm doanh số xe Nhật ở Trung Quốc có thể nằm ở tinh thần dân tộc của người dân nước này. Tuy nhiên, nỗi lo bị đập phá tài sản nếu sắm một chiếc xe Nhật cũng có thể khiến nhiều người Trung Quốc ngần ngại. Tình trạng này còn kéo dài bao lâu là một câu hỏi mở, và sẽ phụ thuộc nhiều nhất vào vấn đề chính trị.

“Doanh số xe Nhật đã sụt mạnh tại Trung Quốc ngay sau đợt biểu tình rầm rộ. Tôi cho rằng, xu hướng này còn tiếp tục ít nhất trong tháng 10 này”, bà Lewis dự báo.

Tranh chấp biển đảo Trung-Nhật được cho là sẽ gây ra những tác động lớn về kinh tế. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật. Năm ngoái, gần 20% hàng xuất khẩu của Nhật là sang Trung Quốc đại lục, so với 15,3% sang Mỹ - theo số liệu từ Tổ chức Ngoại thương Nhật.

Cũng trong năm 2011, có tới 6,3 tỷ USD vốn FDI từ Nhật đổ vào Trung Quốc, nâng tổng số vốn FDI của nước này từ năm 1996 tới nay lên mức 69 tỷ USD. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ đầu tư 560 triệu USD vào Nhật trong năm 2011.

“Nếu tình hình tiếp tục diễn biến như hiện nay, thì nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ chịu tác động xấu trong dài hạn”, ông Zeng nói.