09:08 12/08/2016

Trung Quốc phóng vệ tinh mới để “bảo vệ lợi ích trên biển”

Bình Minh

“Vệ tinh này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc theo dõi môi trường biển, các đảo và đá, tàu bè và giàn khoan dầu”

Ảnh do Hải quân Mỹ cung cấp cho thấy hoạt động xây dựng trái phép của 
Trung Quốc ở bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hồi 
tháng 5/2015 - Nguồn: Reuters.
Ảnh do Hải quân Mỹ cung cấp cho thấy hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc ở bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hồi tháng 5/2015 - Nguồn: Reuters.
Một vệ tinh mới phóng sẽ giúp Trung Quốc bảo vệ các lợi ích trên biển của nước này - hãng tin Reuters dẫn nguồn báo China Daily ngày 11/8 cho biết. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng trong tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông và biển Hoa Đông gia tăng.

Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Công nghiệp quốc phòng Quốc gia Trung Quốc nói với China Daily rằng vệ tinh mang tên “Gaofen 3” đã được phóng vào ngày 10/8. Vệ tinh này có một hệ thống radar dùng để chụp ảnh từ vũ trụ với độ phân giải tới 1 mét và có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết.

“Vệ tinh này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc theo dõi môi trường biển, các đảo và đá, tàu bè và giàn khoan dầu”, tờ China Daily dẫn lời ông Xu Fuxiang, người đứng đầu dự án vệ tinh “Gaofen 3”.

“Những vệ tinh như Gaofen 3 sẽ rất hữu dụng trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích trên biển của đất nước”, ông Xu nói, theo China Daily.

Tháng 7 vừa qua, Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về tranh chấp trên biển Đông. Phán quyết của PCA bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông, nhưng Bắc Kinh kiên quyết không chấp nhận phán quyết này.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết biển Đông, vùng biển nơi có khoảng 5.000 tỷ USD hàng hóa thương mại được vận chuyển qua mỗi năm.

Cách đây ít hôm, Reuters đưa tin nói rằng Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở Washington, Mỹ đã công bố một loạt ảnh chụp từ vệ tinh hồi tháng 7 cho thấy Trung Quốc có vẻ như đã xây nhà sửa chữa máy bay (hangar) kiên cố tại một số đảo nhân đạo mà nước này xây dựng trái phép ở biển Đông.

Vào cuối tuần trước, hàng trăm tàu Trung Quốc, bao gồm tàu cá, tàu hải cảnh và tàu của Chính phủ, đã đến gần khu vực đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku trên biển Hoa Đông. Vụ việc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Nhật Bản, trong đó Bộ Ngoại giao nước này đã liên tục triệu hồi đại sứ Trung Quốc tại Tokyo để phản đối.