11:11 16/06/2011

Trung Quốc ghìm cương kinh tế: Đường còn xa

Hồng Ngọc

Mặc dù nỗ lực hạ nhiệt kinh tế của Trung Quốc bước đầu có tác dụng nhưng để đạt được mục tiêu thì còn nhiều khó khăn

Lạm phát Trung Quốc bất ngờ tăng vọt trong tháng 5 vừa qua.
Lạm phát Trung Quốc bất ngờ tăng vọt trong tháng 5 vừa qua.
Theo công bố của Cơ quan Thống kê Trung Quốc hôm 14/6, tỷ lệ lạm phát của nước này trong tháng 5 đã tăng lên mức cao nhất trong gần 3 năm trở lại đây.

Bộ phận phân tích và tư vấn kinh tế (EIU) thuộc tạp chí The Economist cho rằng, mặc dù nỗ lực hạ nhiệt kinh tế của Trung Quốc bước đầu có tác dụng, nhưng để đạt được mục tiêu thì con đường phía trước còn dài lê thê. EIU cho rằng, các số liệu được công bố đã cho thấy một bức tranh pha trộn của nền kinh tế Trung Quốc.

Trong bức tranh nhiều màu sắc đó, lạm phát và đầu tư cố định vẫn tăng, trong khi cho vay của ngân hàng, nguồn cung tiền và xuất khẩu đã có dấu hiệu tăng trưởng tăng chậm lại. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 của Trung Quốc đã tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2010, cao nhất kể từ tháng 7/2008, trong khi đầu tư vào tài sản cố định từ tháng 1 - 5/2011 tăng 25,8%.

Giá tiêu dùng trong tháng 5 đã tăng cao nhất trong vòng 34 tháng qua, chủ yếu là do giá lương thực tăng tới 11,7%. Nếu không tính lương thực, thì giá tiêu dùng tăng nhẹ hơn 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn là mức cao nhất kể từ khi Cơ quan thống kê Trung Quốc đưa ra chỉ số này năm 2002.

Theo EIU, những số liệu chính thức mới nhất chưa thể chấm dứt được cuộc tranh luận về tốc độ tăng trưởng đã chậm lại một cách hợp lý hay chưa. Tuy nhiên, việc lạm phát trong tháng 5 tăng mạnh, có vẻ là một tín hiệu cho thấy Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, nhất là khi kiềm chế lạm phát đang được chính phủ nước này coi là ưu tiên hàng đầu.

Trên thực tế, chỉ vài giờ sau khi các chỉ số đầy bi quan này được công bố, PBoC đã ban hành biện pháp ngăn chặn bớt lượng tiền mặt tung vào thị trường, bằng cách bắt buộc các ngân hàng tín dụng nộp thêm ngân khoản dự trữ vào ngân hàng trung ương. Trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên của Cơ quan Thống kê Trung Quốc Sheng Laiyun thừa nhận, nước này vẫn phải đương đầu với áp lực lạm phát nghiêm trọng.

EIU cho rằng, thách thức đối với Trung Quốc là áp lực lạm phát đến từ nhiều yếu tố khác nhau, cả trong và ngoài nước. Giá nguyên liệu toàn cầu tăng, đẩy chi phí đầu vào của các nhà sản xuất Trung Quốc lên. Giá dầu cao hơn cũng đẩy giá lương thực tăng vọt. Các yếu tố trong nước như thời tiết và cơ cấu không tốt gây áp lực đối với nguồn cung lương thực, cũng góp phần đẩy giá mặt hàng này đi lên. Việc kiểm soát giá lương thực xem ra sẽ không phải là điều dễ dàng đối với Trung Quốc.

Số liệu mới nhất về đầu tư cố định cũng cho thấy, các chính sách nhằm hạ nhiệt nền kinh tế chưa có tác dụng hoàn toàn. Đầu tư vào tài sản cố định ở thành thị trong giai đoạn từ tháng 1 - 5/2011 tăng 25,8% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 25,4% trong giai đoạn từ tháng 1 - 4/2011. Tốc độ tăng trưởng đầu tư cố định đứng ở mức khoảng 25% trong gần một năm rưỡi qua, nên ít nhất có thể lập luận rằng nền kinh tế Trung Quốc không nóng hơn.

