Trung Quốc đòi Mỹ “sửa sai” mới tiếp tục đàm phán
Trung Quốc nói rằng Mỹ cần khắc phục “những hành động sai trái” thì cuộc đàm phán thương mại song phương mới có thể tiếp tục
Trung Quốc ngày 23/5 nói rằng Mỹ cần khắc phục "những hành động sai trái" thì cuộc đàm phán thương mại song phương mới có thể tiếp tục.
Cảnh báo này được Bắc Kinh đưa ra sau khi Washington trừng phạt tập đoàn công nghệ Huawei - một động thái gây ra những xáo trộn lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và khiến cổ phiếu công nghệ bị bán tháo.
"Nếu Mỹ muốn tiếp tục đàm phán thương mại, thì họ cần phải thể hiện lòng thành và sửa chữa những hành động sai trái của họ. Đàm phán chỉ có thể tiếp tục trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau", hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng nói trong một cuộc họp báo hàng tuần.
"Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ những diễn biến liên quan và chuẩn bị cho sự đáp trả cần thiết", ông Gao nói, nhưng không cho biết cụ thể hơn.
Trong khi đó, Mỹ tiếp tục gia tăng sức ép đối với Huawei. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC ngày 23/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng nhà sáng lập Huawei Nhiệm Chính Phi đã "nói sai" về mối quan hệ của công ty này với Chính phủ Trung Quốc.
"Tất cả đều là thông tin sai. Nói rằng họ không hợp tác với Chính phủ Trung Quốc là một tuyên bố không đúng. Theo luật của Trung Quốc, ông ấy phải làm việc đó. Tổng giám đốc Huawei không nói sự thật với người Mỹ cũng như với thế giới", ông Pompeo phát biểu.
Nhà ngoại giao cấp cao nhất của Mỹ cũng nói ông kỳ vọng sẽ có thêm nhiều công ty Mỹ cắt quan hệ với Huawei vì rủi ro từ việc làm ăn với công ty Trung Quốc này đang trở nên rõ ràng.
Hai công ty Panasonic và ARM đã tạm dừng việc cung cấp linh kiện cho Huawei, sau khi loạt hãng sản xuất con chip của Mỹ gồm Intel, Broadcom, Xilinx, và Qualcomm có động thái tương tự.
Trả lời phỏng vấn tạp chí tài chính Trung Quốc Caixin ngày thứ Năm, ông Nhiệm Chính Phi nói ông không cho rằng việc ARM cắt quan hệ với Huawei sẽ có ảnh hưởng đối với Huawei.
Ông cho biết Huawei có một thỏa thuận dài hạn với ARM, và cho rằng hãng chip Anh này dừng cung cấp với Huawei là bởi công ty mẹ của ARM là tập đoàn Nhật Bản SoftBank đang chờ Chính phủ Mỹ cho phép sáp nhập hai nhà mạng Sprint và T-Mobile. Sprint thuộc sở hữu của SoftBank.
Đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã ngưng trệ kể từ sau vòng đàm phán gần đây nhất diễn ra ở Washington hôm 10/5. Sau khi Mỹ tăng thuế quan trừng phạt từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế lên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump tiếp đó có động thái đưa chiến tranh thương mại lên một ngưỡng mới bằng cách tung ra các biện pháp nhằm "triệt hạ" Huawei - công ty toàn cầu nhất của Trung Quốc và đại diện cho sức mạnh công nghệ đang lên của nước này.
Những căng thẳng mới trong quan hệ Trung-Mỹ đang đặt ra nguy cơ chiến tranh thương mại kéo dài và trở thành một cuộc "chiến tranh lạnh" về kinh tế giữa hai siêu cường. Trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, cổ phiếu các công ty công nghệ ở khu vực châu Á và Mỹ, đặc biệt là những công ty đối tác của Huawei, đã bị bán tháo.