16:32 13/09/2021

Trung Quốc: Doanh nghiệp vay nợ nhiều khốn đốn vì chiến lược “Zero Covid”

Bình Minh

Chiến lược triệt tiêu Covid của Trung Quốc đã chứng tỏ hiệu quả trong việc kiểm soát lây nhiễm, nhưng cũng đồng thời khiến doanh nghiệp lao đao...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Chiến lược triệt tiêu Covid (Zero Covid) của Trung Quốc có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng nợ nần của doanh nghiệp nước này, trong đó có nhiều công ty đã rơi vào căng thẳng tài chính - tổ chức đánh giá tín nhiệm S&P Global Ratings cảnh báo.

Trong một báo cáo mới đây, S&P nói rằng tốc độ lây lan nhanh của Covid trên phạm vi toàn cầu và chiến lược nhằm đảm bảo không có ca nhiễm của Trung Quốc có thể đặt ra sức ép ngày càng lớn đối với doanh nghiệp nước này nếu những đợt bùng dịch tiếp tục dẫn tới hạn chế đi lại và những gián đoạn khác trên diện rộng.

“Đợt bùng dịch mới nhất ở Trung Quốc diễn ra vào một thời điểm khi rủi ro gia tăng đối với doanh nghiệp nước này”, hãng tin CNBC dẫn báo cáo nói trên.

“Đòn bẩy nợ gia tăng, dòng tiền yếu đi, thanh khoản thắt chặt, và các điều kiện tài chính biến động đang đồng thời ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Và tất cả những điều này xảy ra trong bối cảnh những sự kiện căng thẳng và động thái tăng cường quy chế giám sát chưa từng có tiền lệ”.

Trung Quốc mới trải qua một đợt bùng dịch trong tháng 7 và tháng 8, với hơn 110 ca nhiễm bình quân mỗi ngày ở giai đoạn cao điểm, mức cao nhất kể từ con số hơn 120 ca nhiễm mỗi ngày hồi tháng 1 năm nay. Trước đợt dịch này, mỗi ngày Trung Quốc chỉ ghi nhận vài ca nhiễm.

Dù số ca nhiễm là thấp nếu so với ở các nền kinh tế lớn khác, Trung Quốc vẫn thể hiện quyết tâm triệt tiêu Covid trong bất kỳ đợt bùng dịch nào.

Trong tháng 8, một bến tàu ở cảng Nin Ba-Chu San, cảng container đông đúc thứ ba thế giới, bị đóng cửa sau khi có một công nhân dương tính với Covid. Đầu tháng 6, dịch bùng phát cũng khiến cảng biển ở Thẩm Quyến và Quảng Châu bị gián đoạn, đánh dấu lần đầu tiên khiến Trung Quốc tạm dừng hoạt động cảng vì Covid.

Để ứng phó với đợt bùng dịch gần nhất, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai một loạt biện pháp mạnh tay, bao gồm xét nghiệm đại trà tại một số thành phố, kiểm soát ra-vào thủ đô Bắc Kinh, dừng các hoạt động vui chơi giải trí, cùng nhiều hạn chế khác.

S&P cho rằng những biện pháp như vậy là hiệu quả trong việc giảm số ca nhiễm, nhưng đồng thời cũng cho thấy rằng chiến lược triệt tiêu ca nhiễm - dù với các biện pháp được triển khai cục bộ - đã dẫn tới gián đoạn trên diện rộng.

“Việc kiểm soát các đợt dịch trở đi trở lại bằng chiến lược Zero Covid làm gia tăng gánh nặng đối với doanh nghiệp ở Trung Quốc, trong khi các công ty còn chưa thực sự hồi phục và đang trong tình trạng suy yếu về tín nhiệm”, báo cáo của S&P có đoạn.

Năm nay, rủi ro nợ nần đã gia tăng mạnh ở một số công ty vào hàng lớn nhất Trung Quốc.

Mọi diễn biến liên quan đến Evergrande, tập đoàn địa ốc nặng nợ nhất Trung Quốc, đang được theo dõi sát sao. Những tháng gần đây, Evergrande liên tục bị hạ điểm tín nhiệm do căng thẳng thanh khoản và rủi ro vỡ nợ gia tăng. Mới đây, Evergrande đã lên tiếng cảnh báo về khả năng vỡ nợ của tập đoàn.

Một cái tên khác phải kể đến là công ty quản lý nợ xấu lớn nhất Trung Quốc Huarong. Công ty này nợ nần chồng chất do đầu tư tràn lan và không thể công bố báo cáo tài chính đúng hạn vào đầu năm nay, khiến giới đầu tư bán tháo trái phiếu Huarong.

S&P nói rằng điểm tín nhiệm của các doanh nghiệp Trung Quốc có thể bị tiếp tục cắt giảm trong thời gian tới nếu các đợt bùng dịch tiếp tục xuất hiện ở nước này.

Tổ chức đánh giá tín nhiệm này chỉ ra những lĩnh vực có rủi ro bị hạ điểm tín nhiệm cao ở Trung Quốc, bao gồm ô tô, bất động sản, truyền thông và giải trí, cũng như các công cụ đầu tư của chính quyền địa phương.