11:12 29/04/2023

Tuyên bố cởi mở với nhà đầu tư nước ngoài, vì sao Trung Quốc vẫn liên tục gây áp lực?

Ngọc Trang

Những vụ bắt giữ, khám xét và các chuyến kiểm tra bất ngờ thời gian gần đây đang đi ngược với lời chào mời nhằm thu hút nhà đầu tư của Trung Quốc…

Trung Quốc đã mở rộng luật gián điệp để chống lại các mối đe dọa từ nước ngoài - Ảnh: Getty Images
Trung Quốc đã mở rộng luật gián điệp để chống lại các mối đe dọa từ nước ngoài - Ảnh: Getty Images

Theo tờ báo Wall Street Journal, các nhà chức trách Trung Quốc đã khởi động một chiến dịch nhằm siết quản lý với các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại nước này. Động thái này diễn ra chỉ vài tháng sau khi Bắc Kinh phát đi thông điệp “cởi mở” với các nhà đầu tư toàn cầu.

NHỮNG ĐỘNG THÁI BẤT NGỜ

Vài tuần gần đây, nhà chức trách Trung Quốc đã có chuyến kiểm tra bất ngờ tới văn phòng Thượng Hải của công ty tư vấn Bain & Co. (Mỹ), mở cuộc điều tra về an ninh mạng đối với nhà sản xuất chip Micron Technology (Mỹ), bắt giữ một nhân viên của nhà sản xuất thuốc Astellas Pharma (Nhật Bản) và lục soát văn phòng ở Bắc Kinh của công ty thẩm định doanh nghiệp Mintz Group (Mỹ).

Trung Quốc đã mở rộng luật gián điệp để chống lại các mối đe dọa từ nước ngoài, theo đó cho phép kiểm tra hành lý và thiết bị điện tử của những cá nhân bị nghi ngờ là gián điệp. Điều này làm gia tăng rủi ro đáng kể đối với các doanh nghiệp phương Tây đang hoạt động tại Trung Quốc.

Theo các nhà phân tích, vài năm qua, Bắc Kinh đã mạnh tay siết quản lý với khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước. Và khi đối mặt với những cạnh tranh ngày càng lớn từ Mỹ, Chính phủ nước này đang chuyển trọng tâm sang siết quản lý với doanh nghiệp nước ngoài.

Các lãnh đạo doanh nghiệp từng tham vấn với giới chức cho rằng nỗ lực này nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề quản trị cũng như phát triển của Trung Quốc, đồng thời hạn chế những thông tin mà công ty nước ngoài như kiểm toán, tư vấn quản lý và luật thu thập được và có thể ảnh hưởng tới hình ảnh của Trung Quốc trong mắt thế giới bên ngoài.

Micron đang bị điều tra ở Trung Quốc - Ảnh: Getty Images
Micron đang bị điều tra ở Trung Quốc - Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, điều này khiến cộng đồng doanh nghiệp phương Tây quan ngại, bởi họ vốn phải dựa vào những thông tin đáng tin cậy và dịch vụ chuyên nghiệp để đánh giá về các rủi ro ở Trung Quốc.

“Cộng đồng doanh nghiệp rất cần thông tin”, ông Lester Ross, một luật sư ở Bắc Kinh và là chủ tịch ủy ban chính sách thuộc Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, cho biết. “Do đó, nhiều người sẽ không thể thay mặt công ty của họ thu thập thông tin bởi sợ bị coi là gián điệp”.

Một số doanh nghiệp nước ngoài nói rằng họ lo rằng việc sửa đổi luật gián điệp của Trung Quốc đồng nghĩa nhiều chủ đề, từ tình trạng của Đài Loan, nhân quyền cho tới các công nghệ như bán dẫn, sẽ bị hạn chế thảo luận với các đối tác Trung Quốc.

Những động thái gần đây của giới chức Trung Quốc với các doanh nghiệp nước ngoài vấp phải sự chỉ trích của Mỹ.

“Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của chúng ta cần cởi bỏ chiếc khăn bịt mắt bằng vàng ra và nhìn nhận những cuộc đột kích gần đây của cảnh sát Trung Quốc với các công ty Mỹ, Bain và Mintz, sẽ không phải chỉ diễn ra một lần”, hạ nghị sĩ Mike Gallagher - thuộc đảng Cộng hòa tại bang Wisconsin, chủ tịch một ủy ban quốc hội Mỹ về Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói trong một tuyên bố ngày 27/4.

Theo một nguồn tin thân cận với Chính phủ Trung Quốc của Wall Street Journal, các động thái trên được thúc đẩy bởi một niềm tin sâu sắc trong giới chức nước này rằng vốn đầu tư của nước ngoài - dù quan trọng với sự phát triển kinh tế - là không đáng tin cậy.

Quan điểm này càng dâng cao thời gian qua, đặc biệt là kể từ khi Mỹ đưa ra lệnh cấm xuất khẩu công nghệ sản xuất chip công nghệ cao cho Trung Quốc vào tháng 10/2022. Các quan chức Trung Quốc tin rằng một số công ty, như Micron, đứng sau động thái này của Washington.

