Mỹ - Trung căng thẳng, doanh nghiệp Trung Quốc tính chuyển bớt ra nước ngoài
Không chỉ các doanh nghiệp nước ngoài, các công ty Trung Quốc cũng đang buộc phải thay đổi chuỗi cung ứng của mình trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị sau khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine và xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang...
Guangdong Vanward New Electric, một trong những nhà sản xuất bình nóng lạnh lớn nhất Trung Quốc, cho biết các khách hàng Mỹ đã yêu cầu công ty dịch chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang.
Theo ông Lu Yucong, chủ tịch Guangdong Vanward New Electric, chủ nghĩa bảo hộ của châu Âu và Mỹ là nguyên nhân khiến công ty phải hành động như vậy.
Động thái của Guangdong Vanward New Electric cho thấy không chỉ các doanh nghiệp nước ngoài mà cả các công ty Trung Quốc cũng đang buộc phải thay đổi chuỗi cung ứng của mình.
Theo Financial Times, các công ty đa quốc gia đang đánh giá lại hoạt động trên toàn cầu của mình sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào đầu năm ngoái và căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang. Các doanh nghiệp này ngày càng lo ngại về mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc và nguy cơ đối mặt với các biện pháp trừng phạt.
“Các khách hàng Mỹ có yêu cầu cụ thể rằng chúng tôi phải xây dựng nhà máy bên ngoài Trung Quốc, ví dự như ở Việt Nam và Thái Lan, thì mới tiếp tục hợp tác”, ông Lu cho biết. “Chuyện này ngày càng phổ biến trong 2-3 năm qua. Không chỉ Mỹ mà cả các nước châu Âu đều đang có những hành động phi toàn cầu hóa. Đây là chủ nghĩa bảo hộ”.
Theo ông Lu, thuế quan tăng lên đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc cũng đang ảnh hưởng tới Guangdong Vanward New Electric - công ty có doanh thu khoảng 1 tỷ USD mỗi năm.
“Các khách hàng đã yêu cầu chúng tôi dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc vì tất cả chúng tôi đều thấy rằng không thể giảm chi phí hơn nữa (do thuế quan tăng lên)”, ông nói. “Thuế quan khiến chúng tôi mất lợi thế cạnh tranh và khách hàng cũng không chấp nhận”.
Do đó, Guangdong Vanward New Electric đã quyết chuyển một số nhà máy từ khu công nghiệp phía Nam Trung Quốc sang Ai Cập và Thái Lan, dù hoạt động tại các quốc gia này gặp nhiều rào cản.
“Đông Nam Á là khu vực chưa phát triển, giống như Trung Quốc hai thập kỷ trước vậy. Những vấn đề như quan chức lợi dụng chức vụ vì lợi ích cá nhân vẫn tồn tại”, ông Lu chia sẻ. “Chi phí sản xuất tại Thái Lan có thể thấp hơn, nhưng chuỗi cung ứng tại đây không được hoàn thiện như ở Trung Quốc. Việc chúng tôi chuyển một phần sản xuất sang nước này chủ yếu để tránh những rủi ro liên quan tới xung đột thương mại Mỹ - Trung”.
Các doanh nghiệp Trung Quốc như nhà sản xuất vải Luthai Textile và nhà sản xuất lốp xe Jiangsu General Science Technology cũng đang cân nhắc các địa điểm sản xuất mới ở Đông Nam Á.
Tại Triển lãm thương mại điện tử tiêu dùng toàn cầu tại Hồng Kông tuần trước, một số nhà sản xuất Trung Quốc đã treo quốc kỳ của nhiều quốc gia tại gian hàng của mình để quảng cáo rằng họ đã có nhà máy tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác.
Chia sẻ tại hội chợ, một công ty sản xuất pin cho biết các khách hàng châu Âu của công ty đã giảm đơn hàng do lo ngại về mối quan hệ của Trung Quốc với Nga sau khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine.
Bên cạnh các doanh nghiệp bản địa, doanh nghiệp nước ngoài có hiện diện lớn tại Trung Quốc cũng đang dự tính hành động tương tự. Theo báo cáo về môi trường kinh doanh năm 2023, Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho biết 24% doanh nghiệp thành viên được khảo sát cho biết đang cân nhắc hoặc đã bắt đầu chuyển sản xuất ra khỏi nước này. Tỷ lệ này tăng 10% so với năm trước.
Trong khi đó, giám đốc một công ty Hồng Kông chuyên tìm nguồn cung ứng nhà máy tại Trung Quốc cho biết các khách hàng phương Tây của công ty đang “tích cực” tìm cách dịch chuyển một phần trong chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc đại lục. Điều này khiến các nhà máy ở Trung Quốc rơi vào tình cảnh khó khăn.