Trung Quốc mở rộng cửa hơn cho công ty tài chính nước ngoài
Động thái này diễn ra một ngày sau chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Mỹ Donald Trump
Trung Quốc sẽ tăng giới hạn nắm giữ cổ phần trong các công ty tài chính nước này đối với nhà đầu tư nước ngoài - một động thái mở rộng hơn cánh cửa của ngành dịch vụ tài chính trị giá nhiều nghìn tỷ USD của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới trong bối cảnh Trung Quốc phấn đấu trở thành một trung tâm tài chính lớn của thế giới.
Theo tin từ Reuters, quyết định trên được Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Zhu Guangyao công bố ngày 10/11, một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc lại lời kêu gọi về trao quyền tiếp cận thị trường rộng mở hơn.
Ông Tập hiện đang thúc đẩy các cải cách kinh tế rộng lớn bằng cách mở cửa thị trường vốn của Trung Quốc, quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ, và tìm kiếm các bí quyết công nghệ thông qua đầu tư trong và ngoài nước.
Những thay đổi mới nhất vừa được công bố bao gồm nâng giới hạn sở hữu nước ngoài trong các công ty liên doanh về các nghiệp vụ giao dịch tương lai, chứng khoán và quỹ thị trường lên 51% từ 49% hiện tại.
Thay đổi này sẽ có hiệu lực ngay lập tức sau khi các quy định cụ thể liên quan được soạn thảo. Thứ trưởng Zhu cũng cho biết Trung Quốc đang "vạch ra một lộ trình cho việc cải cách và mở cửa ngành tài chính".
Cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tỏ ra thận trọng với động thái trên của Bắc Kinh. "Việc Trung Quốc mở cửa rộng hơn ngành dịch vụ tài chính chắc chắn là ưu tiên cao của chúng tôi", ông Ken Jarrett, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Thượng Hải, phát biểu. "Nhưng chúng tôi còn phải chờ xem quy định chi tiết như thế nào. Mặc dù vậy, việc nới trần đã là một điều đáng hoan nghênh".
Ông Peter Alexander, Giám đốc Z-Ben Advisors, một công ty tư vấn tài chính ở Thượng Hải, cho rằng động thái trên của Trung Quốc là một bước đi thận trọng tiến tới những thay đổi lớn hơn trong tương lai. "Đây là một phần trong một quy trì có phương pháp và thận trọng. Chúng tôi hy vọng trong vài năm tới các công ty quản lý quỹ nước ngoài ở Trung Quốc có thể toàn quyền nắm giữ công ty của họ", ông Alexander nói.
Một số ý kiến khác nói rằng thay đổi này là quá chậm và quá nhỏ.
Việc Trung Quốc nới trần sở hữu nước ngoài trong ngành tài chính diễn ra khi Bắc Kinh đối mặt sức ép gia tăng từ các nước phương Tây về dỡ bỏ các rào cản đầu tư và nới lỏng các quy chế hạn chế hoạt động của các công ty nước ngoài tại thị trường đông dân nhất thế giới. Trong chuyến thăm Bắc Kinh tuần này, ông Trump nói rằng thương mại Mỹ-Trung là không bình đẳng và kêu gọi Trung Quốc trao quyền tiếp cận thị trường rộng mở hơn cho các công ty Mỹ.
"Chúng ta thực sự cần phải nhìn vào quyền tiếp cận thị trường, việc chuyển giao công nghệ một cách cưỡng ép, và tình trạng đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ. Những việc này đang khiến nước Mỹ và các công ty Mỹ thiệt hại ít nhất 300 tỷ USD mỗi năm", ông Trump nói. "Cả Mỹ và Trung Quốc sẽ có một tương lai thịnh vượng hơn nếu chúng ta có thể đạt được một sân chơi kinh tế bình đẳng hơn. Hiện tại, không may là sân chơi này rất phiến diện và không bình đẳng.
Trong những năm qua, Trung Quốc chậm chạp trong việc mở rộng hơn cánh cửa ngành tài chính cho các công ty nước ngoài, nhưng đã hứa sẽ đẩy nhanh việc này khi mà vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Trung Quốc giảm tốc.
Trung Quốc hiện cũng đang áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ để ngăn các dòng vốn nước ngoài chảy khỏi nước này, nhưng lại mở cửa thêm các kênh mới để vốn ngoại chảy vào. Hoạt động của các công ty tài chính nước ngoài ở Trung Quốc vẫn ở mức rất hạn chế, trong khi quy mô khổng lồ của thị trường tài chính Trung Quốc có sức hấp dẫn lớn đối với các công ty nước ngoài.
Reuters dẫn số liệu từ một nghiên cứu năm 2017 của hãng tư vấn-kiểm toán KPMG nói rằng các ngân hàng nước ngoài hiện chỉ chiếm 1,4% lượng tài sản ngân hàng 27,37 nghìn tỷ USD ở Trung Quốc.