THẾ KHÓ CỦA TRUNG QUỐC

Tại phiên khai mạc đại hội Đảng Cộng sản vào tháng 10 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nêu rõ các mục tiêu chính của nước này trong 5 năm tới là xây dựng một nền kinh tế có sức chống chịu trước các căng thẳng địa chính trị, ít phụ thuộc hơn vào thị trường và công nghệ nước ngoài.

Tuy nhiên, việc siết kiểm soát với khu vực doanh nghiệp nước ngoài có thể đe dọa các mục tiêu tăng trưởng của nước này. Nhiều quan chức cấp cao Trung Quốc tỏ ra lo ngại rằng căng thẳng địa chính trị khiến các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài rời khỏi nước này.

Tại diễn đàn kinh tế Davos hồi tháng 1, Thủ tướng Trung Quốc, khi đó là ông Lý Khắc Cường, đã bày tỏ những quan ngại như vậy tại cuộc gặp với CEO Larry Fink của BlackRock và muốn được tham vấn về cách thức giữ chân dòng vốn nước ngoài, theo nguồn tin của Wall Street Journal.

 

Một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc đầu tháng này cho thấy khoảng 27% doanh nghiệp được hỏi cho biết đang chuyển ưu tiên của mình từ Trung Quốc sang các quốc gia khác khi đưa ra quyết định đầu tư. Tỷ lệ này là 6% trong cuộc khảo sát tương tự vào cuối năm ngoái.

Còn ông Lý Cường, Thủ tướng đương nhiệm, đã cố gắng củng cố niềm tin của doanh nghiệp nước ngoài tại một diễn đàn kinh tế cấp cao ở đảo Hải Nam, miền Nam Trung Quốc vào cuối tháng 3. Ông mô tả Trung Quốc là “mỏ neo cho hòa bình thế giới” và bày tỏ sự lạc quan về sự phục hồi kinh tế của đất nước.

Tại các phiên thảo luận trong khuôn diễn dàn này, các quan chức Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh không có ý định đuổi doanh nghiệp nước ngoài ra khỏi cửa và khuyến khích họ mở rộng sản xuất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, họ cũng khuyến nghị các doanh nghiệp nước ngoài nên hành động nhiều hơn nữa nhằm thúc đẩy sự phát triển của Trung Quốc, để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường này.

Trên thực tế, không phải tất cả các công ty Trung Quốc đều rơi vào diện bị nghi ngờ. Hnagx xe điện Tesla - công ty đang có nhà máy tại Thượng Hải – đang mở rộng hoạt động tại Trung Quốc. Từ cuối năm ngoái, JPMorgan Chase & Co., Fidelity Investments và Neuberger Berman đều nhận được giấy phép hiếm khi được cấp để vận hành các quỹ tương hỗ thuộc sở hữu hoàn toàn của nước ngoài tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Bắc Kinh đang gia tăng áp lực với doanh nghiệp nước ngoài nhằm đáp trả các hành động của Mỹ và phương Tây được cho là đe dọa lợi ích quốc gia.

Nhằm gây áp lực với các doanh nghiệp Mỹ, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã kéo dài thời gian xem xét đối với nhiều thương vụ sáp nhập do công ty Mỹ đề xuất, bao gồm thương vụ Intel mua lại công ty Tower Semiconductor trị giá 5,2 tỷ USD, thương vụ MaxLinear mua lại Silicon Motion Technology of Taiwan trị giá 3,8 tỷ USD - theo Wall Street Journal.

“Trung Quốc sẽ vấn gây áp lực một cách có chọn lọc lên các doanh nghiệp Mỹ”, ông Arthur Kroeber, đối tác sáng lập kiêm giám đốc nghiên cứu tại công ty tư vấn kinh tế Gavekal Dragonomics, viết trong một báo cáo đầu tháng này. “Tuy nhiên, nước này cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu tạo ra một môi trường đầy lo sợ và khiến các doanh nghiệp Mỹ kết luận rằng Trung Quốc là một thị trường nguy hiểm và bắt đầu rút khỏi”.

Một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc đầu tháng này cho thấy khoảng 27% doanh nghiệp được hỏi cho biết đang chuyển ưu tiên của mình từ Trung Quốc sang các quốc gia khác khi đưa ra quyết định đầu tư. Tỷ lệ này là 6% trong cuộc khảo sát tương tự vào cuối năm ngoái.

Các nhà quản lý quỹ nước ngoài cũng sẽ cân nhắc lại về Trung Quốc, giảm bớt tiếp xúc với thị trường này trong một số trường hợp, đồng thời chuyển từ cam kết dài hạn sang ngắn hạn. Đơn cử, quỹ hưu trí dành cho giáo viên của bang Texas năm ngoái đã giảm 50% phân bổ đầu tư vào cổ phiếu tại Trung Quốc trong danh mục của mình. Còn quỹ công nhân của bang Florida đã tạm dừng đầu tư mới tại Trung Quốc.

Theo phân tích của Exante Data, trong 5 phiên giao dịch gần đây nhất, các nhà đầu tư toàn cầu đã rút ròng khoảng 3,17 tỷ USD khỏi chứng khoán Trung Quốc qua kênh kết nối xuyên biên giới, tiếp nối đà rút vốn dài nhất kể từ tháng 11/2022.