Trung Quốc giảm mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc để bơm tiền vào nền kinh tế
Nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đã có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) ngày 7/10 tuyên bố cắt giảm mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm bơm thanh khoản vào hệ thống tài chính, theo đó giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh xuất hiện nhiều mối lo về tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế từ cuộc chiến thương mại leo thang với Mỹ.
Theo hãng tin Reuters, đây là lần thứ tư trong năm nay PBoC cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Song song với đó, Chính phủ Trung Quốc đã có những kế hoạch đầu tư nhiều tỷ USD vào các dự án hạ tầng nhằm kích cầu nền kinh tế.
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc - hiện ở mức 15,5% đối với các ngân hàng thương mại lớn và 13,5% đối với các ngân hàng thương mại nhỏ hơn - sẽ được giảm 1 điểm phần trăm bắt đầu từ ngày 15/10, tuyên bố của PBoC cho biết.
Giới phân tích dự báo PBoC sẽ còn có thêm những động thái tương tự trong thời gian tới, bởi kinh tế Trung Quốc đang phát đi nhiều tín hiệu giảm nhiệt và tốc độ tăng trưởng đầu tư đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán Trung Quốc và đồng Nhân dân tệ của nước này cũng trải qua những cú giảm mạnh trong mấy tháng qua, trước khi ổn định hơn trong thời gian gần đây nhờ sự can thiệp của Bắc Kinh.
Đợt cắt giảm dự trữ bắt buộc này sẽ bơm 750 tỷ Nhân dân tệ, tương đương hơn 109 tỷ USD, vào hệ thống tài chính của Trung Quốc. PBoC cam kết rằng việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ không khiến đồng Nhân dân tệ rớt giá.
Việc thông báo giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngay trong ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ Quốc khánh cho thấy mối lo ngại của PBoC về ảnh hưởng của "những cú sốc bên ngoài" đối với thị trường, chẳng hạn như bài phát biểu vào tuần trước của Phó tổng thống Mỹ Mike Pence - theo chuyên gia kinh tế trưởng Zhang Yi của Zhonghai Shengrong Capital Management.
Hôm thứ Năm, ông Pence đã đẩy mạnh chiến dịch của Washington nhằm gây sức ép đối với Bắc Kinh khi cáo buộc Trung Quốc có những nỗ lực "thâm hiểm" nhằm làm suy yếu Tổng thống Donald Trump trước khi diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ vào tháng 11.
Nếu như trong năm 2017, xuất khẩu tăng trưởng mạnh là một đầu tàu của kinh tế Trung Quốc, thì năm nay, tăng trưởng xuất khẩu yếu đi đã trở thành một rào cản tăng trưởng đối với nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới trong nửa đầu năm. Điều này đặt ra nhu cầu Trung Quốc cần đẩy mạnh nhu cầu nội địa để tạo ra một trụ cột cho tăng trưởng nếu Mỹ còn tiếp tục tăng thuế lên hàng hóa Mỹ.
Chuyên gia kinh tế Xu Hongcai thuộc Trung tâm Trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc, một tổ chức nghiên cứu ở Bắc Kinh, cho rằng động thái giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của PBoC là "rất kịp thời". "Ảnh hưởng của chiến tranh thương mại đối với nền kinh tế đang hiện rõ. Nhiều khả năng tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ còn giảm nữa. Tôi cho rằng tỷ lệ này sẽ giảm thêm 1 điểm phần trăm trong thời gian từ nay đến cuối năm", ông Xu nói.
Hôm Chủ nhật, hãng thông tấn Tân Hoa Xã dẫn lời Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Liu Kun nói nước này sẽ áp dụng chính sách tài khóa tích cực, chủ động hơn, bao gồm có thể cắt giảm thuế trên quy mô lớn để đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Ông Liu nói tổng giá trị cắt giảm thuế trong năm nay có thể vượt ngưỡng 1,3 nghìn tỷ Nhân dân tệ.