Tuy nhiên, tốc độ tăng vẫn còn quá nhanh và không thể là dấu hiệu cho thấy việc thắt chặt chính sách tiền tệ đang có tác dụng. Theo ngân hàng HSBC, các dự án cấp tỉnh là yếu tố chính dẫn tới việc đầu tư cố định tăng. Điều này cho thấy, chính quyền địa phương đang vô hiệu hóa nỗ lực thắt chặt chính sách tiền tệ của chính quyền trung ương bằng việc gia tăng chi tiêu, một động thái ở mức độ nào đó cũng làm suy yếu hàng loạt chính sách khác của trung ương.

Ở chiều ngược lại, các số liệu khác lại cho thấy quá trình hạ nhiệt nền kinh tế đang diễn ra. Trong tháng 5, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã giảm xuống còn 13,3%. Nếu chính sách trong nước dường như bắt đầu có tác dụng như mong đợi, thì các áp lực từ bên ngoài cũng bắt đầu đè nặng lên nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa trong tháng 5 đã giảm xuống mức 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái và 29,8% so với tháng trước. Tốc độ này rõ ràng là chậm hơn mức trên 40% trong 2010.

Thêm vào đó, cùng doanh số bán xe ôtô sụt giảm tháng thứ hai liên tiếp, hoạt động chế tạo mất động lực, theo số liệu được công bố ngày 13/6, cho vay của ngân hàng và nguồn cung tiền đều tăng trưởng chậm lại. Trong tháng 5, cho vay bằng đồng Nhân dân tệ chỉ tăng 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 11/2008 và thấp hơn nhiều mức tăng trên 30% của năm 2009.

Tốc độ tăng trưởng nguồn cung tiền cũng chậm lại với M2 chỉ tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức gần 30% của năm 2009. Các số liệu này cho thấy việc kiểm soát tín dụng định lượng của Trung Quốc đã bắt đầu có tác dụng, mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng và nguồn cung tiền vẫn còn ở mức cao. Trung bình trong thập kỷ qua, M2 của Trung Quốc tăng 17%, tín dụng bằng đồng nội tệ tăng 16%, cả hai chỉ số này đều cao hơn các tiêu chuẩn quốc tế.

Phát biểu mới đây tại một hội nghị ở Oslo (Nauy), tỷ phú George Soros nhận định, Trung Quốc đã bỏ lỡ cơ hội để có thể ngăn chặn lạm phát và đang đối diện với nguy cơ nền kinh tế phải "hạ cánh cứng". Ông nói, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang cố gắng ngăn chặn bong bóng kinh tế nhưng có một số dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang "mất kiểm soát".

Theo ông, công thức lèo lái nền kinh tế của Trung Quốc đã không còn hiệu quả, ngoài ra nước này sẽ phải đối mặt với vấn đề lạm phát giá - lương. "Các ngân hàng Trung Quốc đang tái cơ cấu một cách không đúng đắn và sự mất cân bằng cơ bản đã không thể khắc phục. Trong khi đó triển vọng phục hồi đang bị cản trở bởi một thực tế rằng Chính phủ không đưa ra được một giải pháp hữu hiệu", ông bổ sung.

Trên thực tế, không ít nhà phân tích từng tỏ ra lo ngại, các nhà chức trách Trung Quốc có thể sẽ đi quá xa trong nỗ lực làm nguội nền kinh tế và các biện pháp siết chặt có thể sẽ châm ngòi cho một sự sụt giảm mạnh. Ngoài việc tăng lãi suất, Bắc Kinh cũng đã liên tục yêu cầu các ngân hàng tăng dự trữ bắt buộc để ghìm lại tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, nhà kinh tế Lu Ting thuộc Ngân hàng Trung ương Mỹ cho rằng, "một sự sụt giảm mạnh là khả năng khó có thể xảy ra".

EIU dự báo môi trường kinh tế của Trung Quốc tiếp tục trở nên khó khăn hơn trong nửa cuối năm 2011. Tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại, một phần do các chính sách được đưa ra, phần khác do điều kiện thị trường toàn cầu yếu đi. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý 4 có thể giảm xuống mức dưới 8%, thấp hơn mức 9,7% đã đạt được trong quý 1. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng cả năm 2011 của Trung Quốc dự kiến vẫn là 9%.