“Trung Quốc đã vạch sẵn kế hoạch dùng đất hiếm trả đũa Mỹ”
Theo nguồn thạo tin, kế hoạch này có thể được triển khai ngay lập tức một khi có quyết định của Chính phủ Trung Quốc
Chính phủ Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng một kế hoạch hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ để có thể triển khai ngay trong trường hợp cần thiết - nguồn thạo tin tiết lộ với Bloomberg.
Thông tin này được hé lộ khi Washington và Bắc Kinh cùng thể hiện lập trường cứng rắn, không bên nào nhượng bộ bên nào trong cuộc chiến thương mại song phương căng thẳng.
Nguồn tin nói Bắc Kinh đã vạch sẵn các bước đi cho việc sử dụng vị thế thống trị của Trung Quốc trên thị trường đất hiếm toàn cầu nhằm gây tổn hại kinh tế cho Mỹ. Kế hoạch tập trung vào các loại đất hiếm nặng - một nhóm những khoáng sản đất hiếm mà Mỹ có mức độ phụ thuộc đặc biệt lớn vào Trung Quốc.
Kế hoạch này có thể được triển khai ngay lập tức một khi có quyết định của Chính phủ Trung Quốc, nguồn tin nói và không cho biết thêm chi tiết.
Mấy ngày gần đây, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã có loạt bài cảnh báo khả năng nước này dùng đất hiếm làm "vũ khí" chiến tranh thương mại.
Theo số liệu của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), Trung Quốc sở hữu khoảng 37% trữ lượng đất hiếm của thế giới, và chiếm khoảng 80% sản lượng đất hiếm toàn cầu. Có những loại đất hiếm mà Trung Quốc chiếm tới 95% sản lượng toàn cầu, đặc biệt là những loại đất hiếm đã qua chế biến. Từ năm 2004-2017, Trung Quốc là nguồn cung cấp 80% lượng đất hiếm mà Mỹ nhập khẩu.
"Hiện tại, việc Trung Quốc cấm hoặc hạn chế xuất khẩu đất hiếm mới chỉ là khả năng. Nhưng nếu điều đó thực sự xảy ra, thì giá đất hiếm sẽ tăng chóng mặt", nhà nghiên cứu Racket Hu thuộc Shanghai Metals Markets phát biểu.
Giá cổ phiếu các công ty đất hiếm tiếp tục tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu. Trong đó, cổ phiếu China Northern Rare Earth Group High-Tech Co. niêm yết tại thị trường Trung Quốc đại lục tăng 5,9%, đạt mức cao nhất trong 1 năm. Cổ phiếu China Minmetals Rare Earth Co. tăng 4,4%. Cổ phiếu Lynas niêm yết tại thị trường Sydney nâng tổng mức tăng từ đầu tháng lên 51%.
Một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs nhận định rằng bất kỳ động thái nào của Trung Quốc dùng đất hiếm để trả đũa Mỹ cũng sẽ làm gia tăng cuộc đối đầu, gây sóng gió mới trên thị trường tài chính và đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ảnh hưởng của bất kỳ sự hạn chế nào cũng sẽ là rất lớn, và là một dấu hiệu rõ ràng về căng thẳng leo thang.
Trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng nói Bắc Kinh sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia, và không thể chấp nhận việc nguồn cung đất hiếm của mình được sử dụng để "bóp nghẹt sự phát triển của Trung Quốc". Tuy nhiên, ông Gao nói Trung Quốc sẵn sàng "đáp ứng nhu cầu chính đáng" về đất hiếm của phần còn lại của thế giới.
Đất hiếm là một nhóm gồm 17 khoáng sản khác nhau, được sử dụng với hàm lượng thấp nhưng không thể thiếu trong nhiều sản phẩm công nghệ cao, từ điện thoại thông minh (smartphone) như iPhone, cho tới động cơ xe hơi chạy điện, động cơ máy bay phản lực, thiết bị vệ tinh, máy phát tia laser…
Về đất hiếm nặng, chuyên gia Hu nói rằng "Trung Quốc chắc chắn thống lĩnh về nguồn cung, và nếu Trung Quốc cấm xuất khẩu những khoáng sản này, tôi không cho rằng Mỹ có thể tìm được nguồn cung tay thế".
Dysprosium được xem là một trong những loại đất hiếm có tầm quan trọng cao hơn vì được sử dụng để sản xuất nam châm vĩnh cửu. Theo đánh giá của Technology Metals Research LLC, nếu Trung Quốc ban lệnh cấm xuất khẩu các loại đất hiếm dùng cho nam châm như dysprosium, thì ảnh hưởng đối với nền kinh tế Mỹ sẽ là rất nghiêm trọng.
Trung Quốc hiện nắm 95% nguồn cung đất hiếm dysprosium.